Đã thôi mơ và chọn dấn thân

Ý NHI - HỒNG NGA thực hiện - Ảnh: QUÝ HÒA| 09/10/2013 01:20

Cách đây 12 năm, chúng tôi đã chọn tên tờ báo của mình là Doanh Nhân Sài Gòn gắn với một giai tầng xã hội đang trở mình sau rất nhiều thăng trầm của lịch sử.

Đã thôi mơ và chọn dấn thân

LTS. Cách đây 12 năm, chúng tôi đã chọn tên tờ báo của mình là Doanh Nhân Sài Gòn gắn với một giai tầng xã hội đang trở mình sau rất nhiều thăng trầm của lịch sử.

Đọc E-paper

Lý Ngọc Minh

>Thư của Đại tướng gửi doanh nhân Việt Nam
>Ông chủ Vico: Mỗi ngày một cuộc "chiến đấu" mới
>
Đi đến cùng một lời hứa
>Gắn bó với thương hiệu văn hóa Hội An

Cũng từ đó, chúng tôi đề xuất chọn ra một ngày mang tên Ngày Doanh nhân Việt Nam để tôn vinh giai tầng này, cổ súy họ trở thành động lực mới trong nỗ lực chấn hưng kinh tế và xã hội đất nước.

Ý tưởng về một ngày này cũng xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng của rất nhiều những người kinh doanh ở TP.HCM, mong muốn tạo ra xung lực mới trong đà mở cửa của đất nước, tìm đường kinh doanh làm giàu cho gia đình và xã hội.

Sự phát triển và lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam nhận được sự ủng hộ của xã hội như một xu hướng tất yếu trong nỗ lực phát triển kinh tế, xã hội.

Ngày 9/12/2011, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết (số 09-NQ/TW) để xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Rất nhiều doanh nghiệp nhận giải thưởng Doanh nhân Sài Gòn Tiêu biểu đầu tiên, nay đã trở thành những doanh nghiệp lớn, tạo dựng những thương hiệu làm giới doanh nhân Việt Nam tự hào.

Quá trình đổi mới kinh tế và tư duy kinh doanh đã hình thành nên những doanh nghiệp như vậy. Sau mười năm, những doanh nhân điều hành các doanh nghiệp này lại một lần nữa kêu gọi cần phải từ bỏ "tư duy cũ kỹ, lối mòn" để đưa Việt Nam vượt khỏi tình hình khó khăn hiện nay và tiến mạnh lên phía trước.

Các biến động bất lợi về kinh tế trong nước cộng với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ cuối năm 2008 đã làm kinh tế Việt Nam đứng trước khó khăn toàn diện, dẫn đến sự phá sản của hàng loạt doanh nghiệp lớn nhỏ.

Cùng với vỡ ổn định của nền kinh tế, việc đầu tư dàn trải, thiếu tập trung, đa ngành trong giai đoạn trước đã khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân lao đao, sự non nớt, thiếu chuyên nghiệp đã bộc lộ ngày càng rõ nét.

Chính sự yếu kém này là tác nhân khiến kinh tế Việt Nam thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế toàn cầu chậm hơn các nước trong khu vực. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều cơ hội lớn như đàm phám một loạt các hiệp định thương mại (TPP, FTA với EU...).

Vì thế, chúng ta đang đứng trước sự lựa chọn có tính quyết định: tiến lên hay thụt lùi. Thách thức của nền kinh tế là do sự hội tụ của mọi thách thức, đòi hỏi một quyết sách có tính tổng thể.

Còn sự khắc nghiệt của môi trường kinh doanh hiện nay đang sàng lọc những doanh nghiệp yếu kém để hình thành một lớp doanh nghiệp bài bản hơn.

Một công ty không thể nào lớn mạnh bằng khả năng của một cá nhân và một nền kinh tế càng không thể lớn mạnh bằng một vài doanh nghiệp. Hễ là doanh nghiệp Việt Nam, cần phải nhìn thẳng vào sự lựa chọn có tính quyết định này.

Vẫn giữ được nhiệt huyết như cách đây 9 năm ủng hộ Ngày Doanh nhân Việt Nam thành hiện thực, những doanh nhân như ông Lý Ngọc Minh (Tổng giám đốc Công ty Minh Long 1), ông Phạm Xuân Hồng (Chủ tịch Công ty May Sài Gòn 3), ông Ngô Trung Kiên (Tổng giám đốc Công ty May Sài Gòn 2) đã thẳng thắn nêu ra những trăn trở của riêng họ với tư cách là những doanh nhân "thế hệ đầu" của TP.HCM với nhiều trải nghiệm trên thương trường.

* Ngày Doanh nhân Việt Nam đã bước sang lần kỷ niệm thứ 10. Hành trình kinh doanh 9 năm qua, ông thấy vị thế và vai trò của doanh nhân trong nhận thức của xã hội chuyển biến như thế nào?

- Ông Lý Ngọc Minh: Trước đây, do vai trò của doanh nhân chưa được nhìn nhận nên xã hội vẫn có cái nhìn không đẹp về họ, thậm chí họ bị xem như con buôn, kẻ bóc lột. Không thể phủ nhận được rằng, Ngày Doanh nhân Việt Nam đã tạo nên sự thay đổi về nhận thức của xã hội đối với tầng lớp doanh nhân.

Khi được khích lệ, bản thân doanh nhân cũng tự tin hơn để dấn thân kinh doanh làm giàu cho bản thân và xã hội. Nhưng để được xã hội tôn vinh thì ngược lại, doanh nhân càng phải có bản lĩnh hơn, chịu khó hơn và sáng tạo hơn để luôn hoàn thành sứ mệnh, trọng trách mà xã hội đặt ra cho mình.

Phạm Xuân Hồng

Nếu ai đó cho rằng, mỗi người sinh ra đều có một sứ mệnh, thì tôi cho rằng, trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, sứ mệnh của doanh nhân là phải chấp nhận gian khổ để tìm ra những hướng kinh doanh đột phá, phát triển doanh nghiệp và góp phần chấn hưng nền kinh tế đất nước.

- Ông Ngô Trung Kiên: Ngày Doanh nhân không chỉ tập hợp những người kinh doanh trong một ngày hội mà còn có ý nghĩa là tập hợp được một đội ngũ doanh nhân và cổ vũ họ làm giàu cho gia đình và xã hội.

Tôi biết, rất nhiều doanh nghiệp đã hình thành và nhiều doanh nhân thành đạt từ động lực lớn này. Sự công nhận của Chính phủ và xã hội về những người làm kinh doanh đã giúp họ hoạt động tích cực hơn, ý thức trách nhiệm nhiều hơn với xã hội.

Tuy nhiên, Việt Nam mới ở giai đoạn đầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, kinh nghiệm và thực tiễn kinh doanh của nhiều doanh nhân mới chỉ ở mức khiêm tốn.

Vì vậy, họ cần phải có sự khích lệ và hỗ trợ lớn hơn để hình thành một đội ngũ những doanh nhân giỏi, đủ sức đưa hàng hóa và thương hiệu của Việt Nam ra thị trường thế giới.

* Cùng với đó là sự thay đổi nhận thức của doanh nhân về con đường làm giàu, về trách nhiệm xã hội?

- Ông Lý Ngọc Minh: Trong kinh doanh, có nhiều người theo đuổi những mục tiêu khác nhau. Có nhiều người vì mê làm giàu mà lao vào kinh doanh, có một số khác thì do mê nghề, cũng có người muốn có danh tiếng...

Song, với mục tiêu nào thì những năm gần đây, giới doanh nhân đã ý thức rất rõ trách nhiệm xã hội và trách nhiệm của mình. Trước đây, nhiều doanh nhân lao vào làm giàu theo kiểu "mì ăn liền", thì giờ đây họ đầu tư theo kiểu lâu dài và bền vững hơn, lo cho đến cả đời con đời cháu.

Sự thay đổi này khiến họ nhận ra, phát triển bền vững đòi hỏi kinh doanh phải có đạo đức, có kỷ luật, có ý thức trách nhiệm cao hơn. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đang chứng tỏ mình cấp tiến, trở thành những người điển hình của một lớp doanh nhân có đủ tài và đức.

Thực tế, từ ngày đội ngũ doanh nhân đươc công nhận, các chương trình thiện nguyện cho cộng đồng ngày càng phát triển, có thể nói hồi trước họ làm một thì giờ họ làm mười. Họ hãnh diện là doanh nhân, là người thúc đẩy xã hội phát triển và trong ý thức muốn chứng tỏ là những người có lòng hảo tâm, hào hiệp...

* Là những người đạt danh hiệu Doanh nhân Sài Gòn Tiêu biểu đầu tiên, lúc đó, các ông đã nghĩ gì?

- Ông Ngô Trung Kiên: Những thông tin đầu tiên về Ngày Doanh nhân tôi được biết qua bà Nguyễn Minh Hiền (nguyên Tổng biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn). Thú thực, lúc đó tôi cũng chưa hình dung ra "Ngày Doanh nhân" sẽ như thế nào, có thành hiện thực hay không...

Lần đầu tiên tổ chức Ngày Doanh nhân, tôi được mời lên phát biểu, nói như rút ruột gan, mọi người vỗ tay rần rần. Rồi khi tên mình được mời lên nhận danh hiệu Doanh nhân Sài Gòn Tiêu biểu, cảm xúc lúc đó cũng không diễn tả được, chỉ biết là rất tự hào khi một người kinh doanh như mình cũng có ngày được trọng vọng.

Lúc đó, tôi cảm thấy yên tâm hơn, như có một chỗ dựa tinh thần mới. Đối với những doanh nghiệp như chúng tôi thì chỗ dựa tinh thần rất quan trọng, vì không có nó, mình sẽ không có phương hướng, buồn không ai chia sẻ, khó khăn không ai hỗ trợ...

- Ông Lý Ngọc Minh: Tôi nhớ danh hiệu này do Báo Doanh Nhân Sài Gòn khởi xướng và đứng ra tổ chức. Khi đứng trên sân khấu nhận danh hiệu Doanh nhân Sài Gòn Tiêu biểu lần đầu tiên, tôi cảm thấy tự hào và xen lẫn niềm hạnh phúc khó tả. Đó là cảm giác của những người vừa gỡ được hình ảnh xấu và khoác lên mình vòng nguyệt quế của vinh dự.

* Cũng như những doanh nhân thời gian đầu xác lập chỗ đứng, Báo Doanh Nhân Sài Gòn phải trải qua nhiều năm khó khăn để có được vị trí đối với độc giả như ngày nay. Là một trong những người gắn bó và hỗ trợ tờ báo này trong những ngày khó khăn đó, chắc ông có nhiều kỷ niệm đáng nhớ?

- Ông Phạm Xuân Hồng: Tiền thân của Báo Doanh Nhân Sài Gòn là bản tin Công Thương của Hiệp hội Công Thương TP.HCM (nay là Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM). Do tờ tin hoạt động èo uột, anh em trong Hiệp hội bàn với nhau phải tìm cách làm sao để tờ tin trở thành báo chính thức.

Cái khó lúc đó là không có người nhưng may mắn, chúng tôi gặp được một người tâm huyết và giỏi nghề như chị Nguyễn Minh Hiền. Nhưng khởi đầu của tờ báo là con số 0: không nhà, không tiền, không nhân sự... Trước tình cảnh đó, mấy doanh nghiệp chúng tôi cho mượn ít tiền và đổi quảng cáo cho báo để trừ lại.

Thời đó, doanh nghiệp cũng không thuận lợi lắm, nhưng mọi người đều cố gắng giúp đỡ với hy vọng về một tờ báo của doanh nhân, nói tiếng nói của doanh nhân.

Chúng tôi đến với tờ báo chủ yếu là tấm lòng, còn thành công là do những cố gắng và tâm huyết của các anh chị em phóng viên Báo Doanh Nhân Sài Gòn.

Tờ báo đã làm rất tốt, từng bước phát triển cùng sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân, trở thành diễn đàn của doanh nhân, trong đó có những người đã đồng hành cùng tờ báo những ngày đầu như chúng tôi.

* Nhưng sau một thời gian phát triển, kinh tế Việt Nam hiện đang ở khúc quanh khó khăn, khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, đóng cửa hoặc bán cho nước ngoài. Có thể thấy nhiều doanh nhân đã nản chí, còn các ông thấy sao?

- Ông Lý Ngọc Minh: Trong giai đọan khó khăn, có những tư duy, chiến lược cũ không còn phù hợp và người lãnh đạo phải nhạy bén thay đổi để tìm ra hướng đi mới. Việc mua bán, sáp nhập hoặc nhượng lại cổ phần cũng là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, nếu người làm kinh doanh không coi việc kinh doanh là máu thịt, là sự nghiệp của mình mà đơn giản chỉ là kiếm lợi nhuận thì sẽ không có những định hướng bài bản và bền vững. Khi gặp khó, họ sẽ rất dễ nản chí và sớm có tư tưởng bỏ cuộc để tìm một "cuộc chơi" mới ít cực nhọc hơn.

Những doanh nghiệp này, theo tôi, cũng sẽ khó tồn tại lâu, bởi nếu không bị kinh doanh đào thải, thì họ cũng tự đào thải khi không có động lực đổi mới.

Hơn nữa, một doanh nghiệp mà không gắn với xã hội, không hướng đến cộng đồng thì sản phẩm sẽ thiếu đi giá trị nhân văn, giá trị phục vụ người tiêu dùng. Như vậy, doanh nghiệp đó cũng không thể phát triển bền vững được.

Hiểu được điều này, những năm khó khăn vừa qua, tôi không chủ trương tạo ra chiến lược kinh doanh đột phá mà chỉ có kế hoạch đảm bảo tốc độ tăng trưởng của Công ty mỗi năm tăng đều từ 15 - 20%, tuân thủ nguyên tắc kinh doanh: Sản phẩm chất lượng, có công năng sử dụng rõ ràng, có tính thẩm mỹ cao, giá cả ổn định và nhất là phải có cái hơn người.

Ngô Trung Kiên

Mỗi khi thị trường khó khăn, thay vì phải vay tiền ngân hàng, tôi lại tập trung vào thiết kế mẫu mã để tung ra những dòng sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu người tiêu dùng vào từng thời điểm.

- Ông Ngô Trung Kiên: Tôi vẫn nói với bạn bè rằng kinh doanh không phải kiếm tiền nhất thời nên phải theo đuổi như một sự nghiệp nghiêm túc cả đời. Bởi nếu không, khi gặp khó khăn, có lúc lợi nhuận thấp hơn lãi vay ngân hàng thì sẽ dao động rồi sớm bỏ cuộc.

Hiện nay, số doanh nghiệp bỏ cuộc ngày càng nhiều. Nguyên nhân khách quan là do khó khăn, nhưng nguyên nhân cơ bản là do họ không nghiêm túc, lâu nay làm ăn theo kiểu bầy đàn.

Doanh nghiệp phá sản là bình thường nhưng nếu có quá nhiều doanh nghiệp phá sản thì rõ ràng đó là một nền kinh tế có vấn đề và không bền vững.

- Ông Phạm Xuân Hồng: Khó khăn là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp bỏ kinh doanh, giải thể, nhưng theo tôi còn một nguyên nhân sâu xa hơn.

Đó là khi hình thành doanh nghiệp, các doanh nhân chưa thể hiện tâm huyết với ngành nghề đã chọn hoặc có thể họ làm vì mục tiêu trước mắt, cứ thấy "ngon" là làm. Làm vì lợi nhuận mà không có tâm huyết thì khi gặp trở ngại dễ nản chí và bỏ cuộc.

Những người làm vì đam mê, tâm huyết thì khó khăn mấy họ cũng bằng mọi cách bám trụ với nghề mình đã chọn. Ngoài sự tâm huyết của doanh nhân, sự bền vững của doanh nghiệp phụ thuộc vào môi trường và nhiều yếu tố khác nữa.

Ph. Ăng-ghen đã nói "cái nào nó tồn tại là cái đó hợp lý". Cây con dù yếu nhưng nếu có môi trường tốt vẫn có thể phát triển được.

* Chúng tôi còn nhớ lễ hội mừng Ngày Doanh nhân đầu tiên, các doanh nhân đã cùng nói về giấc mơ "ra biển lớn". Theo ông, quy mô, thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay như thế nào nếu so với các nước trong khu vực và giấc mơ 9 năm trước đã thành hiện thực chưa?

- Ông Phạm Xuân Hồng: Trong khi các thương hiệu nước ngoài có hàng trăm năm thì doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ có vài chục năm nên cần rất nhiều thời gian nữa để mở rộng quy mô.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam do xuất phát chậm nhưng cứ muốn đi nhanh nên bị vấp váp là điều dễ hiểu. Vấn đề là sau vấp ngã là phải biết đứng dậy.

Ngoài sự tự thân của mỗi doanh nghiệp thì sự hỗ trợ của môi trường kinh doanh, chính sách là rất quan trọng. Doanh nghiệp là một công cụ có năng lực và đã được thực tế chứng minh là đủ để không những xóa nghèo đói mà còn tạo ra một tầng lớp trung lưu vững chắc cho sự ổn định xã hội.

Nếu nói như vậy thì những gì doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được vẫn còn quá khiêm tốn. Có rất nhiều yêu cầu cần thiết để tạo ra một nền kinh tế thành công với sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ, nhưng chắc chắn yêu cầu quan trọng là phải có những doanh nhân dám khởi sự doanh nghiệp mới.

Để thực hiện điều đó, mọi người phải học kỹ năng kinh doanh, mọi doanh nghiệp phải có môi trường tốt để phát triển.

- Ông Lý Ngọc Minh: Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có thị trường ở nước ngoài. Tuy nhiên, để ra biển lớn, chúng ta cũng còn nhiều thách thức và với những gì đang trang bị, giấc mơ ra biển lớn cũng mới chỉ là hành trang bắt đầu.

Hiện nay, có rất nhiều doanh nhân thành đạt về cả địa vị xã hội lẫn tiền tài danh vọng. Nhưng để trở thành "doanh nhân" đúng nghĩa thì cần phải đạt được nhiều ý nghĩa hơn thế.

Vì thế, để doanh nghiệp Việt Nam tự tin bước ra thế giới vẫn còn đó những câu hỏi: Làm thế nào để phát triển tinh thần doanh nhân? Làm thế nào để doanh nhân đóng góp vào sự phát triển của đất nước và xã hội một cách có ý nghĩa nhất?

- Ông Ngô Trung Kiên: Theo bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, GDP tính theo ngang giá sức mua tương đương 322 tỷ USD, kinh tế Việt Nam đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Singapore.

Môi trường kinh tế vĩ mô nhìn chung tương đối ổn định, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm mạnh nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá Việt Nam là điạ chỉ đầu tư hấp dẫn trong tương lai ở khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, thách thức của kinh tế Việt Nam là tăng trưởng chậm kéo dài nhất kể từ khi tiến hành công cuộc cải cách kinh tế cuối những năm 1980.

Singapore với diện tích chỉ vẻn vẹn 692,7 km2 nhưng khoảng cách phát triển cách xa chúng ta hàng nhiều chục năm. Philippines là nước bị thiên tai tàn phá nặng nhất hằng năm mà vẫn phát triển hơn Việt Nam.

Những con số và so sánh này cho thấy một thực tế là nếu chỉ "mơ” thôi thì chẳng có thay đổi nào diễn ra cả. Chúng ta nên nói đến sự "dấn thân ra biển lớn" bằng trí tuệ và văn minh, như một sự đòi hỏi bất khả kháng để đi tới sự thay đổi "thân phận" của nền kinh tế Việt Nam.

* Xin cảm ơn các ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đã thôi mơ và chọn dấn thân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO