CEO Leading Performance La Hạ Giang Thanh: Mỗi người là một mảnh ghép hoàn hảo và khác biệt

XUÂN LỘC| 05/09/2018 00:57

Chọn học ngành Quản trị Kinh doanh – Marketing tại Mỹ, song khi trở về, La Hạ Giang Thanh lại theo đuổi ngành giáo dục phát triển tư duy con người. Vài năm sau, chị trở thành CEO của Công ty Giáo dục Leading Performance (LPE) và là một giảng viên về phát triển cá nhân.

CEO Leading Performance La Hạ Giang Thanh: Mỗi người là một mảnh ghép hoàn hảo và khác biệt

CEO của Leading Performance - La Hạ Giang Thanh. Tranh: Hoàng Tường

Trong 10 năm qua, cô gái chưa đầy 30 tuổi này đã sử dụng ngôn ngữ tâm lý và kỹ thuật giao tiếp với vô thức để giúp cho nhiều người sống vui vẻ, tích cực hơn. Chị chia sẻ: Làm cho mọi người hạnh phúc là ước mơ của tôi từ thuở bé. Đó từng là một khao khát khi chứng kiến những người xung quanh mình không hạnh phúc, ngay cả cha mẹ tôi. Tôi cũng có duyên may được những người quen tin tưởng và chia sẻ về cuộc đời của họ, thường là những câu chuyện buồn và những số phận bất bạnh.

Sau này, khi nghiên cứu sâu về khoa học phát triển con người, tôi mới biết rằng đau khổ không phải do sự sắp đặt của số phận. Chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi hiện thực khổ đau để tìm một cuộc sống an nhiên, hạnh phúc hơn. Tôi thường tự hỏi có cách nào có thể làm vơi đi muộn phiền cho mọi người, để họ hạnh phúc hơn hay không? Rồi tôi quyết định một ngày nào đó sẽ trở thành một chuyên gia tâm lý hay một người làm dịch vụ để mang lại niềm vui cho mọi người. 

* Kết quả ra sao, quyết tâm này có trở thành thực hiện không?

Kết quả là tôi đã bị gia đình mắng vì ước mơ “không giống ai”. Như nhiều đứa trẻ khác, tôi chưa từng được cha mẹ hỏi về sở thích, ước mơ của mình. Cha mẹ thường chỉ hướng con lựa chọn những ngành học xu hướng, có tương lai hay chọn nghề nghiệp an nhàn mà có thể kiếm nhiều tiền… Cách đây hơn 10 năm, ngành tâm lý học không phải là ngành “thời thượng”, thậm chí còn khá xa lạ đối với nhiều người. Cha mẹ không thể hiểu vì sao tôi lại chọn ngành nghề không có tương lai này. Ước muốn làm ngành dịch vụ còn khó chấp nhận hơn, thậm chí tôi còn bị mắng là “điên” vì muốn phục vụ người khác. 

Link bài viết

Cuối cùng, tôi cũng không thể vượt ra khỏi “hàng rào” định kiến của gia đình, nên chọn học ngành Quản trị Kinh doanh – Marketing. Về sau, nghề đào tạo và ứng dụng NLP đến với tôi như một nhân duyên. Và đến lúc này tôi biết con đường đang đi đúng với đam mê và sứ mệnh của mình.

* Ngành Đào tạo và Ứng dụng Lập trình ngôn ngữ tư duy (NLP) tuy mới mẻ nhưng lại mở rộng khá nhanh tại Việt Nam. Phải chăng đây là một ngành “làm ăn” được? 

Tôi không nghĩ việc đầu tư vào ngành NLP nói riêng và làm giáo dục chân chính nói chung lại dễ kiếm tiền ở Việt Nam. Thực tế, tại trung tâm của tôi, tiền được tái đầu tư liên tục nên ngay cả việc mở rộng quy mô doanh nghiệp cũng cần phải cân nhắc kỹ càng. Thời điểm thành lập LPE, tôi nghĩ rằng người dân mình cần có sự thay đổi về tư duy, vì chỉ có tư duy khác biệt mới có thể mang lại cuộc sống tươi sáng hơn cho con người.

NLP là một ngành khoa học đã được tạo ra bởi hai nhà khoa học Richard Bandler và John Grinder và đồng thời được chứng minh tính hiệu quả trên thế giới. Trong số những người thành công đã sử dụng NLP có những người nổi tiếng như diễn viên người Anh Rusell Brand, chính NLP đã cứu sống anh, giúp anh trong quá trình chuyển biến từ một kẻ nghiện ngập thành một diễn viên nổi tiếng. Những người nổi tiếng khác như nữ ca sĩ Lily Allen, tay golf Tiger Woods, nữ ca sĩ Geri Halliwell, doanh nhân Anthony Robbins, người dẫn chương trình nổi tiếng Oprah Winfrey cũng sử dụng NLP. Tất cả đều chứng minh rằng tư duy tiêu cực, ngại ngần, sợ hãi, thiếu mục tiêu và định hướng về tương lai, đôi khi cản trở sự phát triển hoặc làm hại bản thân bằng ngôn từ độc hại là những vấn đề chung ảnh hưởng đến nhiều người trên thế giới. Nếu có khả năng điều khiển được cảm xúc, cách hành xử hoặc thay đổi kết luận về những tổn thương trong quá khứ thì chúng ta sẽ gặt hái thành công.

Đến nay, người người nhà nhà nói về NLP, còn mười năm trước, khi mới du nhập vào Việt Nam, ngành khoa học này được giảng dạy bằng tiếng Anh với một chương trình khá khô khan với nhiều kiến thức chuyên ngành khiến cho người học khó tiếp thu và khó ứng dụng. Chương trình học lúc đó thường kéo dài từ tám đến mười ngày liên tục và học phí cao, nên người học đa số là doanh nhân hoặc những người làm giáo dục. Tôi là một trong những người tiên phong chuyển ngữ trong nhiều chương trình phát triển cá nhân, tạo nền tảng ngôn ngữ, thuật ngữ cho ngành NLP bằng tiếng Việt. Sau đó, tôi cùng ông Vassanth Gopalan, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực phát triển tư duy con người, đã chia nhỏ chương trình thành nhiều cấp độ, phù hợp với nhiều độ tuổi, ngành nghề khác nhau…

"Trong đời sống đô thị hiện đại ngày nay, chúng ta thường ưu tiên cho sự nghiệp, phát triển cá nhân và các mối quan hệ là chủ yếu. Những lĩnh vực hay bị 'bỏ quên' là gia đình, sức khỏe và yếu tố tâm linh".

* NLP dùng ngôn ngữ để lập trình cơ thể, điều chỉnh tâm lý, tư duy, thế nào, chị có thể giải thích rõ hơn? 

Lập trình ngôn ngữ tư duy nhằm vào việc thay đổi tận gốc của hành vi bằng cách thay đổi lối tư duy. Theo đó, chúng ta học được cách điều khiển trạng thái cảm xúc của bản thân, phát triển được kỹ năng thuyết phục trong giao tiếp, vượt qua được những trở ngại trong công việc và cuộc sống. Sự thay đổi này không chỉ giúp chúng ta tìm được niềm tin, sự thú vị trong cuộc sống mà còn giúp những người xung quanh mình vui vẻ, lạc quan hơn. 

NLP bao gồm 3 thành tố có ảnh hưởng lớn nhất đến việc hình thành những kinh nghiệm cá nhân của mỗi chúng ta, đó là: thần kinh học, ngôn ngữ học, và các mô thức được lập trình sẵn. Chúng ta giao tiếp với thế giới bên ngoài thông qua năm giác quan: thị giác, thính giác, xúc giác, khứu giác và vị giác. Chúng ta tiếp nhận những tác nhân kích thích từ bên ngoài và tái tạo lại chúng bên trong não bộ dưới một hình thức khác. Việc này hình thành bên trong não bộ chúng ta một thế giới thu nhỏ và chủ quan của riêng chúng ta.

Việc tổng hợp tất cả những gì ta thu nhận từ bên ngoài vào não bộ tạo nên những mô thức hành vi và phản ứng trong các hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống được gọi là “lập trình”. Những mô thức (hay gọi một cách đơn giản là thói quen) này sẽ lặp đi lặp lại nếu không có cản trở hay thay đổi gì. Nó giống như máy ghi âm tua lại cùng một nội dung nếu như nó không bao giờ được ghi âm nội dung khác chồng lên. Vấn đề là làm sao để phát triển thói quen có lợi và loại bỏ những thói quen không có lợi?

Những người sáng lập ra NLP nhận ra rằng, mọi người không phản ứng trực tiếp với thế giới chung quanh họ. Trước tiên, họ dùng những gì thu nhận được từ thế giới bên ngoài trong quá trình sống và lớn lên của bản thân để “lập trình” cho bộ não của mình, rồi cứ thế mà hành động và phản ứng (một cách gần như tự động) theo các chương trình đã được cài sẵn đó (thường gọi là vô thức). Chẳng hạn một người nhiều lần phát biểu trước đám đông đều gặp phải những lời chê bai. Theo phản xạ tự nhiên, anh sẽ vô tình “lập trình” mình là kẻ bất tài trong việc ăn nói. Từ đó, anh lại càng trở nên căng thẳng và kém cỏi hơn trong việc phát biểu trước đám đông. Đó là vì một chương trình “độc hại” đã vô tình bị cài vào đầu anh ta. Nếu học được cách thay đổi những chương trình cài sẵn đó, anh ta mới thay đổi được, tự tin và hạnh phúc hơn. Có rất nhiều học viên của chúng tôi đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn không thể vượt qua nỗi sợ hãi mơ hồ bên trong họ…

* Chị có gặp khó khăn khi giảng dạy cho những người lớn tuổi hơn mình không?

Học viên thường đã biết về giảng viên qua những buổi ngoại khóa hoặc được giới thiệu trước, nên phần nào đã biết về trình độ của tôi. Ngoài ra, nhiều học viên là người từng được tôi huấn luyện, tư vấn tâm lý hoặc trị liệu thành công rồi mới tham gia các lớp học. Kiến thức là vô hạn và người nào hiểu biết hơn đều có thể làm thầy. Tôi biết cách làm cho học viên thoát khỏi trầm cảm, đau khổ hay những khó khăn về sức khỏe, tài chính, các mối quan hệ gia đình, đồng thời phương pháp của tôi là giúp họ khai phá được con người bên trong, tiềm năng ẩn chứa mà chính họ cũng không nhận biết được. Vì vậy, tôi luôn nhận được sự cảm kích lẫn tôn trọng từ học viên.

Link bài viết

* Chị giúp học viên thoát ra khỏi đau khổ bằng cách nào?

Bằng NLP cùng các kiến thức về phát triển con người khác như: liệu pháp dòng thời gian, thôi miên khoa học, trường năng lượng sinh học con người… Thường thì việc đầu tiên tôi làm là giúp học viên đối thoại với nội tâm của chính mình để nhận biết đâu là những giá trị đang có, đâu là đam mê và ước mơ của mình.

Lý do đầu tiên mà chúng ta đau khổ là vì không nhận biết đâu là đam mê, mục tiêu thật sự của mình. Nên chúng ta có xu hướng ôm đồm rất nhiều thứ xung quanh mình rồi tự làm cho mình rơi vào khủng hoảng. Nhiều học viên của tôi hay than khổ vì họ luôn mong muốn mình giàu bằng người này, giỏi như người kia. Thực ra, nếu cứ mãi ước mơ mình sẽ giống một ai đó, chúng ta sẽ không thể thỏa mãn, nên khó mà có được hạnh phúc. Tôi luôn cố gắng làm cho học viên hiểu rằng mỗi con người là một mảnh ghép trong vũ trụ này, không ai giống ai từ những ngày mới sinh ra. Mỗi người là một cá thể độc lập, có cá tính và cống hiến riêng cho cuộc đời. Như mỗi loài hoa có một hương sắc của riêng nó. Hoa cúc không thể cố gắng để có hương thơm giống hoa hồng. Dù là loài hoa gì đi nữa thì cũng góp phần làm đẹp cho bức tranh cuộc đời. Nên bất cứ một người nào cũng có giá trị nhất định trong vũ trụ.

Từ khi sinh ra, mỗi chúng ta đã là người chiến thắng khi có thể tồn tại trên thế giới này. Xuất phát điểm mỗi người khi chào đời là như nhau, được trao những nguồn lực như nhau. Tuy nhiên, hoàn cảnh sống của mỗi người lại khác nhau, điều quan trọng là ta vận dụng những nguồn lực ấy như thế nào để thích nghi với môi trường sống và làm chủ cuộc sống của mình. Tất cả mọi người đều có nguồn lực cần thiết để thành công và đạt được mục tiêu của mình. Và khi sống hết sức với bổn phận và vai trò, thì chúng ta vẫn có được hạnh phúc, an nhiên và thành công.

"Chúng ta đau khổ là vì không nhận biết đâu là đam mê, mục tiêu thật sự của mình. Nên chúng ta có xu hướng ôm đồm rất nhiều thứ xung quanh mình rồi tự làm cho mình rơi vào khủng hoảng".

* Người ta nói thiền và yoga cũng có thể khiến chúng ta cảm thấy an nhiên, có nhất thiết phải học về Lập trình ngôn ngữ tư duy không?

Không nhất thiết phải học về Lập trình ngôn ngữ tư duy, nhưng khi đã đối thoại được với nội tâm, nhìn thấy con người bên trong của mình thì khi kết hợp với các ngành khác như yoga thiền thì sẽ hiệu quả hơn. Một số người nói rằng họ từng tham gia khóa hành thiền nội trú Vipassana 10 ngày, nhưng khi trở về thì tâm vẫn chưa thấy bình an. Có thể thấy, nếu chưa hiểu rõ bản thân thì dù có vận dụng nhiều giải pháp tình thế, cũng khó mà có được cuộc sống như mong muốn. Vì vậy, NLP là giải pháp cân bằng cuộc sống trọn vẹn, chứ không chỉ là công cụ phát triển cá nhân như mọi người lầm tưởng.

* Như thế nào là một cuộc sống trọn vẹn, phải chăng là có cuộc sống sung túc và làm việc có ý nghĩa cho xã hội?

Nói như vậy không sai, nhưng vẫn khá mơ hồ. Để học viên dễ hiểu, tôi thường dùng hình ảnh “bánh xe cuộc đời” với tám yếu tố: sự nghiệp, gia đình, các mối quan hệ, sức khỏe, phát triển cá nhân, giải trí, cống hiến cho xã hội và tâm linh. Một người chỉ hạnh phúc khi có sự cân bằng tương đối giữa tám yếu tố này.

Đa số chúng ta sẽ có xu hướng tập trung vào một vài yếu tố quan trọng nhất và phát triển nó đến mức tối đa và quên đi mất những lĩnh vực khác. Trong đời sống đô thị hiện đại ngày nay, chúng ta thường ưu tiên cho sự nghiệp, phát triển cá nhân và các mối quan hệ là chủ yếu. Những lĩnh vực hay bị “bỏ quên” là gia đình, sức khỏe và yếu tố tâm linh. Chỉ đến khi lĩnh vực này rơi vào tình trạng báo động thì chúng ta mới tìm cách để cải thiện. Cha mẹ tập trung vào công việc kiếm tiền, quên mất đi thời gian dành cho con cái dẫn đến rạn nứt mối quan hệ. Người quản lý tập trung vào tối đa hóa lợi nhuận và quên mất đi văn hóa, con người thì tinh thần làm việc của công ty suy giảm nghiêm trọng. Con người lo tập trung vào sự nghiệp và kiếm tiền mà lơ là đi lĩnh vực sức khỏe, đến khi giật mình nhìn lại thấy trong người mang toàn là bệnh và lại dùng tiền kiếm được để chữa bệnh…

Câu nói “Người giàu cũng khóc” hoàn toàn là có thật, và “Thuyền lớn sóng lớn” cũng rất đúng. Càng có một vị trí nào đó trong xã hội bao nhiêu thì chúng ta thường có những vấn đề to lớn không dám chia sẻ cho ai bấy nhiêu. Tôi vừa tham vấn cho một học viên là nữ doanh nhân vô cùng giàu có. Công việc của chị kiếm được rất nhiều tiền nhưng gia đình không trọn vẹn. Chồng chị thì có người phụ nữ khác còn các con dù rất thương mẹ nhưng đôi bên vẫn không tìm được tiếng nói chung. Thật may, đến nay chị ấy đã nâng dần “thang điểm” trong yếu tố gia đình bằng cách cải thiện giao tiếp.

Link bài viết

* Đối tượng tư vấn trị liệu của chị chủ yếu là doanh nhân phải không, vì đây là đối tượng thường chịu nhiều áp lực trong cuộc sống?

Đối tượng tư vấn trị liệu của tôi rất đa dạng, từ những em nhỏ dưới 10 tuổi đến người 50-60 tuổi, từ nhân viên đến chủ doanh nghiệp về các vấn đề kinh doanh, sức khỏe, tâm sinh, vấn đề bất hòa trong mối quan hệ, vấn đề tài chính… Có thể thấy, căn bệnh trầm cảm hiện nay đã lây lan rất nhanh và không bỏ qua bất cứ ai.

Thậm chí, có những người muốn tìm đến cái chết dù cuộc sống rất đủ đầy. Hiện tôi đang tham vấn cho một học sinh được cha mẹ cho đi du học từ những năm học cấp 2. Từ một “cậu ấm” được chăm sóc kỹ lưỡng, em nhanh chóng rơi vào thất vọng khi cô đơn và bị kỳ thị nơi đất khách. Ngay cả niềm đam mê bóng rổ em cũng không thực hiện được. Cha mẹ dành cho em một cuộc sống sung túc về tài chính, nhưng không hề biết em muốn tự tử nhiều lần từ những năm trung học đến đại học. Trong những trường hợp như vậy, tôi không chỉ tham vấn cho chính em nhỏ, mà còn tham vấn cho cả cha mẹ.

Tóm lại, với khách hàng và học viên ở mọi lứa tuổi, tôi không xem mình là thầy mà chỉ như một người đồng hành, đặt ra những câu hỏi giúp khơi gợi cho học viên tìm lại đam mê, lý do để sống, mục tiêu cuộc đời, cùng họ vẽ ra giải pháp kiến tạo nên cuộc đời, hạnh phúc toàn vẹn mà họ xứng đáng có. Từ đó, tôi giúp cho họ tìm lại được con người tuyệt vời của chính mình, khơi gợi được giá trị chân chính từ bên trong để cuộc đời của họ cũng như những người xung quanh an nhiên và tươi đẹp hơn.

* Cảm ơn chị về những chia sẻ trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
CEO Leading Performance La Hạ Giang Thanh: Mỗi người là một mảnh ghép hoàn hảo và khác biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO