Dòng tiền đổ mạnh vào các quỹ đầu cơ vàng và những bất ổn trong năm qua đã hỗ trợ đáng kể cho thị trường kim loại quý này. Vậy năm 2017 sẽ có những yếu tố nào hỗ trợ thị trường vàng?
Đọc E-paper
Mặc dù đã bị bán ròng mạnh trong quý IV, nhất là từ thời điểm Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, nhưng năm 2016, giá vàng thế giới đã tăng 90 USD/oz, tương đương mức tăng 8,5%. Nếu tính theo các đồng tiền khác thì giá vàng còn tăng cao hơn.
Nhu cầu tăng cao
Thị trường vàng đã tăng khá mạnh từ cuối năm ngoái cho đến những ngày đầu năm nay. Trên thị trường quốc tế, giá vàng đến ngày 16/1/2017 giao dịch quanh 1.200 USD/oz, tăng 72 USD/oz, tương đương mức tăng 6,4% so với mức ngày 23/12/2016. Sự suy yếu trở lại của đồng USD trong thời gian gần đây đã góp phần hỗ trợ cho đà tăng giá của vàng.
Nhu cầu vàng vật chất tăng cao từ các quốc gia châu Á có truyền thống mua vàng để tặng nhau trong các dịp lễ, Tết như Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam, trong khi các nước phương Tây lại có truyền thống mua vàng tặng nhau nhân dịp lễ Giáng sinh, do đó cũng hỗ trợ tích cực cho thị trường kim loại quý này.
Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư vàng của các quỹ đầu tư đã tăng mạnh gần đây khi giá vàng liên tục về mức thấp. Một báo cáo gần đây của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết trong năm 2016, các quỹ ETF đầu tư vàng đã tăng lượng nắm giữ vàng vật chất thêm 536 tấn, tương đương 21,7 tỷ USD, mức cao nhất từ năm 2009 đến nay.
Theo diễn biến của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng tăng tích cực trong những ngày đầu năm nay. Giá vàng SJC hiện bán ra quanh 36,7 triệu/lượng, tăng 700 nghìn/lượng, tương đương 1,9% so với thời điểm 31/12. Hiện chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới quy đổi vẫn duy trì ở mức cao, 3,9 triệu/lượng.
Giá vàng trong nước từ trước đến nay thường tăng khá tốt trong những ngày đầu năm, do đây là giai đoạn cao điểm mùa cưới cũng như để đón đầu nhu cầu tăng đột biến trong ngày Thần tài.
6 xu hướng tác động đến giá vàng 2017
Theo WGC, tác động đầu tiên là căng thẳng địa - chính trị có thể tăng, nhất là những chính sách không chắc chắn từ tân Tổng thống Mỹ dẫn đến rủi ro khủng hoảng tăng. Khi đó, nhu cầu trú ẩn vào vàng có thể tăng mạnh và các dòng tiền từ các thị trường rủi ro như chứng khoán sẽ chuyển dịch vào vàng.
Thứ hai là sự giảm giá tiền tệ tiếp tục diễn ra. Trong khi FED có khả năng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ thì ngân hàng trung ương nhiều nước có thể theo đuổi chính sách nới lỏng, nhất là các nước châu Âu và Nhật Bản.
Theo WGC thì từ khi Ngân hàng Trung ương châu Âu thông báo chương trình nới lỏng định lượng vào tháng 1/2015, bảng cân đối đã tăng xấp xỉ thêm 1,5 nghìn tỷ EUR, tương đương mức tăng đến 70% và đẩy tổng tài sản trên bảng cân đối lên hơn 3,6 nghìn tỷ EUR. Với việc các ngân hàng trung ương khác tiếp tục nới lỏng tiền tệ sẽ dẫn đến suy giảm giá trị đồng tiền và thúc đẩy các nhà đầu tư nhảy vào vàng để bảo đảm giá trị tài sản.
Tại nhiều nước châu Á, việc nắm giữ vàng vẫn được cho là thể hiện sự giàu có, do đó khi thu nhập của người dân tại khu vực này tăng lên sẽ dẫn đến tăng nhu cầu nắm giữ vàng. |
Thứ ba là kỳ vọng lạm phát tăng cao. Với chính sách tiền tệ nới lỏng suốt thời gian qua tại các nền kinh tế thì dòng tiền rẻ có thể đẩy nguy cơ lạm phát quay trở lại. Và một khi lạm phát tăng cao thì nhu cầu đầu tư vào vàng sẽ tăng mạnh, nhất là khi lạm phát cũng làm cho trái phiếu chính phủ và các tài sản có thu nhập cố định trở nên kém hấp dẫn hơn.
Thứ tư là định giá trong các thị trường chứng khoán đã quá cao. Cụ thể, các chỉ số chứng khoán Mỹ liên tục lập kỷ lục trong thời gian qua. Với giá nhiều loại cổ phiếu đã ở mức đỉnh, tiềm năng sinh lời kém hấp dẫn và đặc biệt là khả năng FED tăng lãi suất nhanh sẽ khiến dòng vốn khi đó có thể rót vào thị trường vàng.
Thứ năm là sự tăng trưởng trong dài hạn của châu Á có thể làm tăng nhu cầu vàng. Cụ thể, nhu cầu vàng tại Ấn Độ và Trung Quốc trong thập niên 1990 chỉ tăng 25%, thì đến năm 2016 đã tăng thêm 50%. Dân Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc cũng ưa thích vàng, vì vậy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn của các quốc gia châu Á là có lợi rất lớn đến thị trường kim loại quý này.
Và cuối cùng là sự mở cửa của các thị trường mới cũng giúp nhu cầu vàng tăng lên. Trong khi các quỹ ETFs đầu tư vào vàng ngày càng thu hút thêm hàng triệu nhà đầu tư mới trong thập kỷ qua tại các nước phương tây thì các thị trường khác cũng tiếp tục mở rộng.
Trong khi đó, Tổ chức Kế toán và Kiểm toán của các định chế tài chính Hồi giáo cùng với sự hỗ trợ của WGC trong tháng 12/2016 đã công bố tiêu chuẩn Shariah (tiêu chuẩn tôn giáo) về vàng, nhằm hướng dẫn cách sử dụng những sản phẩm tài chính liên quan đến vàng trong đời sống hiện đại. Trước đây theo luật thì người Hồi giáo chỉ giao dịch vàng vật chất, tuy nhiên giờ đây với tiêu chuẩn Shariah, họ có thể đầu tư vào vàng như một sản phẩm tài chính mà vẫn phù hợp với đức tin.
>Vì sao nhà nước phải quản lý chặt thị trường vàng?
>Nên bỏ tiền vào vàng hay bất động sản?