Bà Lã Thị Lan - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư Tiến Lộc: Đi trên đôi chân của chính bản thân mình

Nguyễn Loan| 22/11/2019 07:00

Đối lập với thế giới ồn ào ngoài kia là chốn đi về của nữ doanh nhân ngăn nắp, tĩnh lặng trong ngôi biệt thự ngập tràn màu xanh giữa lòng quận 1, nơi sôi động nhất của TP.HCM. Phong cách khoan thai, cử chỉ dung dị khiến mọi người không nghĩ bà là doanh nhân kinh doanh những ngành nghề nặng ký: cơ khí, địa ốc, khai thác mỏ, hạ tầng khu công nghiệp...

Bà Lã Thị Lan - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư Tiến Lộc: Đi trên đôi chân của chính bản thân mình

* Vốn là kỹ sư ngành hóa, gắn bó với một tập đoàn nhà nước gần 20 năm, từ chuyên viên kỹ thuật đến giám đốc kinh doanh, đường quan lộ có thể nói thênh thang rộng mở lúc bấy giờ. Vì sao bà lại dứt áo “sang ngang”? 

- Là nhà quản lý kinh tế, tôi hiểu và muốn tận dụng, nắm bắt cơ chế thị trường. Nhưng dường như chiếc áo chật hẹp của mô hình kinh tế tập thể không bao bọc nổi những ý tưởng kinh doanh mà mọi người cho là mạo hiểm lúc bấy giờ. Cho dù là dám làm, dám chịu trách nhiệm, tôi cũng không thể nào vượt rào khỏi những quy định hành chính bắt buộc, bởi như vậy là trái quy tắc, là cố ý làm sai. Khi đó, tôi đang là Giám đốc kinh doanh Công ty Fimexco. Năm 1998, tôi quyết rời khỏi vị trí lắm người mơ ước để thành lập doanh nghiệp (DN) đầu tiên của riêng mình: Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tiến Lộc. Đến nay, Tiến Lộc Group đã phát triển thành tập đoàn kinh tế tư nhân, đa ngành nghề với hàng chục công ty thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con. Với vai trò Chủ tịch tập đoàn, tôi phải đảm bảo kinh doanh hiệu quả và đời sống của hàng nghìn con người. Tuy vất vả, nhiều chông gai nhưng bù lại, được làm điều mình muốn, được chia sẻ lợi ích và thành quả lao động cho nhiều người, đặc biệt là những người còn khó khăn, kém may mắn trong cuộc sống, tôi cảm thấy hạnh phúc, có thêm động lực để vươn lên. 

“Tuy vất vả, nhiều chông gai nhưng bù lại, được làm điều mình muốn, được chia sẻ lợi ích và thành quả lao động cho nhiều người, đặc biệt là những người còn khó khăn, kém may mắn trong cuộc sống, tôi cảm thấy hạnh phúc, có thêm động lực để vươn lên”

* Là Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), Giám đốc Quỹ Doanh nhân vì cộng đồng, từng là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí Điện TP.HCM, lại được ghi nhận thành tích bằng rất nhiều giải thưởng, danh vị của Nhà nước trao tặng... sao bà không đánh bóng tên tuổi, thương hiệu bằng những danh xưng mà bà được tôn vinh và rất có giá trị về mặt thương mại? 

- Nếu có, tôi chỉ muốn PR cho Quỹ Doanh nhân vì cộng đồng của HUBA mà thôi, bởi trong cuộc đời còn nhiều người nghèo, nhiều số phận éo le. Tất cả chúng ta, đặc biệt là các DN, doanh nhân hãy mở rộng vòng tay, lòng nhân ái, chung tay cùng Quỹ Doanh nhân vì cộng đồng góp phần xoa dịu nỗi đau của những mảnh đời kém may mắn. Là Giám đốc Quỹ, bằng nhiệt huyết chân thành, tôi đã và đang cùng các cộng sự, cán bộ, công nhân viên của Tiến Lộc Group đóng góp nhiều nhất có thể từ nguồn thu nhập của DN, của cá nhân, chung tay góp sức vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội.

Tôi rất tự hào mà nói rằng: Quỹ Doanh nhân vì cộng đồng xứng đáng là địa chỉ tin cậy của mọi người, bởi chúng tôi đã làm được điều mà các DN, doanh nhân gửi gắm: Đến tận nơi cần đến, trao tận tay người cần nhận không chỉ bằng tấm lòng, bằng trái tim mà bằng cả sự minh bạch, khoa học và hiệu quả. Còn về cá nhân hay thương hiệu DN, tôi cho rằng, cách nhìn nhận công bằng của xã hội, sự đánh giá công tâm của khách hàng, của người tiêu dùng mới là quan trọng. Đó chính là giải thưởng đáng tự hào nhất.

“Chúng tôi đã làm được điều mà các doanh nghiệp, doanh nhân gửi gắm: Đến tận nơi cần đến, trao tận tay người cần nhận không chỉ bằng tấm lòng, bằng trái tim mà bằng cả sự minh bạch, khoa học và hiệu quả”

* Nhìn lại gần 10 năm hoạt động của Quỹ Doanh nhân vì cộng đồng, bà cho biết kết quả cụ thể và định hướng phát triển trong tương lai? 

- Quỹ Doanh nhân vì cộng đồng được thành năm 2010 theo quyết định của UBND TP.HCM, dưới sự quản lý và bảo trợ của HUBA. Trong nhiều năm qua, Quỹ trở thành nhịp cầu kết nối những tấm lòng vàng, nhà hảo tâm với đồng bào nghèo, gia đình chính sách, trẻ mồ côi; học sinh, sinh viên nghèo vượt khó... trên khắp mọi miền đất nước. Với 100 triệu đồng ủng hộ của các sáng lập viên lúc ban đầu, đến nay, Quỹ đã có nguồn thu trị giá hàng chục tỷ đồng mỗi năm và đều đặn tăng trưởng ổn định trên 30%/năm. 

Năm nay, tổng giá trị thực hiện các chương trình xã hội vì cộng đồng đạt trên 15 tỷ đồng. Phương châm hoạt động Quỹ là làm sao cho đồng tiền đóng góp đó mang lại lợi ích kinh tế nhiều nhất cho người thụ hưởng. Bằng các mối quan hệ cá nhân, sự ủng hộ hết lòng từ các nhà sản xuất; hàng hóa chúng tôi mua để tặng bao giờ cũng được tính giá rẻ nhất, chất lượng tốt nhất, nhiều ưu đãi nhất. Phương tiện vận chuyển luôn miễn phí; thành viên tham gia đoàn tự bỏ chi phí cá nhân, không tiêu một đồng tiền nào của Quỹ. Dịp cuối năm sẽ tập trung chăm lo Tết cho đồng bào nghèo, công nhân xa nhà, gia đình chính sách, cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo... Gần 10.000 phần quà đã chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng lên đường cùng đồng bào nghèo đón Xuân Canh Tý. Hy vọng rằng ở đâu đó, những cái Tết xa nhà, những phận đời éo le, những trẻ em nghèo... được đón mùa xuân mới trong ấm áp tình người, tình đời. Thông điệp chúng tôi muốn gửi gắm qua chương trình: Không có ai bất hạnh trên đời, hãy mở lòng đón nhận sự chăm lo đầy yêu thương từ cộng đồng; hãy vượt khó vươn lên làm chủ cuộc đời, làm chủ số phận chính bản thân mình. 

Mục tiêu lâu dài của Quỹ là “tặng chiếc cần câu, không phải cho con cá”. Quỹ xây dựng kế hoạch cho từng năm, từng giai đoạn trên cơ sở khảo sát thực tế sao cho thiết thực, hữu ích nhất. Các chương trình dài hơi là: Tài trợ cho đào tạo, dạy nghề; xây nhà tình thương, tình nghĩa; xây cầu, làm đường giao thông nông thôn; tặng cây giống, con giống; cấp học bổng, phương tiện đi lại... trên khắp các tỉnh, thành cả nước. Nơi nào cần chúng tôi đến, đâu khó khăn, chúng tôi chung tay, góp sức. 

* Nguyên tắc hoạt động của Quỹ Doanh nhân vì cộng đồng như thế nào thưa bà?

- Chúng tôi có Hội đồng quản lý quỹ và hoạt động theo nguyên tắc không vì lợi nhuận. Tự nguyện, tự tạo vốn, tự trang trải, vận động tài trợ và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật bằng tài sản của mình. Quỹ có điều lệ rõ ràng được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Thu chi công khai, minh bạch cả tài chính lẫn tài sản theo quy định của pháp luật. Hằng năm, có quyết toán, báo cáo tài chính, có định khoản rõ ràng từ nội dung đến đối tượng thụ hưởng. Sau gần 10 năm hoạt động, Quỹ Doanh nhân vì cộng đồng không còn là một tổ chức nhỏ lẻ mà có sức lan tỏa trên phạm vi cả nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Mô hình hoạt động cũng được nhiều tổ chức, cá nhân áp dụng cho các chương trình thiện nguyện do họ tổ chức. 

* Dù sao đi nữa, bà và các thành viên có thấy khó xử, ngại ngần hoặc gặp phiền toái khi vận động tài trợ? 

- Quỹ Doanh nhân vì cộng đồng không có cơ chế nào ngoài sự thành tâm cả người trao lẫn người nhận. Sở dĩ Quỹ làm được nhiều việc là nhờ hoạt động hiệu quả thiết thực, công khai, minh bạch. Các mạnh thường quân vừa là nhà tài trợ, lại vừa tham gia vận động tài trợ. Ngoài vấn đề tiền bạc, họ còn tự nguyện đóng góp công sức, trí tuệ và cả uy tín cá nhân để công tác xã hội từ thiện được trọn vẹn chu toàn. Người không có tâm, không thể làm từ thiện. Chỉ ai có trái tim yêu thương và tấm lòng nhân hậu, cho đi mà không có bất cứ điều kiện gì thì mới gắn bó lâu dài và đúng nghĩa quỹ vì cộng đồng.

* Bà có thể chia sẻ vài kỷ niệm ấn tượng trong các cuộc hành trình để bạn đọc Báo Doanh Nhân Sài Gòn hiểu thêm và cùng chung tay góp sức vì cộng đồng? 

- Mỗi chuyến đi của chúng tôi không phải là kỷ niệm mà là những cảm xúc không thể nào quên. Một ánh mắt thơ ngây của em bé vừa chào đời đã mang trọng bệnh; một tấm thân bệnh phong mòn theo năm tháng trong những trại phong; tiếng đàn, lời ca day dứt lòng của các chàng trai, cô gái khiếm thị, khiếm thính trong các trung tâm bảo trợ xã hội; dáng mẹ già cô đơn bên di ảnh liệt sĩ ngày cuối đông; bữa cơm toàn rau rừng, khói bếp nơi vùng cao rét mướt... Thật sự, trong hoàn cảnh đó, không món quà giá trị vật chất nào có thay thế nỗi buồn đau trong tâm hồn những người bất hạnh. Chúng tôi chỉ biết nén lòng, trao ân tình bằng trái tim đồng điệu, trao những món quà đơn sơ mà đong đầy yêu thương với hy vọng truyền thêm sức mạnh để họ vượt lên số phận. 

Trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp đặc biệt chú trọng đến việc chăm lo đời sống cho người nghèo, gia đình chính sách, neo đơn, người già, trẻ em không nơi nương tựa. Đất nước mình còn nghèo, phúc lợi xã hội chưa thể theo kịp các nước phát triển, chưa kể đến những hạn chế từ mặt trái của cơ chế thị trường. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi mọi người, mọi nơi, mọi lúc hãy cùng chung tay vì sức khỏe, cuộc sống của những người nghèo khó, vì một cộng đồng văn minh, tốt đẹp.

* Là chủ tịch tập đoàn kinh tế tư nhân, bà định hướng phát triển cho Tiến Lộc Group như thế nào? 

- 20 năm qua, tôi luôn kiên định với chiến lược phát triển tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành nghề, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con với mục tiêu trở thành tập đoàn kinh tế năng động phát triển bền vững. Đầu tư nhiều lĩnh vực: bất động sản, tài chính, sản xuất công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản... bằng thực lực và uy tín trong các hoạt động, tập đoàn thu hút nhiều nhà đầu tư ở mọi lĩnh vực và luôn mang về lợi nhuận cao nhất, an toàn nhất cho các nhà đầu tư. Chúng tôi trở thành đối tác tin cậy của khách hàng bởi chất lượng của sản phẩm, phong cách phục vụ chuyên nghiệp, dịch vụ hiện đại, tiện ích.

Tập đoàn không có nhiều khác biệt trong mô hình quản lý mà chỉ đặc biệt là tôi luôn trao quyền chủ động cho đội ngũ điều hành, tạo cơ hội cho những người trẻ tuổi phát huy năng lực, bởi họ chính là những nhân tố kế tục để Tiến Lộc Group ngày càng lớn mạnh, ổn định và bền vững. Tôi tự hào về đội ngũ quản lý và người lao động có trình độ chuyên môn cao, sáng tạo, nhiệt tình, luôn trách nhiệm trong công việc. 

* Nhiều doanh nhân chia sẻ, họ thậm chí không còn thời gian dành cho gia đình và người thân. Bà điều hành cả tập đoàn với hơn 10 công ty con, lại luôn bận rộn với các hoạt động xã hội từ thiện. Bà có bị áp lực về thời gian và công việc? 

- Làm kinh doanh không thể nói là không có áp lực. Áp lực từ nhiều phía, nhiều khối lượng công việc. Vấn đề ở chỗ phải biết sắp xếp khoa học, ứng dụng các phương pháp quản lý hiện đại, thông minh để giải phóng sức lao động của chính bản thân mình mà vẫn đảm bảo bộ máy vận hành tốt. Hầu hết công ty con trong tập đoàn kinh doanh theo hình thức khoán chỉ tiêu. Công ty mẹ chỉ đầu tư tài chính, định hướng chiến lược phát triển. Còn các giám đốc là người chịu trách nhiệm điều hành. Áp dụng mô hình này, hiệu quả kinh doanh tốt, năng suất lao động tăng, đời sống của cán bộ nhân viên đảm bảo ở mức thu nhập cao. Nhiều người đã vươn lên làm giàu từ chính nguồn thu tại DN. Cũng nhờ vậy, tôi có nhiều thời gian hơn dành cho bản thân và gia đình; toàn tâm, toàn ý cho các hoạt động xã hội của Quỹ Doanh nhân vì cộng đồng. 

* Kinh doanh nhiều lĩnh vực, lại không trực tiếp điều hành các công ty thành viên. Bà đủ tự tin đảm bảo đầu tư không dàn trải và đi đúng định hướng phát triển tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh, bền vững như mục tiêu ban đầu?

- Kiên định với chiến lược phát triển, có lòng tin, biết nắm bắt cơ hội và luôn luôn đổi mới sáng tạo là cách quản trị tốt nhất. Tôi chắc chắn mọi sự phát triển đều nằm trong định hướng và tầm kiểm soát. Nếu 20 năm trước, lắp ráp sản xuất xe gắn máy chạy xăng là thế mạnh mang lại doanh thu lớn cho Tiến Lộc. Nay xu thế tiêu dùng thay đổi, tiêu chuẩn về môi trường ngày càng khắt khe. Chúng tôi chuyển sang chủ yếu sản xuất xe máy, xe đạp điện theo các tiêu chí bảo vệ môi trường, đầu tư công nghệ số vào sản xuất, hoạch định giá trị đầu tư song hành với nhu cầu thị trường. Tập trung nguồn lực cho các lĩnh vực khác: Đầu tư tài chính, đầu tư địa ốc; phát triển hệ thống khách sạn, cao ốc văn phòng, căn hộ cao cấp; dự án khu dân cư, hạ tầng khu công nghiệp; công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao... Khoán doanh thu không đồng nghĩa tận thu, tôi không đặt nặng chỉ tiêu doanh số mà tập trung xây dựng nền tảng nâng cao năng suất lao động; đảm bảo chất lượng, hiệu quả cho mỗi sản phẩm đưa ra thị trường cho dù ở bất cứ lĩnh vực vào. 

* Kinh tế tư nhân ngày càng xác định tầm quan trọng trong động lực phát triển kinh tế. Là nhà kinh doanh với mô hình kinh tế tư nhân, bà có góp ý gì với Đảng, Nhà nước về cơ chế chính sách cho vai trò kinh tế tư nhân?

- 20 năm làm kinh tế tư nhân, tôi cho rằng trước hết DN phải làm đúng, phải đứng trên đôi chân của chính mình. Nhà nước hỗ trợ về cơ chế chính sách là rất tốt, nhưng bản thân DN nếu không có thực lực thì rất khó vận dụng. Ngay cả cách vận dụng như thế nào cũng là vấn đề phải tính kỹ. Làm kinh doanh, nếu vận dụng sớm quá dễ gặp rủi ro, muộn quá thì mất cơ hội. Cho nên, việc vận dụng phải đúng lúc đúng thời điểm mới phát huy điểm mạnh của cơ chế. Ngay cả khi chính sách ban hành phù hợp với thời điểm này, nhưng lại không phù hợp thời điểm khác. Cho nên, khi ban hành một chính sách kinh tế nào đó, theo tôi cần tham khảo ý kiến các chuyên gia, các nhà tư vấn, các tổ chức phản biện để đảm bảo tính thực thi cao. 

“Nhà nước hỗ trợ về cơ chế chính sách là rất tốt, nhưng bản thân doanh nghiệp nếu không có thực lực thì rất khó vận dụng. Ngay cả cách vận dụng như thế nào cũng là vấn đề phải tính kỹ. Làm kinh doanh, nếu vận dụng sớm quá dễ gặp rủi ro, muộn quá thì mất cơ hội. Cho nên, việc vận dụng phải đúng lúc đúng thời điểm mới phát huy điểm mạnh của cơ chế”

DN phát triển thì đất nước sẽ phát triển. Cách tháo gỡ tốt nhất cho DN là vấn đề rõ ràng, rành mạch, nhất quán trong các quy định ban hành, tránh vướng mắc ở khâu thực thi. Quy định không rành mạch, công chức thực hiện mỗi người hiểu theo cách riêng của họ, cái khó lúc đó dồn về phía DN và người dân. Mặt khác, cán bộ lãnh đạo các cấp khi phát ngôn phải cụ thể, chính xác. Tránh tình trạng DN bị “vạ lây” chỉ vì một một câu nói. Tôi ví dụ: trong cuộc họp, lãnh đạo tỉnh chỉ cần phát biểu phải rà soát lại dự án a, b,c nào đó, thì lập tức thành một phản xạ dây chuyền, tất cả dự án không liên quan cũng bị đình trệ, ách tắc có khi tới 2-3 năm. Cho nên, tháo gỡ khó khăn, đôi khi không phải là chính sách vĩ mô to tát mà ở ngay chính công việc thường nhật, ở sự tận tâm, có trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. 

* Xin cảm ơn bà! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bà Lã Thị Lan - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư Tiến Lộc: Đi trên đôi chân của chính bản thân mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO