“Chúng tôi khắc phục ngay những thiếu sót để chào đón các nhà đầu tư”

HẢI ĐĂNG thực hiện| 16/09/2013 00:07

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, "nếu có nhu cầu, doanh nghiệp có thể đăng ký gặp lãnh đạo tỉnh nói chung, gặp Chủ tịch UBND tỉnh nói riêng bất cứ lúc nào".

“Chúng tôi khắc phục ngay những thiếu sót để chào đón các nhà đầu tư”

Chỉ đạo các cơ quan, ban ngành trong tỉnh Lâm Đồng “bất cứ doanh nhân nào cũng có thể bố trí gặp chủ tịch tỉnh” cho thấy mong muốn phát triển kinh tế tỉnh nhà của vị lãnh đạo này. Tuy nhiên, giữa mong muốn và hành động là một khoảng cách rất xa, đòi hỏi sự kiên trì và nhẫn nại để thực hiện mục tiêu lớn. Chúng tôi thấy điều đó ở ông Nguyễn Xuân Tiến và trong chuyên mục Trò chuyện doanh nhân lần này, ông Tiến lại là người trả lời những câu hỏi của doanh nhân, như cách rất thẳng thắn mà lâu nay ông duy trì để tạo ra nhịp cầu gắn kết giữa chính quyền và những nhà kinh doanh.

Đọc E-paper

Ảnh: Quý Hòa

>>Tâm huyết vì thương hiệu gạo Việt
>>Gói thất bại lại, cuốn thành công đi
>>
Trả ơn đời
>>Tạo lập vương quốc sôcôla "Made in Vietnam"

Là một trong những tỉnh thuộc địa bàn chiến lược Tây Nguyên, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng rất quan tâm kêu gọi các nhà đầu tư đến khai thác tiềm năng, để giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

Trong những năm qua, tỉnh đã nỗ lực tổ chức nhiều kênh xúc tiến đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư đến Lâm Đồng làm ăn.

Trong đó, tỉnh đặc biệt quan tâm đến các nhà đầu tư từ TP.HCM, vì đội ngũ doanh nhân ở đây năng động, có tiềm lực và mối quan hệ giao thương rộng lớn.

Hơn nữa, Lâm Đồng và TP.HCM là hai địa phương đã ký kết Chương trình Hợp tác phát triển kinh tế - xã hội từ hơn 10 năm trước.

Từ đó, nhiều biên bản ghi nhớ về đầu tư, nhiều dự án đã triển khai, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, số dự án được thực hiện chưa nhiều như mong đợi của lãnh đạo hai tỉnh - thành phố.

Gần đây, lãnh đạo tỉnh đề nghị Câu lạc bộ Doanh Nhân Sài Gòn (CLB DNSG) giúp Lâm Đồng nghiên cứu xây dựng nhà máy chế biến cà chua 500 tấn/ngày. CLB DNSG đã khảo sát, xây dựng dự án và chuẩn bị các điều kiện đầu tư và tỉnh đã bố trí lịch để lãnh đạo tỉnh nghe CLB DNSG trình bày dự án. Tuy nhiên, do công tác chuẩn bị của phía tỉnh Lâm Đồng chưa được chu đáo nên buổi trình bày dự án theo kế hoạch đã không thực hiện được.

Ngay sau khi nhận được phản ảnh sự việc, với tinh thần trách nhiệm với nhà đầu tư, ông Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã trực tiếp điện thoại và sau đó gửi văn bản chính thức đến CLB DNSG để trao đổi và lắng nghe ý kiến, tâm tư của các nhà đầu tư, kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh những thiếu sót trong công tác xúc tiến đầu tư của các cơ quan chức năng ở địa phương.

Đây là thái độ ứng xử đúng đắn và trách nhiệm của người lãnh đạo đứng đầu chính quyền tỉnh và cũng là bài học cho các cơ quan chức năng, cho cán bộ tham mưu, giúp việc của ông trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Sau đây là cuộc trao đổi giữa ông Nguyễn Xuân Tiến với Báo Doanh Nhân Sài Gòn.

* Chào ông, chúng tôi bất ngờ khi xem được văn bản ông cáo lỗi với nhà đầu tư về thái độ đón tiếp và sơ suất của cơ quan chức năng của địa phương khi CLB DNSG chuẩn bị trình bày dự án nhà máy chế biến cà chua ở Đơn Dương...

- Kêu gọi và thu hút đầu tư để khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở. Trong thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã nỗ lực cố gắng để cải thiện môi trường đầu tư, bằng nhiều giải pháp, như: đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; đề cao vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; kiên quyết chấn chỉnh những tổ chức, cá nhân gây phiền hà, sách nhiễu đối với nhà đầu tư, nhàdoanh nghiệp;...

Do đó, khi nhận được thông tin về việc các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp đón nhà đầu tư chưa tốt, tôi cần phải bày tỏ thái độ của mình để nhà đầu tư thông cảm, cùng nhìn nhận sự việc xảy ra vừa qua là rất đáng tiếc và ngoài ý muốn của tập thể lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng.

Như các anh chị đã biết, Lâm Đồng là địa phương có thế mạnh về hoa tươi, rau, củ, quả. Hằng ngày có hằng trăm tấn rau, củ, quả xuất ra ngoài tỉnh để bán cho người tiêu dùng ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, trong đó số lượng tiêu thụ tại thành phố Hồ Chí Minh chiếm tỷ trọng khá lớn.

Riêng về cây cà chua, theo báo cáo của cơ quan chức năng thì hiện nay cả nước có khoảng 13.000ha trồng cà chua, riêng tỉnh Lâm Đồng vào khoảng 8.000ha. Nếu bình quân 65 tấn cà chua/ha thì mỗi vụ Lâm Đồng thu được trên 500.000 tấn. Mỗi vụ cà chua ba tháng thì mỗi ngày nông dân Lâm Đồng sản xuất ra khoảng 7.000 tấn. Vụ nào được giá thì nông dân có lãi từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg.

Ông Tiến giao lưu cùng CLB DNSG

Nhưng tình trạng cà chua trúng mùa mất giá, được giá mất mùa diễn ra thường xuyên, có lúc người nông dân phải đổ bỏ. Do vậy, việc xây dựng nhà máy chế biến cà chua tại Lâm Đồng là mong đợi của bà con nông dân và của lãnh đạo tỉnh từ nhiều năm qua, nhưng chưa thực hiện được.

Lần này CLB DNSG đã đưa ra dự án xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến cà chua tại huyện Đơn Dương theo đề nghị của tỉnh, các nhà đầu tư đã rất nhiệt tình đến với tỉnh, mong muốn được hợp tác và đầu tư, nhưng sự việc đã diễn ra chưa được như mong muốn.

Việc này do sơ suất từ phía tỉnh Lâm Đồng nên với trách nhiệm của người đứng đầu bộ máy chính quyền tỉnh, tôi đã thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh nhận thiếu sót đối với nhà đầu tư, đồng thời chỉ đạo chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót của cơ quan chức năng.

* Chúng tôi bất ngờ hơn, không những có thư trao đổi, ông còn trực tiếp đến gặp nhà đầu tư để lắng nghe họ trình bày dự án. Ông đánh giá thế nào về nhà đầu tư, về dự án này?

- Lãnh đạo tỉnh đã mời CLB DNSG từ thành phố Hồ Chí Minh đến huyện Đơn Dương để khảo sát thực tế, sau đó trình bày dự án với lãnh đạo UBND tỉnh, nhưng do tỉnh không bố trí được buổi làm việc tại Đà Lạt theo kế hoạch, nên tôi và lãnh đạo một số ngành và huyện Đơn Dương trực tiếp đến TP.HCM để nghe trình bày dự án.

Mặt khác, tôi cũng muốn tìm hiểu về mô hình hoạt động của CLB DNSG - một tổ chức xã hội - nghề nghiệp tập hợp nhiều doanh nhân thành đạt. Vì vậy trước khi đánh giá về dự án này, tôi muốn đưa ra một vài nhận xét về hoạt động của CLB: Đó là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động rất chuyên nghiệp.

Tôi đã thăm và làm việc với rất nhiều tổ chức xã hội - nghề nghiệp nhưng lần đầu tiên tôi thấy một CLB được tổ chức chặt chẽ, khoa học và hoạt động có hiệu quả. Họ có tôn chỉ, mục đích rõ ràng và tập hợp được những người chủ doanh nghiệp cùng hoài bão, biết làm giàu, tôn trọng pháp luật và có trách nhiệm với xã hội.

CLB thật sự là sân chơi bổ ích cho các doanh nhân, là điều kiện tốt để họ kết nối với nhau, làm khách hàng lẫn nhau trong tinh thần bằng hữu. Tôi được biết quy mô hoạt động của CLB không chỉ tại TP.Hồ Chí Minh mà còn mở rộng đến nhiều tỉnh, thành trong nước và cả các nước lân cận như Lào, Campuchia.

Về dự án chế biến cà chua tại Dơn Dương do CLB DNSG làm chủ đầu tư, đây là một dự án mà tỉnh Lâm Đồng rất quan tâm. Vì vậy, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã chủ động đặt hàng cho CLB DNSG đầu tư nhà máy chế biến cà chua.

Tôi bất ngờ vì chỉ trong thời gian khoảng một tháng họ đã chuẩn bị khá công phu, tổ chức khảo sát và xây dựng dự án với tinh thần trách nhiệm rất cao. Dù mới là bước đầu, nhưng dự án đã có nhiều thông tin về thị trường trong nước, thị trường thế giới, máy móc thiết bị...

Quan trọng hơn là quan điểm của nhà đầu tư phù hợp với chủ trương của tỉnh, đó là tôn trọng người nông dân trong vùng dự án; xác định người trồng cà chua là cổ đông của dự án, coi cán bộ nông nghiệp tại địa phương là thành viên của dự án, chính quyền là “trọng tài” để thực thi những cam kết giữa nhà đầu tư và nhà nông. Sự chuẩn bị bước đầu của CLB DNSG đã tạo cho chúng tôi niềm tin về tính khả thi và hiệu quả của dự án.

* Ngoài dự án chế biến cà chua, CLB DNSG còn có dự án xử lý rác, biến rác thành than mà không làm ảnh hưởng đến môi trường. Dự án này dự kiến đầu tư tại huyện Đức Trọng nhưng đang gặp một số trở ngại. Ông có được nghe CLB DNSG trình bày dự án này chưa?

- Trong buổi làm việc với CLB DNSG về dự án nhà máy cà chua, tôi mới biết thêm họ có dự án xử lý rác thải sinh hoạt ở Đức Trọng và đang gặp trở ngại.

Theo trình bày của CLB DNSG thì đây là dự án xử lý rác áp dụng công nghệ mới do chính người Việt Nam sáng chế, với quy trình xử lý rác thải sinh hoạt không cần phân loại, tất cả được đốt thành than mà không gây ô nhiễm môi trường.

Thăm các DN của tỉnh Lâm Đồng

Nếu thật sự như vậy thì đây là công nghệ mới đáp ứng yêu cầu của tỉnh. Về chủ trương, tôi ủng hộ các dự án đầu tư xử lý rác thải không chiếm nhiều đất đai, không gây ô nhiễm môi trường.

Tôi đã chỉ đạo sở KH&ĐT tổng hợp và thẩm định dự án này và các dự án của các nhà đầu tư có văn bản đề nghị được xây dựng nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn huyện Đức Trọng (hiện nay có 3-4 nhà đầu tư quan tâm đến dự án này), đồng thời đưa ra những tiêu chí cụ thể để lựa chọn được nhà đầu tư thật sự có năng lực, tâm huyết đầu tư dự án. Nếu dự án của các doanh nhân thuộc CLB DNSG đáp ứng được các điều kiện thì Lâm Đồng sẽ ưu tiên để doanh nghiệp triển khai dự án.

* Được biết ông có chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành tỉnh bất cứ doanh nhân nào cũng có thể bố trí gặp chủ tịch?

- Đây là việc bình thường và UBND tỉnh Lâm Đồng đã duy trì lịch tiếp các nhà đầu tư và doanh nghiệp hàng tháng vào ngày cuối tháng. Ngoài ra, nếu có nhu cầu, doanh nghiệp có thể đăng ký gặp lãnh đạo tỉnh nói chung, gặp Chủ tịch UBND tỉnh nói riêng bất cứ lúc nào.

* Nghị quyết số 09-NQ/TƯ của Bộ Chính trị vê nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ban hành từ hai năm trước, nhưng đến nay gần như các địa phương chưa triển khai. Lâm Đồng thì thếnào, thưa ông?

- Đây là Nghị quyết quan trọng được Bộ Chính trị ban hành ngày 09/12/2011, ngay sau đó Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có Chương trình hành động để triển khai thực hiện Nghị quyết 09.

Do thực tế đội ngũ doanh nhân tại địa phương đa số đi lên từ sản xuất nông nghiệp quy mô hộ gia đình và phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ nên chủ yếu vẫn làm ăn theo cách cũ, đôi khi chỉ chú trọng lợi ích trước mắt, thiếu tầm nhìn chiến lược và nghị lực vượt khó.

Chính vì vậy, việc triển khai Nghị quyết 09 phải gắn liền với giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tạo tiền đề xây dựng đội ngũ doanh nhân mới theo tinh thần Nghị quyết 09, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2366/QĐ-UBND về Chương trình, Kế hoạch hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh với nhiều giải pháp đồng bộ về tổ chức, chỉ đạo thực hiện vàcân đối nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách hằng năm.

* Thưa ông, Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 sắp tới, lãnh đạo Lâm Đồng có kế hoạch gì thiết thực với sự phát triển của doanh nghiệp tỉnh nhà?

- Không đợi đến Ngày Doanh nhân Việt Nam tỉnh mới quan tâm đến doanh nghiệp, doanh nhân. Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng luôn xác định đồng hành cùng với doanh nghiệp và doanh nhân là nền tảng cho sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong chương trình công tác hàng tháng của UBND tỉnh, ngoài việc dành ngày cuối tháng để tiếp, làm việc với nhà đầu tư, nhà doanh nghiệp; UBND tỉnh còn phân công lãnh đạo đi thăm, làm việc với doanh nghiệp.

Khi trực tiếp đến tận nơi sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ thu thập được nhiều thông tin bổ ích hơn là đọc báo cáo của họ; sự hiện diện của lãnh đạo UBND tỉnh cũng là sự động viên, khích lệ đối với lãnh đạo và đặc biệt là người lao động tại các doanh nghiệp trong tình hình khó khăn hiện nay.

Ngày Doanh nhân Việt Nam tới đây, tôi rất mong doanh nhân TP.HCM và doanh nhân Lâm Đồng có nhiều chương trình hợp tác thiết thực và có những đóng góp nhiều hơn cho lợi ích của các doanh nghiệp cũng như cho sự phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương. Đây cũng chính là các hoạt động góp phần cùng cả nước chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam.

* Cám ơn ông về buổi trò chuyện này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Chúng tôi khắc phục ngay những thiếu sót để chào đón các nhà đầu tư”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO