![]() |
Khi được hỏi tại sao đang rất thành công ở nhiều lĩnh vực kinh doanh, lại chuyển sang thành lập quỹ từ thiện mang tên Quỹ Phòng chống Thương vong Châu Á (Quỹ AIP), ông Greig Craft, Tổng giám đốc Công ty Protec không trả lời ngay, mà chiếu cho tôi xem những đoạn phim về các tai nạn giao thông mà ông ghi được trong hơn 11 năm sống tại Việt Nam, rồi nói: “Chính tình trạng giao thông lộn xộn tại các đô thị ở Việt Nam và những cú sốc khi phải chứng kiến những tai nạn đau lòng là động lực khiến tôi chuyển hướng sang lĩnh vực sản xuất mũ bảo hiểm và thành lập Quỹ AIP”.
* Ông nghĩ thế nào khi ý tưởng của ông lúc đó rất khó thực hiện, vì người Việt Nam chưa quen đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy?
- Tôi đến Việt Nam vào những năm cuối của thập kỷ 80, lúc đó các phương tiện giao thông chưa nhiều như bây giờ, nhưng tôi đã có "ấn tượng ban đầu quá sâu đậm" về tình trạng giao thông ở đây. Tại Hà Nội, mỗi lần từ trung tâm thành phố ra sân bay Nội Bài, mặc dù đi trên tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài khá hiện đại, nhưng tôi thường chứng kiến những vụ tai nạn giao thông thảm khốc liên quan đến xe máy. Hầu hết người bị nạn đều không thể sống sót.
![]() |
Tôi bị ám ảnh ghê lắm và nghĩ rằng phải làm một việc gì đó ý nghĩa hơn bên cạnh việc kinh doanh. Thế làø tôi quyết định thành lập Quỹ Phòng chống Thương vong Châu Á để thực hiện các hoạt động tuyên truyền nhằm cải thiện môi trường giao thông tại Việt Nam. Hai năm sau đó, cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức, công ty đa quốc gia, nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm Protec ra đời với mục tiêu cung cấp những chiếc mũ bảo hiểm chất lượng cho người Việt Nam và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương tại địa bàn Nhà máy hoạt động.
Tôi biết lúc đó, người dân Việt Nam chưa có thói quen đội mũ bảo hiểm, nên rất khó để thuyết phục họ thay đổi thói quen cố hữu này. Trách nhiệm của người sáng lập Quỹ, đi vận động, tuyên truyền trong xã hội còn vất vả hơn cả việc kinh doanh. Nhưng tôi vẫn quyết tâm thực hiện vì biết việc làm này sẽ có ích cho xã hội, cho mọi người. Mục đích của công việc không phải là lợi nhuận, mà là mong muốn đem lại giá trị cho cuộc sống.
* Nếu không vì lợi nhuận, thì tại sao ông lại phải “vất vả” với chiếc mũ bảo hiểm đến vậy?
- Như đã nói, nếu vì tiền thì tôi đã không chọn công việc này, bởi tôi từng kinh doanh thành công ở nhiều lĩnh vực như thép, dầu khí, bất động sản... Sau khi Mỹ xóa bỏ cấm vận Việt Nam, tôi đã làm công việc tư vấn, hỗ trợ cho nhiều tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, như Ford, Motorola, Enron..., và chỉ với công việc tư vấn cũng đủ giúp tôi sống thoải mái.Tuy nhiên, theo tôi, một doanh nhân được xem là thành đạt không phải vì có nhiều tiền, xe hơi đẹp, biệt thự sang trọng, mà là đã làm được gì để mang lại lợi ích cho xã hội.
Tôi xác định chắc chắn phải mất nhiều thời gian, công sức mới thuyết phục được người dân Việt Nam thay đổi nhận thức và có thói quen đội mũ bảo hiểm. Trước hết, tôi tìm đến rất nhiều cơ quan nhà nước như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo... để trình bày ý định, kế hoạch hoạt động tuyên truyền và đã được những nơi này ủng hộ, hỗ trợ rất nhiều. Tiếp theo là một số hoạt động tiếp cận, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, như dự án tặng mũ bảo hiểm cho trẻ em.
Năm 2000, tôi hân hạnh nhận được sự hỗ trợ của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton trong việc phát động dự án “Mũ bảo hiểm cho trẻ em” tại TP.HCM nhân chuyến viếng thăm Việt Nam của ông. Tôi đã chia sẻ với ông: “Ở Việt Nam chưa có mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn, nên tôi lập ra nhà máy để sản xuất mũ chất lượng cao, phù hợp với khí hậu nhiệt đới ở đây”.
![]() |
Để có được “chiếc mũ bảo hiểm nhiệt đới” (tên tôi đặt cho sản phẩm của mình), tôi đã đến rất nhiều nơi để tìm hiểu xem tại sao người ta không thích đội mũ bảo hiểm, rồi qua Mỹ, Mexico, Đài Loan, Trung Quốc... để học hỏi kỹ thuật, cách vận hành nhà máy sản xuất, đồng thời tiến hành đo vòng đầu của 5.000 người Việt Nam trước khi làm khuôn mẫu sản xuất mũ.
Tuy vất vả nhưng tôi rất tự hào về sáng kiến xây dựng nhà máy này và toàn bộ lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh mũ bảo hiểm sẽ được đưa vào Quỹ AIP để tiếp tục các hoạt động tuyên truyền về an toàn giao thông. Ngoài ra, Protec còn tạo được công ăn việc làm cho nhiều người, trong đó có cả người khuyết tật.
* Nhưng tại sao ông lại chọn Việt Nam để thực hiện ước muốn của mình?
- Dường như các thế hệ trước của gia đình tôi có duyên nợ với đất nước này. Ông nội và bố tôi đã có thời gian dài gắn bó với Việt Nam, tôi cũng vậy, nên Việt Nam đã để lại ấn tượng sâu sắc. Tôi bị ảnh hưởng rất nhiều bởi phong tục, văn hóa của Việt Nam, yêu thích sự lễ nghĩa, hiếu đạo, cảnh sinh hoạt ở gia đình Việt Nam, mê ẩm thực, âm nhạc Việt. Đặc biệt là lòng hiếu khách, sự thân thiện, cởi mở của người Việt Nam đã giúp tôi dễ hòa nhập vào cuộc sống nơi đây.
![]() |
Ông Greig Craft trong những lần gặp gỡ các lãnh đạo của Việt Nam qua các thời kỳ |
Năm 1989, khi quyết định sang Việt Nam tìm cơ hội làm ăn lâu dài, tôi chưa nhận thức được sự hạn chế trong giao dịch thương mại quốc tế do Mỹ vẫn còn thực hiện chính sách cấm vận đối với Việt Nam. Vì vậy, mọi kế hoạch của tôi đều không được như ý. Tuy nhiên, tôi vẫn ở lại Việt Nam và tham gia các hoạt động nhân đạo, như vận động các tổ chức từ thiện mang thuốc men đến cho trẻ em nghèo ở Cao Bằng, Quảng Bình...
* Ông nói làm công tác tuyên truyền trong xã hội còn vất vả hơn cả việc kinh doanh?
- Đúng vậy, bởi nếu có chiến lược, đường hướng tốt thì kinh doanh khá dễ dàng, còn hoạt động tuyên truyền trong xã hội là công việc không chỉ đòi hỏi tính kiên nhẫn, mà còn phải có kế hoạch, chiến lược phối hợp tổng thể với nhiều hoạt động, nhiều kênh truyền thông khác cùng với nhiều hoạt động giáo dục tích cực và phải làm thường xuyên, liên tục.
Giống như ở các nước phương Tây, không phải ai cũng thắt dây an toàn khi lái xe, rất nhiều người lái xe trong tình trạng say rượu và chạy quá tốc độ. Vì vậy, ngay cả ở những nước phát triển cũng vẫn phải nâng cao ý thức lái xe an toàn cho người dân. Ngoài ra, cái khó của các chiến dịch tuyên truyền này là không nên kêu gọi suông, mà phải có ý tưởng sáng tạo, khơi gợi cảm xúc, gây ấn tượng để mọi người nhớ được, từ đó dẫn đến thay đổi ý thức và hành động.
* Ban đầu quy định đội mũ bảo hiểm khó thực hiện tại Việt Nam, ông có nản lòng không?
- Khi thấy việc vận động không mang lại kết quả, tôi không nản mà buồn. Lúc đó, tôi đã tìm cách tiếp cận các công ty, doanh nghiệp để bán mũ bảo hiểm, mời các công ty lớn tài trợ mũ để vận động họ tham gia các hoạt động cộng đồng. Đây là thời kỳ đi “đánh trận” vô cùng khó khăn (chúng tôi vẫn nói đùa với nhau để tự động viên). Thậm chí, có tháng công ty không còn tiền để trả lương nhân viên. Song, vốn là người chưa bao giờ nghĩ phải dừng bước trước khó khăn và hằng ngày vẫn chứng kiến những tai nạn đau lòng trên đường phố, vẫn biết nhiều người còn quan niệm sai lầm rằng “tai nạn là do số phận” nên tôi càng có thêm động lực và nhiệt huyết để tiếp tục sứ mệnh của mình.
* Nhưng ông nghĩ sao khi quy định đã được thực hiện mà nhiều người dân Việt Nam vẫn coi việc đội mũ bảo hiểm chỉ là để đối phó?
![]() |
- Đại đa số người dân đã có ý thức, chỉ còn một số ít là chưa. Tuy nhiên, vấn đề khiến tôi lo lắng là số lượng mũ bảo hiểm kém chất lượng vẫn còn chiếm khoảng 25 - 30% số mũ bán trên thị trường. Điều đó cũng cho thấy công việc của tôi còn nặng nề, chúng tôi vẫn phải tiếp tục công tác tuyên truyền.
Đặc biệt, có nhiều người vẫn chưa cho con đội mũ bảo hiểm. Tôi muốn khuyến cáo các bậc phụ huynh rằng: “Đội mũ bảo hiểm cho con để đảm bảo an toàn cho chúng cũng giống như bạn cho chúng đi tiêm vắc-xin để phòng bệnh vậy”. Tuy nhiên, qua con số thống kê tìm hiểu được, tôi cũng rất vui vì thấy từ khi quy định đội mũ bảo hiểm được thi hành, tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông ở Việt Nam đã giảm xuống 12% và số người bị thương tật do tai nạn cũng giảm 24%. Theo tính toán sơ bộ, Việt Nam cũng tiết kiệm được 188 triệu USD nhờ quyết định này.
* Kinh doanh ở Việt Nam khá lâu, theo ông, hạn chế nào của người lao động Việt Nam khiến các nhà đầu tư nản lòng khi làm ăn ở Việt Nam?
- Đó là tác phong làm việc của họ, tính kỷ luật của họ chưa cao, nhất là chưa có ý thức về an toàn lao động. Chẳng hạn, những việc rất nhỏ như đeo mặt nạ an toàn, kính bảo vệ khi lao động...
* Trong các mặt xã hội, con người, cuộc sống và bộ mặt đô thị tại Việt Nam, ông có cảm nhận nào sâu sắc nhất về sự tiến bộ và chưa tiến bộ?
- Đó là sự cầu tiến, ham học hỏi và chủ động hội nhập nhanh của người Việt Nam. Trước kia, khi đến Việt Nam tôi thường phải nói tiếng Pháp vì những người lớn tuổi ở đây chỉ nói được tiếng Pháp. Nhưng năm 1992, tình cờ đi ngang một con phố, thấy người dẫn xe máy vào một bãi giữ xe rất đông, hỏi ra mới biết họ gửi xe để học tiếng Anh. Đến nay, đã có rất nhiều bạn trẻ Việt Nam có thể giao tiếp với người nước ngoài bằng tiếng Anh lưu loát.
Một điều nữa và cũng là thách thức lớn nhất đối với các quốc gia đang phát triển là nạn kẹt xe, bởi khi nền kinh tế phát triển, hầu như các nước này chỉ chú trọng đến hiện đại hóa, công nghiệp hóa nhanh để đạt thành tựu về kinh tế, trong khi đó cơ sở hạ tầng lại ít được quan tâm. Chúng ta không chỉ phải cải thiện đường sá, nâng cao ý thức cho người dân, mà còn phải phát triển phương tiện giao thông công cộng. Tôi không phải là người bi quan, nhưng tôi nghĩ, tình trạng giao thông hiện tại đang ngày càng xấu đi vì hiện nay chúng ta chỉ biết cố gắng làm cho việc lưu thông được dễ dàng hơn chứ không có quy hoạch lâu dài.
* Rất bận rộn nhưng ông luôn cùng ăn tối với gia đình. Làm cách nào ông có thể hài hòa được công việc và cuộc sống, trong khi đại đa số doanh nhân Việt Nam hiện nay khó làm được như vậy?
![]() |
- Công việc và gia đình, cả hai đều rất quan trọng đối với tôi. Ngoài những lo lắng cho công việc, những chuyến công tác dài ngày, tôi luôn cố gắng dành thời gian cho gia đình khi ở Hà Nội. Bữa cơm tối là thời gian tôi cảm thấy được thư giãn nhất. Được nhìn thấy nụ cười của cô con gái bốn tuổi, được chia sẻ với vợ những khó khăn trong công việc và được thưởng thức những món ăn Việt giúp tôi có thêm sức mạnh để theo đuổi cuộc chiến cải thiện tình hình an toàn giao thông.
* Sau 20 năm gắn bó với Hà Nội, ông có những thói quen gì trong cuộc sống hằng ngày tại thành phố này?
- Công việc của tôi gắn liền với những chuyến công tác dài ngày ở trong nước và nước ngoài, nhưng tình yêu của tôi dành cho Hà Nội là không bao giờ thay đổi. Tôi yêu những buổi sáng Chủ nhật thảnh thơi ngồi trên xích lô cùng con gái dạo quanh hồ Hoàn Kiếm, yêu những phút giây ngồi ở quán cà phê Hapro ngắm nhìn cuộc sống thanh bình của những con người nơi đây. Đặc biệt, tôi rất tự hào khi thấy ngày càng có nhiều du khách nước ngoài tới thăm đất nước và con người Việt Nam.
* Bên cạnh công việc hằng ngày tại Công ty Protec và dành cho Quỹ AIP, ông có còn thời gian để tham gia những hoạt động ngoại khóa với nhân viên của mình?
- Hiện tại, chúng tôi có khoảng gần 300 cán bộ, nhân viên đang làm việc tại nhà máy, văn phòng Hà Nội, văn phòng TP.HCM. Mặc dù ở ba điểm khác nhau, có sự cách biệt về địa lý, nhưng chúng tôi luôn có những hoạt động tập thể, cùng chia sẻ thông tin qua internet. Mọi người ở văn phòng gọi tôi là “chú”, và tôi luôn xem “chú” như là tên Việt Nam của mình sau tên Greig. Tôi luôn tin tưởng, bên cạnh công việc, sự sẻ chia với nhau những khó khăn hằng ngày sẽ làm mọi người gắn kết với nhau hơn và tôi tin mình đang tạo được sự gắn kết đó trong gia đình thứ hai này.
* Xin cảm ơn ông!