Đào tạo con người chứ không tạo ra cỗ máy

THU NGÂN thực hiện/DNSGCT| 08/09/2014 07:15

Nguyễn Chí Hiếu – Giám đốc Nhân sự và Phát triển sản phẩm Trung tâm Anh ngữ Yola.

Đào tạo con người chứ không tạo ra cỗ máy

Nguyễn Chí Hiếu – Giám đốc Nhân sự và Phát triển sản phẩm Trung tâm Anh ngữ Yola. Dáng thư sinh, nụ cười thân thiện, Nguyễn Chí Hiếu trông trẻ hơn tuổi 30 rất nhiều, thế nhưng khi tiếp xúc, anh làm người đối diện ngạc nhiên bởi những điều mà anh chia sẻ về công việc và sự trải nghiệm trong cuộc sống.

Đọc E-paper

Cái tên Nguyễn Chí Hiếu – người chuyên “săn” học bổng từng không xa lạ trong giới du học sinh Việt Nam không chỉ vì thành tích học tập xuất sắc, mà còn bởi những quyết định mạo hiểm “không giống ai”: Năm 2006, khi đang là sinh viên Học viện Kinh tế London (Vương quốc Anh), anh được bình chọn trong top 100 sinh viên giỏi nhất thế giới. Hoàn thành luận án tiến sĩ kinh tế tại Đại học Stanford của Mỹ vào năm 2012, anh từ bỏ những công việc chuyên môn hấp dẫn ở xứ cờ hoa để quyết định trở về Việt Nam và thử sức mình ở lĩnh vực giáo dục tại một trung tâm Anh ngữ còn non trẻ. Và sau hai năm, những đóng góp của anh đã nâng thương hiệu Yola lên một tầm vóc mới. Anh nói:

Yola là do các du học sinh thành lập, là những bạn đã trải qua hệ thống học và dạy tiếng Anh theo kiểu cũ cũng như được tiếp cận cái mới nên đảm bảo yếu tố cân bằng giữa học thuật và tư duy. Hai năm trước, lúc tôi về thì Yola vẫn là một trung tâm nhỏ.

Do chúng tôi đều là bạn bè, có nhiều đồng cảm với nhau, tôi thích tinh thần dám nghĩ dám làm của các bạn nên chấp nhận cộng tác. Tôi nghĩ điều quan trọng không phải là mình làm ở đâu mà là mình làm như thế nào.

Tranh: Hoàng Tường

* Con đường học vấn của anh khá hanh thông khi suốt mười năm du học bằng học bổng. Có lẽ vì vậy mà học sinh muốn anh truyền đạt kinh nghiệm để được đi du học chăng?

- Lúc học lớp 11 ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bình Định), tôi đoạt giải nhì học sinh giỏi toàn quốc môn tiếng Anh nên được tuyển thẳng vào đại học. Bố mẹ tôi suy nghĩ trước sau gì cũng vào Sài Gòn học đại học, nên bảo tôi vào trước một năm để “quen nước quen cái”.

Thế là tôi xin chuyển vào Sài Gòn học lớp 12 tại Trường Lê Hồng Phong. Không bị áp lực tâm lý thi đại học nên tôi vừa học vừa chơi.

Học vài tháng, bạn tôi rủ đi đăng ký thi tuyển sinh du học, tưởng đi với bạn cho vui nhưng không ngờ lại trúng tuyển. Đó là một trường dự bị đại học của Anh, tuy được miễn 100% học phí nhưng sinh viên phải tự túc khoản phí sinh hoạt, ăn ở.

Lúc đó tôi cân nhắc, lưỡng lự vì biết gia đình cũng không đủ khá giả để lo cho mình. Tôi hỏi ý kiến thầy phỏng vấn, thầy động viên nên đi vì sinh viên quốc tế được làm việc thêm 20 giờ mỗi tuần, chỉ cần làm 10-15 giờ mỗi tuần là đủ sống. Nghe vậy, tôi yên tâm và quyết định đi. Việc du học đến với tôi tình cờ như vậy chứ không phải là một mục đích trước đó.

Chương trình dự bị học trong hai năm, còn học đại học mất ba năm nữa mà việc xin học bổng ở Anh không dễ, chỉ có một, hai trường cấp học bổng nên tôi cũng lo.

Lúc đó tôi có hai suy nghĩ, một là học xong dự bị xoay xở mọi cách để ở lại tiếp tục học, hai là về Việt Nam thi lại đại học. Nhưng may mắn là thành tích học của tôi cũng tốt nên xin được học bổng đại học toàn phần.

Tôi chọn Học viện Kinh tế London vì trường này có quỹ học bổng dành cho sinh viên các nước đang phát triển. Từ năm thứ hai đại học, tôi đã có ý định sẽ học lên cao học nên có sự chuẩn bị, bắt đầu là việc tìm học bổng.

Tôi nghĩ mình học ở Anh năm năm rồi nên sẽ sang Mỹ để thay đổi môi trường. Vậy nên tôi chọn Trường Stanford ở California, cũng là một trường top 5 của Mỹ.

Đáng lẽ học ba, bốn năm là xong, nhưng vì ham đi du lịch nên tôi kéo dài việc làm luận văn, đến năm năm (2007-2012). Cũng may tôi gặp được thầy hướng dẫn rất dễ chịu.

* Anh mà cũng ham chơi sao, nghe có vẻ lạ…

- Có chứ, “học mà không chơi đánh rơi tuổi trẻ” thì uổng lắm, có điều tôi đi chơi theo cách của mình, ít tốn kém mà lại không ảnh hưởng đến chất lượng việc học. Bởi khi học tiến sĩ ở Mỹ, chủ yếu là nghiên cứu nên tôi chủ động thời gian, lại được làm trợ giảng, giảng viên trường đại học nên cũng có thu nhập ổn định.

Nhờ khoản tiền đó mà tôi đi du lịch rất nhiều, hơn 20 nước. Tôi “đi bụi” một mình, đem theo túi ngủ, ngủ trong nhà ga, ngủ ngoài trời. Mỗi chuyến đi gặp nhiều người đến từ đủ các nước, màu da, sắc tộc, công việc… nhờ vậy mà tôi học được nhiều cách suy nghĩ, giải quyết khác nhau. Tất cả những việc trải qua giúp tôi thấy cái đầu mình thoáng hơn, tự tin và hiểu biết hơn.

* Vừa đi học vừa làm thêm để tự trang trải chi phí sinh hoạt ở thành phố đắt đỏ như London, vậy mà anh vẫn học tốt, có thành tích đáng nể. Anh có bí quyết gì không?

- Vừa học vừa làm cũng cực, nhưng đến bây giờ tôi vẫn nhớ những việc ấy, chúng không chỉ giúp tôi kiếm đủ tiền sinh hoạt trong suốt năm năm ở Anh mà còn dạy cho tôi những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

Chương trình học dự bị cũng tương đối nhẹ, do đã có nền tảng nên ban ngày tôi dành cho việc học ở trường, những ngày cuối tuần thì đi làm thêm. Từ 5g chiều thứ Sáu, thứ Bảy tôi đi làm bồi bàn ở nhà hàng Trung Quốc đến 1g đêm mới về nhà. Sáng thứ Bảy, Chủ nhật thì đi làm ở McDonald’s từ 7g sáng tới 4g chiều.

Lúc mới sang tôi giống như anh nhà quê, vì thời đó mọi thông tin còn hạn chế, không nhiều như bây giờ. Cảm giác của tôi khi đó có phần tự ti, vì khả năng nghe nói tiếng Anh chưa thật tốt, cách diễn đạt cũng không như ý muốn.

Trong khi đó môi trường quốc tế các bạn trẻ đều rất năng động, sáng tạo khiến tôi cũng e ngại. Nhưng tôi nghĩ mình đã cất công sang đây, dù gì cũng phải đi hết chặng đường, đó là mục đích để tôi phấn đấu. Sau vài ba tháng, tôi bắt kịp các bạn và tự tin hơn.

Năm 2004 tôi được chọn là sinh viên giỏi nhất nước Anh. Năm 2006 là một trong 100 sinh viên giỏi nhất thế giới từ 50 trường đại học hàng đầu thế giới, và là người Việt Nam duy nhất.

Tôi rất vui vì nỗ lực của mình đã được ghi nhận, nhưng nó thật sự không phải là đích đến của tôi. Tiêu chí xét chọn dựa vào kết quả học tập và hoạt động ngoại khóa của sinh viên mà qua đó bộc lộ tiềm năng lãnh đạo trong tương lai.

Hoạt động ngoại khóa nhiều nhất của tôi khi ấy là tổ chức những hoạt động về văn hóa Việt Nam, lễ hội văn hóa dân gian… để gây quỹ. Ngoài ra, tôi cũng đi dạy cho những trẻ em nhập cư. Khi sang Mỹ, trong năm năm làm trợ giảng và giảng viên, tôi đều được giải thưởng dành cho giảng viên xuất sắc.

* Học đại học cho đến làm nghiên cứu sinh đều về kinh tế, lý do nào để anh rẽ ngang lĩnh vực giáo dục, quyết định về Việt Nam trong khi có cơ hội làm việc đúng chuyên môn ở nước ngoài?

- Từ lúc học dự bị đại học, tôi được các thầy cô tư vấn định hướng học kinh tế vì học khá các môn tự nhiên. Tôi cũng thử học kinh tế một học kỳ và cảm thấy thích nên khi vào đại học tôi chọn ngành kinh tế.

Năm cuối khi làm luận văn tôi đã xin việc làm ở Mỹ về kinh tế, tài chính. Lúc đó tôi cũng chưa có ý định về Việt Nam, nhưng đến bốn tháng cuối thì có một việc xảy ra làm tôi nảy ra ý tưởng và thay đổi suy nghĩ.

Đó là từ hè năm 2010, mẹ tôi bị bệnh, phải vào Sài Gòn điều trị nên tôi về thăm gia đình, ở gần mẹ. Có mấy người bạn biết nhau từ lúc học ở bên Anh, Mỹ đã về nước, đang làm việc ở Sài Gòn, Trung tâm Ngoại ngữ Yola mà họ mở đang cần giáo viên và thấy tôi có vẻ thích hợp với việc giảng dạy, truyền đạt kinh nghiệm nên rủ tôi đến dạy. Đang rảnh nên tôi cũng đồng ý giúp bạn để thử sức với công việc mới.

Hết ba tháng hè, tôi trở sang Mỹ đi học lại. Hai năm sau khi hoàn thành luận văn tiến sĩ, còn băn khoăn chọn việc làm thì tôi nhận được tin của các bạn học sinh tôi dạy ở Yola báo trúng tuyển, nhận được học bổng các trường đại học ở Mỹ.

Các bạn tâm sự rất dễ thương: “Anh chỉ dạy em có ba tháng hè thôi nhưng đó là thời gian rất có ý nghĩa với em. Nó chỉ ra cho em con đường để em biết mình phải đi như thế nào, cho em hiểu thêm nhiều kỹ năng cần thiết quan trọng trong cuộc sống”.

Việc này bỗng gợi ra trong tôi nhiều suy nghĩ về công việc. Mặc dù việc mình làm sau hai năm mới có kết quả nhưng khiến tôi rất hạnh phúc. Quyết định quay về Việt Nam dù theo cảm giác nhất thời nhưng rất mạnh.

Với lại mới ra trường, chưa có gì ràng buộc nên cũng thử mạo hiểm, trong trường hợp không làm được thì mình vẫn có thời gian để làm lại từ đầu. Tôi nghĩ, mình đã có kỹ năng và cả cái tâm muốn truyền đạt kinh nghiệm cho các em thì có thể mình chưa làm hoàn hảo chứ không thể làm xấu được. Phải bắt tay vào việc mới biết mình có làm được hay không.

* Có người cho rằng đó là một quyết định nóng vội, tiếc cho tấm bằng tiến sĩ kinh tế của anh. Sau hai năm, nếu được lựa chọn lại, anh có trung thành với quyết định của mình không hay sẽ nói “giá như”?

- Tôi hiểu mỗi người có một suy nghĩ, cảm nhận cũng như hoàn cảnh và điều kiện riêng. Với tôi, một khi đã quyết định thì sẽ không bao giờ hối tiếc. Dù quyết định như thế nào thì mình phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình.

Thay vì ngồi hối tiếc thì nên lăn xả hết mình với việc đã chọn. Nếu đến cuối đường mà vẫn thấy không hợp thì hãy tìm con đường khác. Lúc đó chúng ta sẽ không hối tiếc vì đã học được rất nhiều điều dù công việc không phù hợp.

Tôi không bao giờ chưa tiếp cận với công việc mà đã nghĩ việc đó không hợp nên không làm. Tuy công việc hiện tại của tôi không sử dụng đến kiến thức chuyên môn kinh tế nhưng kỹ năng nghiên cứu và giải quyết vấn đề trong quá trình học thì tôi lại áp dụng được rất nhiều.

Tôi đã suy nghĩ, tìm hiểu xem giá trị của mình ở đâu và cuối cùng nhận thấy rằng công việc ý nghĩa nhất của tôi không hẳn là về giáo dục mà chính là thay đổi về con người, về hệ thống của công ty theo hướng tích cực.

* Cụ thể, sự thay đổi về hệ thống, về con người mà anh đã thực hiện tại Yola trong hai năm qua là như thế nào? Ngoài việc do các bạn trẻ thành lập, còn điều gì làm nên sự khác biệt của Yola?

- Tiếng Anh là phương tiện ngôn ngữ chứ không phải là đích đến. Nếu biết sử dụng, nó là chìa khóa mở cánh cửa kiến thức rất lớn.

Ở Việt Nam, suốt những năm cấp 2, cấp 3, học sinh được dạy tiếng Anh rất tốt về học thuật, vững ngữ pháp, nhưng giao tiếp không được tốt và điểm yếu nhất là không học được cách tư duy. Hầu như học sinh không được học về kiến thức văn hóa, địa lý, cách sống… của người nước ngoài mà chỉ học về ngôn ngữ.

Còn nhiều nơi dạy tiếng Anh chỉ đơn thuần tập trung vào giao tiếp, hoặc hơn nữa là tiếng Anh hoàn chỉnh theo kiểu sách vở. Vì vậy, với kinh nghiệm cá nhân, tôi chủ trương dạy tiếng Anh theo kiểu là chìa khóa mở cửa kiến thức nên đưa tiêu chí này vào nghiên cứu phát triển sản phẩm. Trên đích đến đó, bạn phải học được cách tư duy. Sự khác biệt lớn nhất về chất lượng của Yola là điểm đó.

Ở Yola, sách giáo trình đều do chúng tôi tự nghiên cứu và biên soạn. Mỗi quyển sách xuất bản trên thị trường đều có cái hay, dở riêng, nên phải biết chắt lọc. Sách chỉ dạy phần ngôn ngữ, còn kiến thức xã hội, tư duy thì chúng tôi phải tự thiết kế bài dạy riêng.

Từ một doanh nghiệp thành công với mô hình nhỏ, chúng tôi hiểu làm sao để khi nhân rộng mô hình lên phải có sự chuyển mình hợp lý, vững về hệ thống, đảm bảo chất lượng thì mới thành công.

Hệ thống là do con người tạo ra, con người vận dụng hệ thống và thay đổi hệ thống, vì vậy thay đổi quan trọng là con người chứ không phải hệ thống. Thành công là khi xây dựng một hệ thống mà không có mình nó vẫn vận hành được.

Chính vì vậy, điều mọi người ghi nhận sự đóng góp của tôi là sự thay đổi về con người. Thay đổi ở đây không chỉ với những người tôi trực tiếp làm việc mà với cả giáo viên, nhân viên trong công ty và cả với các em học viên.

Tôi muốn tất cả giáo viên khi đứng lớp phải có chung quan điểm, đó là không phải đào tạo ra cỗ máy mà đào tạo con người.

* Anh có thể chia sẻ vài ví dụ về sự thay đổi con người, điều mà anh tâm đắc?

- Có học viên của tôi học rất giỏi, lúc nào cũng đứng nhất lớp. Sau khoảng hai tháng học với tôi, bạn đạt kỷ lục đứng trong top cao nhất nước. Thế nhưng bạn ấy không muốn tôi nói cho mọi người biết thành tích đó, vì thấy việc đó không còn mấy ý nghĩa.

Bạn ấy muốn dành thời gian để tìm hiểu, khám phá bản thân xem có thể làm được điều gì khác ngoài học tập hay không. Thế là bạn ấy tham gia làm những công việc từ thiện, mở một trại huấn luyện dạy kỹ năng mềm cho học sinh lớp 8, lớp 9.

Một bạn khác nộp đơn học đại học Mỹ trượt hai năm, gia đình nói thôi, nên học đại học ở Việt Nam nhưng bạn ấy không muốn. Tôi khuyên đừng xem việc du học là tất cả tương lai, hãy học ở Việt Nam và phấn đấu để có cơ hội du học sau này cũng không muộn.

Sau đó, tôi biết bạn học tốt đại học ở Việt Nam và cũng đạt được học bổng du học. Tôi không quên những lời bạn ấy viết gửi cho tôi: “Em không biết thầy thay đổi cuộc sống của em như thế nào, nhưng em biết chắc em đã thay đổi cuộc sống của mình từ việc học ở thầy”.

Có bạn rất thích học kinh tế tài chính (cũng do truyền thông góp phần định hướng đây là ngành thời thượng), xem đó là con đường duy nhất của mình vì gia đình. Tôi nói, bạn hãy suy nghĩ và tự quyết định tương lai, vì chỉ có bạn mới tự trả lời được câu hỏi “mình muốn gì?”.

Sau hai năm học ở Mỹ, khi trở về, bạn ấy thành lập tổ chức tình nguyện hỗ trợ các em cơ nhỡ, trẻ em nhiễm HIV… Bạn ấy cho biết vẫn thích kinh tế, nhưng đó không phải là tất cả, cuộc sống ý nghĩa hơn khi mình biết “cho đi”.

* Xem ra anh không chỉ làm thầy mà còn làm bạn với các học sinh của mình, nên mới được các học viên tin cậy như thế?

- Tôi chỉ là người học trước và truyền đạt lại kiến thức cho các bạn. Trong lớp, tôi vẫn để cho học viên thấy những cái dở khác của mình.

Khi đứng trên lớp thì tôi là một người thầy, nhưng khi ra ngoài tôi như một người anh, cùng đùa vui thoải mái với các đứa em. Tuy nhiên, nếu thấy bạn nào suy nghĩ “có vấn đề” thì tôi sẽ nói chuyện rất nghiêm túc, không chiều chuộng nhưng cũng không quá nghiêm khắc. Nếu tạo được ảnh hưởng tốt thì cho dù sau này có làm gì, ở đâu, các học viên cũng sẽ nhớ đến mình.

* Tự hài lòng với công việc cũng là một thành công. Anh có đặt ra mục tiêu trong tương lai như thế nào không?

- Với tôi, thành công là phải đạt được mục tiêu mình đề ra. Hiện tại tôi đặt ra ba mục tiêu: Thứ nhất là học từ công việc. Hai năm qua tôi học được nhiều, từ cách quản lý doanh nghiệp, con người, chiến lược phát triển… những điều không có trong sách vở.

Thứ hai là thấy được công việc của mình có một ý nghĩa, giá trị nhất định. Với sự thay đổi trong công ty, những nhân viên do tôi huấn luyện có được sự vững vàng hơn, giáo viên cũng tận tâm hơn. Ảnh hưởng lớn nhất là đến học viên, các em có sự thay đổi rất rõ.

Thứ ba là công việc cho tôi cuộc sống ổn định.

Tôi cũng có đặt ra mục tiêu cho mình, nhưng đó chỉ là cái đích để phấn đấu, không bắt buộc phải đạt được 100%. Cuộc sống thay đổi từng ngày, chúng ta không thể kiểm soát hết những gì xảy ra chung quanh nên đề ra mục tiêu là cách để nhắm đường đi chứ không phải đạt cho bằng được trong mọi hoàn cảnh.

Tôi tìm được ý nghĩa trong mỗi việc mình làm nên thấy vui, hạnh phúc vì điều đó. Tôi không bao giờ để mình phải làm việc như một cái máy.

* Không làm việc như một cỗ máy nhưng để hẹn gặp được anh cũng không dễ.

- Tôi biết mình không làm việc như một cỗ máy chứ trong mắt nhiều người thì không phải vậy, nhưng có điều tôi không bao giờ để bản thân bị stress. Mỗi ngày tôi làm từ 8g sáng đến 10g đêm.

Mùa Hè tôi càng bận rộn hơn, gần như không có ngày nghỉ cuối tuần. Nhưng khi tôi bước ra khỏi phòng làm việc thì tất cả công việc nằm lại trên bàn và ngược lại. Khi về nhà, tôi có thế giới riêng của mình.

* Cảm ơn anh đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện.

>Cựu TGĐ FPT: Thành doanh nhân, dễ "đo" bản thân
>Hiệu trưởng RMIT VN: Giáo dục đại học phải phù hợp bối cảnh
>
Chọn con đường phù hợp để theo đuổi
>Phép cộng giảng đường và thương trường
>
Người sáng lập Tomato: Đợi thế giới thay đổi thì rất lâu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đào tạo con người chứ không tạo ra cỗ máy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO