“Đầu tư cho con người là sự đầu tư bền vững nhất”

Quế Dương (thực hiện)| 21/10/2009 05:45

Trong làng thẩm định giá Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thọ được mệnh danh là người mở đường. Mười năm đứng mũi chịu sào, ông đã góp phần quyết định trong việc bảo vệ vị trí tiên phong cho SIVC.

“Đầu tư cho con người là sự đầu tư bền vững nhất”

Trong làng thẩm định giá Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thọ được mệnh danh là người mở đường. Mười năm đứng mũi chịu sào, ông đã góp phần quyết định trong việc bảo vệ vị trí tiên phong cho SIVC. Tại trụ sở Công ty vào một buổi sáng đầu tháng 10, ông thân tình chia sẻ với chúng tôi về nghề và những suy tư rất thật trong kinh doanh cũng như cuộc sống đời thường. Và nhờ vậy mà tôi nhận ra một “chân dung khác” đằng sau vẻ “con người của công việc” nơi ông…

* Trước hết, xin chúc mừng ông vừa đạt danh hiệu Doanh Nhân Sài Gòn tiêu biểu 2009. Phần thưởng này có ý nghĩa như thế nào với ông?

- Cũng như một số danh hiệu, giải thưởng mà SIVC và cá nhân tôi đã nhận trong những năm qua, đây là một niềm vui lớn. Hay nói một cách khác là sự nỗ lực của chúng tôi trong năm qua đã được ghi nhận. Nhưng bên cạnh đó, phần thưởng này cũng là một áp lực vì những gì đạt được ngày hôm nay chưa chắc đã là của ngày mai, nếu chúng ta ngủ quên trong chiến thắng.

* Cách đây 10 năm, khi mà SIVC còn là Trung tâm thông tin và Kiểm định giá Miền Nam (thuộc Ban Vật giá Chính phủ) thì lĩnh vực này mới chỉ sơ khai ở Việt Nam. Trong vai trò của người đón đầu cơ hội, tâm trạng của ông lúc đó ra sao?

- Vừa háo hức, vừa hồi hộp vì chúng tôi là đơn vị đầu tiên khai phá “mảnh đất” thẩm định giá của Việt Nam. Nền kinh tế thị trường là nền kinh tế dựa vào quy luật giá trị mà mọi quy luật lại đều được quy về tiền. Thẩm định giá đưa ra thước đo về giá trị, nếu không có nó thì nền kinh tế thị trường sẽ không công khai, minh bạch. Trên thế giới, ngành này đã phát triển từ những năm 40 của thế kỷ 20.

Thuận lợi lớn nhất của chúng tôi khi ấy là sự quan tâm, tạo điều kiện của các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương cũng như địa phương. Có thể nói, thẩm định giá là một ngành trẻ nhất ở Việt Nam, nhưng lại có hành lang pháp lý sớm nhất. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là thị trường “trải thảm hoa” đón chúng tôi. Cái khó lớn nhất là khái niệm thẩm định gía còn quá mới, đi đến đâu cũng phải “giải thích mệt nghỉ” thì người ta mới hiểu (cười). Thậm chí, khi ấy, người ta chưa chịu công nhận đó là một nghề.

Mặt khác, vì là người đi tiên phong nên chúng tôi phải nghiên cứu, học hỏi nhiều từ những kinh nghiệm, tiêu chuẩn của quốc tế. Nhìn trên bình diện chung, cho đến nay, thước đo giá trị của nghề thẩm định giá ở Việt Nam đã được thế giới công nhận, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình kêu gọi đầu tư.

* Được biết, ngày 12/10 vừa qua SIVC đã long trọng kỷ niệm sinh nhật lần thứ 10 và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Trong niềm vui chung ấy, nhìn lại chặng đường đã qua, ông thấy những thời điểm nào là đáng nhớ nhất?

“Muốn giữ được uy tín thương hiệu thì phải tuân theo sự khách quan của thị trường. Đây là nguyên tắc bắt buộc của Công ty và cũng là đạo đức kinh doanh”

- Với ngành thẩm định giá nói chung và với SIVC nói riêng thì năm 2002 là một bước ngoặt quan trọng. Trong Phát lệnh giá số 40/2002/PL-UBTVQH10 do Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành, ngành thẩm định giá đã chính thức được công nhận ở Việt Nam. Trong nội dung Pháp lệnh này, Nhà nước đã quy định cụ thể hơn các hạng mục tài sản, hàng hoá bắt buộc phải thông qua thẩm định giá. Bước ngặt quan trọng thứ 2 là năm 2003, khi những nỗ lực của SIVC đã được Nhà nước ghi nhận bằng việc tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Tiếp theo là thời điểm tháng 1/2008 - SIVC được chuyển đổi thành công ty cổ phần. Và ngày 12/10 vừa qua chính là bước ngoặt quan trọng thứ tư.

*Một thập kỷ đã trôi qua cũng đồng nghĩa với việc SIVC không còn “một mình một chợ” nữa. Vậy, hiện tại, Công ty lấy gì làm lợi thế cạnh tranh?

- Ngay từ khi mới thành lập,chúng tôi đã xác định đầu tư cho con người là sự đầu tư hiệu quả và bền vững nhất. Chính vì vậy mà giờ đây chúng tôi đã sở hữu một đội ngũ nhân sự gần 300 người “vừa hồng lại vừa chuyên” - tức là vừa vững vàng về chuyên môn nghiệm vụ, vừa ý thức cao về đạo đức nghề nghiệp. Hay nói một cách khác, con người chính là lợi thế lớn nhất của chúng tôi. Với sự đồng thuận và nỗ lực cao của tập thể nhân viên, chúng tôi chúng tôi đã xây dựng được uy tín thương hiệu và một hệ thống chi nhánh trên toàn quốc. Đặc biệt, cho đến nay, chúng tôi còn là đơn vị duy nhất ở Việt Nam xây dựng được ngân hàng dữ liệu về giá. Chỉ cần bấm vô bản đồ giá đất của SIVC là khách hàng có thể biết được mức giá do Nhà nước quy định và giá thị trường từng thời điểm của từng quận, từng con đường. Hàng năm chúng tôi đều tiến hành điều tra giá đất trên thị trường để cung cấp bảng giá đất cho các Uỷ ban tỉnh và bổ sung cho ngân hàng dữ liệu của mình.

* Nghe nói, ý tưởng xây dựng ngân hàng dữ liệu về giá của ông được bắt nguồn từ một chuyến xuất ngoại?

- Đúng vậy. Đây là công trình do một người Úc gốc Việt mày mò nghiên cứu trong gần 20 năm và đã chia sẻ với tôi. Tôi quen ông ấy qua sự giới thiệu của Văn phòng Thẩm định giá Úc. Tôi xin mua nhưng ông ấy không đồng ý mà chỉ cho chụp hình lại để tham khảo. Khi về nước, tôi lại tiếp tục mày mò thêm 3 năm nữa, đến năm 2002 thì hoàn thiện.

* Như ông đã nói ở trên, thẩm định giá ở Việt Nam là một nghề có hành lang pháp lý sớm nhất. Nhưng so với thực tiễn thì cho đến nay, hành lang này đã “chuẩn” chưa, thưa ông?

- Phải nói rằng, từ khi có Pháp lệnh giá số 40 đến nay đã có hàng loạt văn bản liên quan đến việc hướng dẫn thực hiện đã ra đời và từng bước đưa Pháp lệnh giá vào cuộc sống. Trong đó, có thể kể đến Nghị định 101/2005/NĐ-CP ngày 3/8/2005 của Chính phủ về Thẩm định giá; quy chế cấp, sử dụng, quản lý thẻ Thẩm định viên về giá hay Quyết định 77/2006/QĐ-BTC về 6 tiêu chuẩn Thẩm định giá Việt Nam. Tuy nhiên, hành lang pháp lý này cho đến nay vẫn chưa thật phù hợp với thực tế, đặc biệt là về các tiêu chuẩn định giá, góp phần gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc triển khai và vận dụng. Bên cạnh đó, vẫn còn có sư chồng chéo trong quản lý ngành thẩm định giá và các văn bản pháp luật giữa các ngành liên quan…

* Trong cơ chế thị trường, nhu cầu về thẩm định giá ngày một gia tăng, nhất là khi các doanh nghiệp đều hăm hở tiến tới mô hình cổ phần hoá. Song, nhiều người lại e ngại rằng, đây chính là “cơ hội tốt” cho việc “đi đêm” trong ngành thẩm định giá. Là người trong cuộc, ông thấy sao?

- Tình trạng “đi đêm” (định giá theo ý của người muốn định giá để được hưởng hoa hồng cao - PV) với đơn vị thẩm định là có thật, thậm chí là không ít đâu. Có khách hàng đã đề nghị SIVC định giá cao hơn giá trị tài sản hiện có để họ có thể được vay ngân hàng nhiều hơn, nhưng chúng tôi đã từ chối. Thú thật là việc từ chối khách hàng rất khó, nhưng muốn giữ được uy tín thương hiệu thì phải tuân theo sự khách quan của thị trường. Đây là nguyên tắc bắt buộc của Công ty và cũng là đạo đức kinh doanh. Trong những năm qua, điều khiến tôi tự hào nhất là hàng năm đã tiết kiệm 10 - 20% cho ngân sách Nhà nước từ việc thẩm định giá phục vụ mục đích mua sắm tài sản công và tăng thu trong việc bán tài sản công.

*Theo tôi được biết, với ngành thẩm định giá, đạo đức nghề nghiệp của thẩm định viên cũng đã được quy định bằng luật. Nhưng, đó là dưới góc độ “lý thuyết”, còn trên thực tế, ông có cách gì để giám sát nhân viên?

- Việc này không đơn giản. Trong quá trình đào tạo và tuyển dụng, tôi luôn nhấn mạnh rằng, với nghề thẩm định giá, nhiều khi đạo đức còn quan trọng hơn chuyên môn. Vì nếu chuyên môn có yếu một chút thì còn có thể đào tạo lại, nhưng đạo đức có vấn đề thì vô phương. Hàng tháng, chúng tôi đều có phiếu đánh giá nhân viên và trả lương theo hiệu quả công việc. Mặt khác, để anh em tận tâm với nghề thì phải phân việc - trao quyền cụ thể, đảm bảo đời sống cho họ. Cấp dưới sai thì phải thẳng thắn góp ý, nhưng không để bụng và phải tạo cơ hội cho họ hoàn thiện mình. Và nói gì thì nói, muốn sống chết với nghề thì phải yêu nó.

* Vậy, ông bắt đầu “phải lòng” nghề thẩm định giá từ khi nào?

- Từ trước khi nó có mặt ở Việt Nam, năm 1995. Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông Lâm TP.HCM năm 1984, tôi về làm tại Uỷ ban Vật giá Nhà nước. Trong quá trình công tác ở đây, tôi được cử đi nước ngoài nhiều lần, dần được tiếp cận với ngành thẩm định giá của thế giới và bị nó “hút hồn” cho đến nay.

* Tôi được một người bạn của ông mách nhỏ rằng ông từng giữ chức Phó vụ trưởng, Trưởng đại diện của Ban Vật giá Chính phủ tại TP.HCM năm mới 30 tuổi. Con đường “làm quan” thênh thang thế, tại sao ông không theo đuổi đến cùng?

- Tôi là người trực tính, muốn nói gì là phải nói liền, tự xét thấy không hợp để… “làm quan” (cười). Vả lại, ông bà ta đã dạy rồi, càng cao danh vọng, càng nhiều gian nan. Mà tôi thì không ham danh vọng, chỉ muốn được làm điều mình thích, mình đam mê.

* Có nghĩa là, hiện tại, ông rất hạnh phúc?

- Tôi hài lòng với những gì mình đang có. Tôi hạnh phúc vì có một mái ấm gia đình, có nhiều bạn bè, có công việc mình say mê và được là người có ích. Tôi không khám được bệnh, nhưng biết bệnh của mình và biết hướng đề điều trị. Với tôi, đây cũng là hạnh phúc.

* Ông thường thư giãn như thế nào?

- Ngoài đọc sách (về tâm lý, kinh tế, quản trị), tôi thích tụ tập với bạn bè, cùng ca cải lương và ca cũng không tệ đâu nhé (cười). Tôi còn thích đàm đạo với các cụ già vì ông bà ta có câu Dưỡng lão thất ngôn. Chưa hết, tôi còn mê tennis, thích lướt web. Ngay cả việc đi dạy và đi học cũng là cách để tôi giải trí. Hiện tại, tôi đang học lớp đào tạo chức danh luật sư. Không ai vừa sinh ra là đã biết hết mọi thứ. Việc học trước tiên là để cho bản thân. Nhưng điều quan trọng là phải vận dụng được những kiến thức đã học vào thực tiễn để làm lợi cho mình, cho xã hội.

* Nếu tự “chấm điểm” cho mình, điều ông không hài lòng nhất là gì?

“Tôi không khám được bệnh, nhưng biết bệnh của mình và biết hướng đề điều trị. Với tôi, đây cũng là hạnh phúc”

- Là quá nóng tính. Tôi có một người thầy trong cuộc sống rất đáng kính là chú Trần Quang Nghiêm (tôi thường gọi là chú Tư), nguyên Phó chủ nhiệm UB Vật giá Nhà nước. Tôi học được từ chú nhiều điều, nhưng riêng sự điềm đạm thì… chịu thua.

* Người nóng tính thường “không biết sợ” là gì. Với ông thì sao?

- Có lẽ vậy. Cả đời tôi chẳng “ngán” ai, chỉ “ngán” mỗi má. Bà là người rất cá tính và đặc biệt gan dạ. Trong những năm chiến tranh, bà vừa một mình nuôi hai con nhỏ, nuôi ngoại bị bệnh (ba tôi hy sinh năm 1968), vừa hoạt động trong lòng địch. Trong một thời gian rất dài, nhà tôi là nơi nuôi dấu cán bộ cách mạng và tôi đã phải chứng kiến cảnh má bị tra tấn dã man về “tội” này. Cả đời vất vả, nhưng má tôi chẳng hề kêu ca và luôn dạy anh em tôi phải sống trung thực, vị tha.

* Ở tuổi gần 50, mỗi khi nghĩ về đời, về nghề, điều thường khiến ông trăn trở là gì?

- Là sự lãng phí chất xám. Tôi muốn các chuyên viên trong nghề tư vấn và thẩm định giá được trả lương xứng đáng hơn hiện nay. Thiết nghĩ, chỉ khi nào GDP trên đầu người đạt 4.000 USD/năm thì chất xám của Việt Nam mới được định giá đúng.

* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Đầu tư cho con người là sự đầu tư bền vững nhất”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO