Trò chơi truyền hình: Giải trí tại gia vẫn được ưa chuộng

Đinh Hương| 18/12/2021 07:00

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, phải giãn cách xã hội dài ngày, trò chơi truyền hình (gameshow, truyền hình thực tế, quiz-show) đã trở thành một loại hình giải trí ở nhà được rất nhiều khán giả lựa chọn.

Trò chơi truyền hình: Giải trí tại gia vẫn được ưa chuộng

Giải trí tại gia trong mùa dịch

Trò chơi truyền hình trên các kênh HTV7, VTV3, THVL1... trong năm 2021 rất đa dạng, đáp ứng sở thích giải trí của mọi lứa tuổi khán giả. Có thể kể đến nhiều quiz-show vừa mang tính giải trí vừa phổ quát kiến thức như Chọn ai đây, 5 giây thành triệu phú, Chọn đâu cho đúng, 100 triệu 1 phút, Biệt đội thông thái, Bí kíp vàng, Vua tiếng Việt, Nhanh như chớp, Vui khỏe có ích, 5 vòng vàng kỳ ảo, Đường lên đỉnh Olympia. Mỗi trò chơi có một định dạng nhưng hầu hết có lượng khán giả nhất định. Lọt vào top được xem nhiều nhất là các chương trình truyền hình thực tế như Rap Việt, Giọng ải giọng ai, 7 nụ cười xuân, Thách thức danh hài, Running man Việt Nam, Sàn chiến giọng hát, Đại chiến âm nhạc, Bản lĩnh ngôi sao, Siêu thử thách, Sàn đấu vũ đạo, Heroes - Thần tượng đối thần tượng, Sao nhập ngũ, Vietnam’s Best Dance Crew, Sàn đấu vũ đạo, Siêu tài năng nhí... kết hợp sự vận động, đấu trí hay thi tài năng của người chơi và sự tung hứng, pha trò của các nghệ sĩ.

Trong khi đó, những trò chơi chủ đề gia đình kết hợp ẩm thực hay kiến thức, chia sẻ tâm tình, gắn kết tình thân như Vui cùng con cháu, Gia đình thông thái, Góc bếp thông minh, Bếp chiến, Căn bếp vui nhộn, Đấu trường ẩm thực, Khẩu vị ngôi sao, Khi chàng vào bếp, Thực khách vui vẻ... không đơn thuần chỉ là giải trí mà còn giới thiệu về món ăn Việt và châu Á được yêu thích. Trò chơi truyền hình có chủ đề se duyên tiếp tục “nở rộ”, với khá nhiều cái tên như Bạn muốn hẹn hò, Chọn ai đây, Vô lăng tình yêu, Người ấy là ai, Mảnh ghép hoàn hảo, Tâm đầu ý hợp, Ghép đôi thần tốc, Hãy yêu nhau đi, Ông mai hẹn hò... ít nhiều được khán giả trẻ đón nhận.

Mang tính hoài niệm, gợi nhớ nhiều ký ức đẹp và tôn vinh những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng các chương trình như Ký ức vui vẻ, Quán thanh xuân, Dấu ấn huyền thoại vừa thu hút sự chú ý của khán giả vừa được người trong giới đánh giá cao. Đặc biệt, đề cao tính nhân văn và chia sẻ đam mê, năng lượng sống lạc quan: Vũ điệu vàng, Và tôi vẫn hát, Hát mãi ước mơ tuy không được truyền thông rầm rộ nhưng vẫn “hữu xạ tự nhiên hương” trong lòng khán giả.

Có thể nói, vừa giải trí vừa cung cấp một lượng thông tin, kiến thức hay truyền tải nguồn năng lượng tích cực, nhân văn là điều mà khán giả mong đợi ở những trò chơi truyền hình hiện nay. Thế nên, bên cạnh sức hấp dẫn của các trò chơi lần đầu ra mắt thì nhiều trò chơi cũ tuy đã trải qua vài mùa phát sóng, nhưng ở mùa mới của năm 2021 này vẫn “hot”.

Thích ứng trong tình hình mới 

Vài năm gần đây, xu hướng giải trí trực tuyến (YouTube, Facebook, truyền hình trực tuyến) phát triển, cộng với sự “nở nồi” quá mức khiến trò chơi truyền hình lâm vào cảnh rating (số lượng) khán giả thấp, tài trợ và quảng cáo giảm sút. Vì vậy, số lượng trò chơi truyền hình dạng reality (truyền hình thực tế) có quy mô lớn và sự đầu tư “khủng” như Giọng hát Việt, Siêu mẫu Việt Nam cũng ít dần so với thời hoàng kim. Hai năm nay, dịch Covid-19 gây nên nhiều hệ lụy cho nền kinh tế cũng như các ngành nghệ thuật, giải trí, thì trò chơi truyền hình quy mô lớn chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Những gameshow hay quiz-show theo tiêu chí “chơi vui là chính” với màn giao lưu, tương tác, pha trò của người chơi là nghệ sĩ xuất hiện áp đảo trên sóng truyền hình, bởi giúp khán giả tìm được những khoảnh khắc thư giãn trong các đợt giãn cách xã hội.

Trong đợt dịch thứ tư ở TP.HCM và nhiều tỉnh, thành kéo dài từ đầu tháng 5/2021, nhiều trò chơi truyền hình đã thay đổi từ sân khấu lớn sang studio nhỏ gọn hay quay hình online, kết nối và tương tác qua màn hình bằng phần mềm đặc thù. Chẳng hạn như Solo cùng Bolero, Khoảnh khắc cuộc đời, Én vàng giao lưu, ca hát trực tuyến; Nhanh như chớp kết nối video call và MC, nghệ sĩ tham gia tự ghi hình; The Heroes - Thần tượng đối thần tượng 2021 là trò chơi truyền hình đầu tiên áp dụng công nghệ thực tế ảo AR vào khâu sản xuất; Thực khách vui vẻ, Cả nhà thương nhau, Ông mai hẹn hò, Ghép đôi thần tốc, Mẹ chồng nàng dâu, Bí kíp vàng, Ca sĩ bí ẩn, Lạ lắm à nha có những tập đặc biệt với hình ảnh nghệ sĩ tự ghi hình tại nhà.

Từ đầu tháng 10, ngay sau khi TP.HCM và Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, thị trường trò chơi truyền hình đã trở nên nhộn nhịp. Tiếp nối Running man Việt Nam, Thần tượng đối thần tượng, Rap Việt là loạt chương trình truyền hình thực tế mới được đầu tư với quy mô lớn trình làng, như Rock Việt - sân chơi chuyên nghiệp dành cho những ban nhạc thể hiện tài năng và tình yêu dành cho nhạc rock; The color show (Sắc màu thời gian) từ những phiên bản âm nhạc truyền thống, thí sinh sẽ cải biên, sáng tạo, biến chúng thành sản phẩm có nét riêng và sẵn sàng đối diện với những tượng đài và cả định kiến âm nhạc; The champion 2021(Nhà vô địch) là chương trình về thể thao và giải trí, quy tụ hơn 50 nghệ sĩ của Vbiz; Làng vui cho khán giả thấy diện mạo mới của người nông dân 4.0 ngày nay, họ không chỉ biết làm nông nghiệp mà giỏi công nghệ, đọc rap, làm thơ và cả... thả thính; Thách sao nấu được - một chương trình về ẩm thực hài hước, vui nhộn và ngập tràn tiếng cười với sự tham gia và trổ tài làm bếp của nhiều nghệ sĩ tên tuổi. Và cùng với Hát mãi ước mơ giàu chất nhân văn là Hát cho ngày mai, không chỉ khuyến khích niềm đam mê ca hát của thí sinh (có cả bác sĩ, tình nguyện viên chống dịch) mà còn hỗ trợ cho những người không gặp may trong đại dịch, lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Dịch bệnh Covid-19 còn đang diễn biến khá phức tạp, trò chơi truyền hình vì vậy vẫn tiếp tục là một loại hình giải trí tại gia giúp khán giả thư giãn tinh thần, tăng thêm sức đề kháng phòng, chống dịch. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trò chơi truyền hình: Giải trí tại gia vẫn được ưa chuộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO