Giáo dục mang cơ hội bình đẳng cho mọi người

XUÂN LỘC - Tranh: HOÀNG TƯỜNG| 21/03/2017 06:32

Chàng trai có nụ cười lạc quan thường xuyên này là một trong 30 người đang có ảnh hưởng tích cực đối với giới trẻ do tạp chí Forbes bình chọn.

Giáo dục mang cơ hội bình đẳng cho mọi người

Lê Đình Hiếu là Giám đốc Điều hành của Học viện G.A.P, Giám đốc Chương trình tìm kiếm tài năng trẻ Talent Hub của Trung tâm văn hóa giáo dục UNESCO đồng thời là nhà sáng lập dự án dạy tiếng Anh cho người câm điếc Hear.Us.Now.

Đọc E-paper

Chàng trai có nụ cười lạc quan thường xuyên này là một trong 30 người đang có ảnh hưởng tích cực đối với giới trẻ do tạp chí Forbes bình chọn. Bằng chất giọng truyền cảm, anh say sưa kể về mẹ của mình, người ảnh hưởng lớn nhất đối với con đường sự nghiệp anh chọn hôm nay. Lê Đình Hiếu cho biết:

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình không mấy khá giả, bố mẹ chỉ là người làm công ăn lương nhà nước, may mắn là cha mẹ luôn quan tâm đến chuyện học hành của con. Từ lúc tôi mới năm, sáu tuổi, mẹ tôi đã dạy con trai học đàn piano.

Những năm đầu, tôi được dạy đàn rất kỹ, nhận biết tôi đàn hay, dở rất nhanh. Về sau, mẹ chỉ có thể nhận xét ngón tay tôi đặt đúng hay sai. Đến năm tôi học lớp 9, mẹ tôi mới thú nhận là mình đã bị điếc. Những phụ nữ bên họ ngoại của tôi bị chứng bệnh rất lạ, đó là bị giảm thính lực từ sau tuổi 30, từ bà ngoại đến các dì ai cũng bị bệnh này và mẹ tôi cũng không ngoại lệ.

Khi nói về căn bệnh của mình, mẹ còn hỏi đùa ba chị em tôi: “Các con thấy mẹ đóng kịch có hay không? Mẹ không bao giờ cảm thấy đau khổ vì bệnh tật của mình. Cuộc sống vốn rất nhiều khó khăn, có những khó khăn chúng ta có thể vượt qua nếu biết nỗ lực, cũng có những khó khăn thuộc về số phận, không thể thay đổi được. Đối với những khó khăn là số phận thì thay vì đau khổ, chúng ta hãy tìm cách sống chung với nó”. Đây là câu nói đã đi cùng tôi suốt những năm sau này.

* Có lẽ câu nói này cũng là động lực để anh vượt qua những khó khăn, nhất là giai đoạn khởi nghiệp?

- Đúng vậy. Tôi bắt đầu khởi nghiệp với dự án Everest Education (E2), một trung tâm đào tạo ngoài giờ giúp học sinh Việt Nam có thể tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến. Tôi cùng ba người khác quyết định thành lập trung tâm với mong muốn mang lại những thay đổi về giáo dục bậc phổ thông. Quả thật, khởi nghiệp có muôn vàn khó khăn, nhất là những khó khăn về tài chính và cơ chế trong ngành. Nhưng mẹ tôi đã kịp động viên con trai: “Nếu biết đó là khó khăn về số phận thì con không thể chống lại. Con phải xác định xem mình còn muốn theo đuổi con đường đã chọn hay không, nếu còn thì hãy tìm cách khắc phục và làm tốt nhất có thể”. Lời của mẹ là niềm tin để tôi bước đi đến ngày hôm nay. Trước đó, những lời khuyên của mẹ cũng đã giúp tôi vươn lên trong những ngày du học nơi đất Mỹ xa xôi.

* Hẳn anh học rất tốt mới được tuyển vào khoa Toán Kinh tế của Trường UCLA, một trong những trường đại học hàng đầu ở California, Mỹ?

- Ngược lại, tôi chỉ học ở mức “tầm tầm bậc trung”. Trường UCLA chấp nhận tôi có lẽ nhờ bài luận văn tôi viết rất thật về câu chuyện của người mẹ khiếm thính và đứa con trai được theo chân mẹ làm “thông dịch viên” mỗi chuyến đi giao dịch, buôn bán.

Du học với tôi quả là một bước ngoặt lớn trong đời. Tôi như một con ếch được thoát ra khỏi đáy giếng. Ngoài kiến thức, tôi học được nhiều bài học giá trị từ môi trường giáo dục mới, trong đó có hai bài học quan trọng. Một là trước đó, tôi cứ nghĩ mình hiểu biết “kha khá”, nay tôi nhận ra mình hầu như chẳng biết gì, thậm chí những điều mình từng biết là không đúng sự thật. Hai là khi ra nước ngoài, người ta không gọi tôi là Lê Đình Hiếu, cách gọi quen thuộc hơn là anh chàng Việt Nam. Khi đó, tôi không còn là một cá nhân bình thường mà trở thành một đại diện của đất nước. Vì vậy, tôi luôn cố gắng học tập để không bị thua kém sinh viên các nước. Kết quả là tôi đậu thủ khoa, được giữ lại trường làm trợ giảng. Tôi nghĩ mình học tốt là nhờ “cần cù bù thông minh”, chứ không phải giỏi giang gì.

* Một mình du học nơi đất khách quê người, chắc anh cũng trải qua cuộc sống vất vả?

- Vâng, tôi từng khá chật vật với việc kiếm tiền thời đi học. Thậm chí tôi phải làm công việc đổ rác để có chi phí trang trải cho việc học. Nhiệm vụ của tôi là phải đổ 30 thùng rác được đặt khắp nơi trong khuôn viên trường rộng vài ba hécta, bất kể ngày mưa, ngày nắng hay trời đông giá rét. Tôi còn nhớ thùng rác cao đến 1,5m, mỗi lần muốn lấy rác ra là một thử thách đối với người cao 1,7m như tôi. Ban đầu, tôi đổ luân phiên hết thùng này đến thùng khác, khi thùng cuối được đổ thì thùng đầu lại đầy lên rất nhanh. Tôi bắt đầu cảm thấy đuối sau một tháng nhận việc nhưng không dám nghỉ.

Cuối cùng, “cái khó ló cái khôn”, tôi bắt đầu suy nghĩ về một “chiến thuật” đổ rác thông minh hơn. Tôi quan sát thấy những thùng rác gần nhà sách thường sạch và nhẹ vì rác chủ yếu là giấy tờ, sách báo, túi nylon, trong khi thùng rác gần căn-tin thì nặng và hôi vì thực phẩm, thức uống nặng mùi. Tôi vẽ một bản đồ các thùng rác, đánh dấu các thùng trọng điểm rồi lên một lịch trình đổ rác hợp lý, tiết kiệm nhất thời gian và khoảng cách có thể. Kết quả, tôi trở thành người đổ rác… giỏi nhất trong số những người từng làm công việc này. Sau đó, tôi được cất nhắc vào các vị trí tốt hơn, từ dọn kho, phục vụ rồi đến vị trí đại diện căn-tin, làm công việc như một người quản lý, tiếp xúc với các nhà cung cấp thực phẩm, thương lượng giá cả…

Sau này, tôi thường kể lại câu chuyện của mình để nhắc các bạn trẻ rằng xuất phát điểm không phải là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công. Đôi khi, chúng ta ở những điểm xuất phát thấp hơn người khác rất nhiều nhưng nếu làm việc bằng tất cả tâm huyết, có sự đầu tư về tư duy thì nhất định sẽ đến đích rất nhanh. Khi làm việc ở vị trí quản lý, tôi rất “sợ” những nhân viên hay đòi lên chức, tăng lương trong khi chưa phấn đấu hết mình trong công việc. Tôi luôn quan niệm rằng hãy cứ làm tốt công việc của mình, địa vị, tiền bạc từ từ sẽ đến.Hãy cứ làm chuyện nhỏ cho tốt, kết quả lớn sẽ đến một ngày không xa.

* Nếu có một tương lai đầy hứa hẹn ở Mỹ như anh, có lẽ không mấy sinh viên quyết tâm trở về Việt Nam. Hẳn là có lý do nào đó đưa anh trở về quê hương?

- Có hai lý do đưa tôi về Việt Nam. Một lý do vui vui là mẹ tôi muốn con trai về Việt Nam lấy vợ…

* Và đến nay anh đã hoàn thành mục tiêu này chưa?

- Tôi vẫn chưa lấy được vợ sau bảy năm về Việt Nam. Sau này tôi có cảm giác mình bị… lừa vì thực ra mẹ tôi muốn con trai về sống bên bà mà thôi.

* Còn lý do thứ hai để anh quyết tâm trở về là…

- Câu chuyện này khá dài. Từ những ngày học phổ thông, tôi đã rất mê món chè sương sáo phục linh ở một quán quen gần sân bóng tôi hay ghé chơi. Tôi quý mến hai mẹ con cô chủ đến nỗi gọi người mẹ là “má” và cô con gái là “bé Linh” (Tôi không biết tên cô bé nên gọi bằng tên món chè yêu thích). Những năm học ở Mỹ, tôi vẫn không quên món chè quen thuộc nên mùa hè năm thứ 3 đại học, có dịp về thăm nhà, tôi lại tìm đến quán chè của “má”. Điều tôi cảm thấy bất ngờ đến đau lòng là bé Linh đang mang bầu mà không ai biết cha đứa bé là ai. Thậm chí mẹ bé Linh không dám nhờ sự can thiệp của phường, xã hay hội phụ nữ vì gia đình “má” không có hộ khẩu.

Hình ảnh cô bé Linh cứ ám ảnh tôi những tháng ngày sau đó. Tôi trăn trở vì trong xã hội còn rất nhiều đứa trẻ có hoàn cảnh như Linh, sinh ra và lớn lên như cành cây ngọn cỏ bên đường, không ai trao cho em một cơ hội để thay đổi cuộc đời. Đứa bé con của Linh rồi cũng sẽ như mẹ em, sống vất vưởng đâu đó và rất ít có cơ may về một tương lai tốt đẹp hơn…

Trong lần học môn Chính trị học, tôi hỏi một vị giáo sư người Mỹ đồng thời là một chính trị gia nổi tiếng: “Vì sao ở một nước nổi tiếng là công bằng, bình đẳng như nước Mỹ vẫn có sự phân biệt giàu nghèo, phân biệt sắc tộc và những người khuyết tật?”. Người thầy đáng kính trả lời tôi: “Chắc chắn chúng ta không thể có sự bình đẳng giữa người giàu và người nghèo, bình đẳng giới cũng ở một mức độ nhất định. Chúng tôi chỉ tạo ra cơ hội và trao quyền bình đẳng cho tất cả mọi người thông qua giáo dục”. Tôi chợt nhận ra, chỉ có giáo dục mới đem lại quyền bình đẳng cho mọi người, kể cả người khuyết tật. Và thế là tôi quyết định trở về để có thể tạo ra một sự bình đẳng từ giáo dục.

* Và Học viện G.A.P ra đời cũng từ quyết tâm này?

- Đầu tiên là dự án Everest Education (E2). Ba người bạn và tôi cùng chung chí hướng đã quyết định mò mẫm để thực hiện một sự thay đổi về giáo dục, bắt đầu từ thay đổi giáo trình. Các giáo trình quốc tế rất đa dạng và phong phú, chúng tôi lựa chọn một giáo trình tối ưu và có những điều chỉnh phù hợp với người Việt Nam. Bằng cách dạy các môn truyền thống như Toán, Lý, Hóa… bằng tiếng Anh và giáo trình tiên tiến, chúng tôi khơi dậy đam mê học hỏi trong mỗi em học sinh và lấy đó làm nền tảng cho bước đi tiếp theo của các em. Chúng tôi thúc đẩy các em vươn tới ước mơ của mình với sự quyết tâm và kiên trì, phát huy tiềm năng và thái độ tích cực trong học tập qua việc xây dựng môi trường học tập với động lực từ giáo viên, bạn bè và từ chính bản thân mình. Chúng tôi giúp các em tìm thấy niềm yêu thích học hỏi bằng việc vượt qua những thử thách trong học tập…

* Sau bốn năm triển khai, dự án này đã đạt những kết quả như anh mong muốn chưa?

- Thật may, sau thời gian chật vật, tôi đã có thể trích 20% lợi nhuận để tạo học bổng cho các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, dự án đã hình thành bốn cơ sở ở TP. Hồ Chí Minh, tạo nên những thay đổi nho nhỏ trong cách học cho học sinh bậc phổ thông. Dự án ý nghĩa này đã giúp tôi lọt vào danh sách 30 người dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nhất do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn trong lĩnh vực Giáo dục.

Còn Học viện G.A.P ra đời cũng bắt nguồn kinh nghiệm làm quản lý các bạn trẻ. Tôi nhận thấy khi tuyển dụng, sinh viên trong nước có vẻ “lép vế” so với sinh viên du học nước ngoài trở về. Nhưng sau khoảng ba tháng làm việc, sinh viên trong nước lại trở nên nổi trội hơn. Bởi vì, khi được đặt trong môi trường cạnh tranh, sinh viên trong nước dường như nỗ lực, chịu khó và rèn luyện tốt hơn. Họ sẵn sàng làm việc thêm giờ nếu có động lực để khẳng định mình. Trở ngại lớn nhất của các bạn chủ yếu là do thiếu những kỹ năng mềm quan trọng và tư duy làm việc, nhất là thiếu sự tự tin, thiếu tính kỷ luật và sự chuyên nghiệp. Công ty tôi quy định giờ làm việc từ 7 giờ sáng nên những ai đến trễ 1 phút cũng bị tôi nhắc nhở. Không ít bạn trẻ nhăn nhó với lý do họ là sinh viên mới ra trường (!). Tôi không chấp nhận lý do không chính đáng này.

Còn nhớ, trong một lần tham gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2015 tại Geneva (Thụy Sĩ), tôi hỏi một người bạn Đức: “Ở nước anh, các công ty có cấm sử dụng Facebook trong giờ làm việc không?”. Anh ta trả lời: “Tôi thấy phần lớn các công ty đều không cấm sử dụng Facebook trong giờ làm việc. Nhưng hầu như chẳng có ai hoạt động trên mạng xã hội trong giờ hành chính. Một người nào đó đăng ảnh hoặc trạng thái trong giờ làm việc bị cho là làm chuyện… không giống ai, người đó thường bị hỏi: “Hôm nay không đi làm à?” hay “Có chuyện gì bất ổn chăng?”… Đó chính là văn hóa lao động mang tính chuyên nghiệp và kỷ luật, đã hình thành một cách sâu sắc trong những con người Đức.

* Bản tính kỷ luật đã hình thành trong người Đức từ trong gia đình và các trường tiểu học.Học viên của anh chỉ được đào tạo trong một thời gian ngắn liệu có thể thay đổi trong tư duy?

- Người Việt Nam chúng ta vốn rất thông minh, cần cù, chỉ cần rèn luyện thêm về các kỹ năng mềm và phát triển tư duy đúng mực là có thể cạnh tranh với các công dân toàn cầu. Thú thật, tôi không phải là người kinh doanh tài ba, không giỏi đưa ra chiến lược, chỉ biết dốc lòng cho ước mơ của chính mình.

* Ước mơ của anh là gì, thưa anh?

- Tôi ước mơ trong năm, mười năm tới, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia xuất khẩu chất xám. Nhiều người cho đây là một ước mơ xa vời, nhưng đâu có ai “đánh thuế giấc mơ”. Việt Nam có dân số đông thứ 14 trên thế giới, với hơn 94 triệu người. Không ít người Việt thành danh ở nước ngoài, vậy tại sao không thể là nước xuất khẩu chất xám?

Ban đầu, những giáo trình tôi đưa về từ các trường đại học UCLA, Stanford có vẻ không dễ tiếp thu nhưng về lâu dài, đó là cơ sở để xây dựng nên những tiêu chuẩn quốc tế cho các bạn trẻ. Tôi và các giảng viên của học viện luôn khao khát nuôi dưỡng một thế hệ “chuyên gia được công nhận toàn cầu” được đào tạo tại Việt Nam bằng cách thu hẹp khoảng cách giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên quốc tế, xóa bỏ khoảng cách khác biệt giữa giảng đường đại học với môi trường làm việc thực tế.

Thực tế, cũng như nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục khác, học viện của tôi cũng khá chật vật trong giai đoạn đầu. Thật may, tháng 4-2016, dự án mang tính xã hội của tôi được trở thành đối tác của Chương trình Trung tâm văn hóa giáo dục UNESCO. Nguồn tài trợ của UNESCO cùng sự chung tay của một số quỹ đầu tư khác đã giúp cho Học viện G.A.P tiếp tục tiến từng bước trên hành trình của mình. Như đã nói, tôi không phải là người giỏi kinh doanh, chỉ cố gắng từng ngày, góp gió thành bão để mang đến những kết quả tích cực cho nền giáo dục.

Không chỉ muốn tạo thêm cơ hội giáo dục cho sinh viên, anh còn tạo cơ hội học tiếng Anh, Tin học cho người câm điếc qua dự án cá nhân Hear.Us.Now. Thiết nghĩ việc dạy tiếng Việt cho người câm điếc đã không dễ dàng gì, huống gì dạy ngoại ngữ cho họ…

Khi tôi bắt đầu dự án này, nhiều người cũng cho rằng tôi đang làm chuyện “bất khả thi”. Nhưng bản thân tôi lại nghĩ không có điều gì là không thể, chỉ cần có quyết tâm. Theo tôi tìm hiểu thì trong tất cả các dạng khuyết tật, người câm điếc chiếm gần 50%, khoảng 3 triệu người trên khắp đất nước Việt Nam. Mẹ tôi cũng là người khiếm thính nên tôi thấu hiểu những khó khăn mà người câm điếc phải đối mặt hằng ngày.

Tuy học hành không dễ dàng với người khuyết tật nhưng có những người đã đặt chân vào đại học, đó là một nỗ lực đáng trân trọng. Trớ trêu thay, họ không thể tốt nghiệp đại học chỉ vì không thể có chứng chỉ B tiếng Anh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì vậy, tôi quyết định xây dựng một trung tâm dạy tiếng Anh cho người câm điếc, đồng thời tìm kiếm cơ hội thi chứng chỉ tiếng Anh cho họ mà không cần thực hiện phần thi nghe, nói. Mới đây, tôi cũng vừa nhận được một nguồn tài trợ 150 triệu đồng từ quỹ “Rút ngắn khoảng cách” của Trung tâm LIN để sản xuất các video dạy tiếng Anh miễn phí cho người câm điếc. Thật là một cơ hội tốt.

Mỗi năm, cơ sở của tôi chỉ có thể hỗ trợ tiếng Anh cho khoảng 100 người câm điếc. So với con số 3 triệu người trên cả nước, việc tôi làm được giống như “muối bỏ bể”. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng thay đổi cuộc đời của từng người trong khả năng hạn hữu của mình. Điều tôi nhận thấy rất rõ là khi được trao cơ hội giáo dục, người khuyết tật luôn trân trọng và nỗ lực hết mình. Đó chính là động lực để tôi tiếp tục cố gắng cho dự án này và những dự án khác trong tương lai.

* Cảm ơn anh! 

>>Doanh nhân Trần Mạnh Huy: Mở công ty vì khát khao xây dựng xã hội tử tế

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giáo dục mang cơ hội bình đẳng cho mọi người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO