Cải cách giáo dục là mệnh lệnh cuộc sống

HOÀNG KIM ANH thực hiện*| 04/04/2011 09:33

Trong một thế giới biến chuyển nhanh chóng mặt, chậm chân là thua thiệt nhưng ba thập niêm nay ta vẫn giậm chân tại chỗ"

Cải cách giáo dục là mệnh lệnh cuộc sống

Tên tuổi của GS. Hoàng Tụy không chỉ giới hạn ở trong nước mà vượt ra tầm thế giới. Ông được biết đến như một nhà khoa học tầm cỡ quốc tế, đã cùng với GS. Lê Văn Thiêm xây dựng ngành toán học Việt Nam và là cha đẻ của ngành tối ưu toàn cục trong Toán học ứng dụng.

Không chỉ là một nhà khoa học, GS. Hoàng Tụy còn có nhiều đóng góp cho giáo dục Việt Nam. Có thể nói, sự kiên trì, kiên định của ông trong việc đấu tranh để cải cách giáo dục cũng đáng trân trọng như những thành tựu khoa học ông đã giành được - những thành tựu đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng việc trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh ngay từ đợt I.

Chính vì vậy, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã chọn ông là nhân vật để trao giải năm 2010 về lĩnh vực giáo dục.

Thưa giáo sư, cách đây năm, bảy năm, giáo sư đã từng cảnh báo: “Thực trạng giáo dục nước ta hiện nay rất nguy kịch”. Vậy từ đó tới nay, theo nhận xét của giáo sư, tình hình đã có gì biến chuyển?

GS Hoàng Tụy

Thực ra, lần đầu tiên tôi nêu ý kiến đó là từ năm 1995. Hồi đó, nhận thấy tình hình giáo dục không tốt, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã triệu tập một hội nghị gồm khoảng bốn, năm chục người, một nửa là các quan chức trong ngành giáo dục, nửa còn lại là những nhà khoa học, giáo dục ngoài biên chế ngành giáo dục.

Trong hội nghị đã có nhiều ý kiến phê phán gay gắt ngành giáo dục. Tôi đã có bài phát biểu nêu rõ tình trạng nguy kịch của giáo dục bởi có quá nhiều vấn đề gây bức xúc cho nhân dân năm này qua năm khác, không được giải quyết mà ngày càng tồi tệ hơn. Việc dạy thêm học thêm tràn lan đã bùng phát thành nạn dịch ngay từ hồi ấy.

Bài phát biểu của tôi và nhiều bài phát biểu khác nữa trong các hội nghị bàn về giáo dục và khoa học sau đó đã được đăng tải trên nhiều báo. Đến hội nghị Trung ương 2, khóa VIII năm đó bàn về giáo dục và khoa học, Trung ương đã ra một nghị quyết mang tính lịch sử, coi giáo dục và khoa học là quốc sách hàng đầu.

Có thể nói, hầu hết các ý kiến đóng góp của chúng tôi, bây giờ nhìn lại, đều được phản ánh vào nghị quyết. Nhưng tiếc rằng sau nghị quyết tình hình cơ bản vẫn không thay đổi.

Từ năm 2000 trở đi có một số tiến bộ nhưng chậm chạp, không đủ để vực giáo dục lên. Do đó năm 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải khi từ nhiệm đã phải nhận định chúng ta chưa thành công về giáo dục và khoa học, và Đại hội X sau đó đã phải đề ra cải cách giáo dục là nhiệm vụ cấp bách.

Sau Đại hội X, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có bộ trưởng mới. Ban đầu chúng tôi cũng rất hy vọng bởi ông bộ trưởng hứa hẹn khá nhiều điều và khách quan mà nói, ông cũng có cố gắng làm một số việc tốt như chống tiêu cực trong thi cử, v.v…

Nhưng càng về sau càng thấy ngành giáo dục chỉ chạy theo thành tích dễ dãi mà lại rất tốn kém, còn những vấn đề cốt lõi thì không quan tâm giải quyết. Sau Đại hội X, còn có ba hội nghị Trung ương nữa đều có nghị quyết nhắc lại nhiệm vụ cải cách giáo dục, nhưng mặc cho những nghị quyết ấy Bộ GD-ĐT vẫn chủ trương chỉ đổi mới, không cải cách.

Trong các văn bản của Bộ GD-ĐT từ “đổi mới” xuất hiện với tần suất kỷ lục. Cái gì cũng nói đổi mới mà thực chất chỉ là quay lại cái cũ, chỉ đổi mới hình thức, hoặc chỉ nói những điều không làm được hoặc không thiết thực.

Chẳng hạn, đề ra mục tiêu đến 2020 đào tạo 20.000 tiến sĩ, xây dựng 4-5 đại học đẳng cấp quốc tế trong đó có một lọt vào tốp 200, hằng năm mỗi giáo viên, hay cán bộ quản lý có một đổi mới! Nghe như chúng ta đang sống ở thời kỳ đại nhảy vọt của Trung Quốc, nhà nhà làm gang thép!

Đáng buồn là những yếu tố tiêu cực, phiêu lưu vẫn phát triển và điều nguy hiểm đã được cảnh báo từ năm 1995 vẫn còn đó. Chúng tôi nói cải cách giáo dục là mệnh lệnh cuộc sống chính là vì thế. Phải cải cách để đi cùng đường với người ta thì mới có thể bàn chuyện hội nhập, đuổi kịp.

Thưa, giáo sư có thể nói rõ hơn về điều này?

Cái gì mình cũng làm khác người ta cả. Ví dụ người ta xem thi cử là cốt để kiểm tra và xác nhận việc học có kết quả, còn chúng ta coi thi là mục đích, học chỉ cốt để thi, để giật một mảnh bằng, cho nên học lơ mơ, thậm chí không học mà có bằng thì càng tốt. Do đó học thuộc lòng, sao chép, quay cóp, đạo văn là phổ biến.

Từng học phần, từng lớp thì học lơ mơ, không kiểm tra, thi nghiêm túc, để dồn lại, đến cuối cấp mới học ngày học đêm, học thêm lu bù, luyện thi đủ kiểu, rồi thi xong là quên sạch. Rất hiếm nơi nào ngoài Việt Nam trong thập niên đầu thế kỷ XXI còn có kiểu học và thi lạc hậu như vậy.

Đó là chưa nói đến nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, chất lượng sách giáo khoa, và biết bao vấn đề nhức nhối khác nữa. Giáo dục phổ thông đã thế, giáo dục đại học, cao đẳng còn nhiều chuyện ly kỳ hơn.

Khắp nước “đào tạo liên kết”, đến nỗi trường trung cấp cũng đào tạo thạc sĩ, vì mỗi môn học chỉ cần mời thầy đại học đến nói chuyện mươi ngày là xong. Trong một thời gian ngắn đã ra đời hàng mấy trăm đại học, cao đẳng mới, giáo dục trở thành một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận. Thế là thực hiện “đại chúng hóa” đại học, “thị trường hóa” giáo dục!

Vậy, theo giáo sư, con đường đúng, con đường mà cả thế giới đang đi là như thế nào?

Giáo dục là một hệ thống phức tạp, thiếu tri thức khoa học và kinh nghiệm không dễ gì xây dựng thành công. Thế giới người ta đi trước mình hàng trăm năm, hơn nữa thời đại này là toàn cầu hóa, mình phải học tập người ta, phải hội nhập, đừng nghĩ rằng mình tài giỏi hơn, sáng suốt hơn.

Tất nhiên đừng học theo lối thầy bói xem voi, và cũng phải biết học một cách thông minh, chứ không phải cóp nguyên xi. Trước đây ta học theo giáo dục Liên Xô, nền giáo dục đó từ lâu không còn thích hợp nữa, phải sửa đổi,phải cải cách.

Nhưng nếu làm như ta vừa qua, cái cơ bản cần sửa thì không đụng tới, chỉ sửa chắp vá, không có hệ thống, rốt cuộc còn tệ hơn là không sửa vì trở thành dị dạng, đầu Ngô minh Sở, càng sửa càng rối. Vừa tốn kém, phí công phí sức mà bỏ lỡ mọi cơ hội.

Trong một thế giới biến chuyển nhanh chóng mặt, chậm chân là thua thiệt nhưng ba thập niên nay ta vẫn giẫm chân tại chỗ, có mặt còn thụt lùi.

Quá bức xúc trước tình hình đó, năm 2004 một nhóm 24 trí thức gồm cả trong nước và Việt kiều đã cùng nhau tổ chức nhiều buổi thảo luận kéo dài trong hai tháng để nhận định đúng thực trạng và đề xuất con đường ra cho giáo dục. Kết quả những buổi làm việc đó là một bản kiến nghị về cải cách giáo dục, gửi lên Trung ương, Chính phủ và Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD-ĐT lúc bấy giờ đã hoan nghênh bản kiến nghị này nhưng chưa kịp làm gì thì cấp lãnh đạo thay đổi, mọi việc trở về nguyên trạng. Sang nhiệm kỳ mới của Chính phủ, tuy nhiệm vụ cải cách giáo dục lần này được ghi rõ trong Nghị quyết Đại hội X và nhắc lại trong các nghị quyết của ba Hội nghị Trung ương sau đó, nhưng các cơ quan hữu trách lại không thực hiện nghị quyết.

Trái lại, giáo dục ngày càng đi vào xu hướng chạy theo thành tích dễ dãi, nhiều khi giả tạo, ngốn rất nhiều tiền của, công sức mà hiệu quả thấp nhưng lại được quảng cáo như là những siêu thành tích, như có người đã gọi.

Vì vậy, năm 2009 nhóm nghiên cứu của chúng tôi trình lên trên một bản kiến nghị mới về giáo dục, trong đó phân tích kỹ nguyên nhân yếu kém của giáo dục, đồng thời nhấn mạnh một lần nữa sự cần thiết cấp bách phải cải cách giáo dục để đưa giáo dục thoát ra khỏi khủng hoảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cải cách giáo dục là mệnh lệnh cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO