Có thể kể như trà hoa sim, trà hoa cúc, trà hoa lài, trà tim sen... Có một loại trà của một loài hoa mà chỉ dịp Tết Kỷ Hợi vừa qua lần đầu tôi được thưởng thức khi đến thăm thầy giáo cũ: trà hoa mai. Nước trà hoa mai vàng nhạt, mùi thơm thảo mộc nhẹ nhàng lâng lâng, vị hơi đắng một chút nơi đầu lưỡi nhưng ngọt lâu sau khi chiêu một ngụm dài.
Thầy Nguyễn Xuân Kỳ là hiệu trưởng Trường trung học Ngô Quyền (Biên Hòa, Đồng Nai) những năm sau ngày thống nhất đất nước. Thầy hiền lành, nhân hậu, nên mãi sau những ngày thầy nghỉ hưu, học trò vẫn thường hay lui tới thăm viếng.
Nhà thầy ở là ngôi nhà thờ tự rất xưa, chung quanh khoảng sân rộng với những gốc mai già có khi đến hàng trăm tuổi. Các kiểu mai nhà thầy, cắt làm bonsai không chê vào đâu được. Nhưng thầy chưa bao giờ đưa mai nhà thầy ra các điểm bán hoa kiểng. Nề nếp các nhà Biên Hòa xưa thường vẫn thế, gia sản thiên nhiên mấy đời ông bà để lại chỉ dành cho con cháu và khách đến chơi nhà ngắm nghía, tiêu dao.
Đến thăm khách được mời tách trà nóng thơm phức, thầy khoe, đó là món trà hoa mai do chính tay thầy chế biến. Thầy cho biết, cách nay nhiều năm, tình cờ thầy đọc một tài liệu nói về các loại trà dược thảo, trong đó có trà hoa mai. Theo dược học cổ truyền, hoa mai vị ngọt hơi đắng, tính ấm, không độc; có công dụng giải thử sinh tân, khai vị tán uất, hóa đàm; thường được dùng để chữa các chứng bệnh như sốt cao, tức ngực, ho, hầu họng sưng đau, bỏng, lao hạch, chán ăn, chóng mặt...
Học được bài thuốc, sẵn hoa rụng vàng rực sân vườn nhà mỗi mùa Tết đến, thầy bắt tay làm ngay món trà hoa mai. Thầy quét nhẹ sân nhà, gom hết hoa mai rụng, sàng sảy cho hết cát bụi, rửa hoa thật sạch, đem phơi vừa "dốt", xong "sao" lên (rang nhẹ xác hoa trên chảo nóng cho hoa khô lại và dậy mùi thơm). Chỉ đơn giản vậy thôi, rồi cho trà hoa mai vào nước sôi hãm lại chừng năm phút là uống được.
Nghề chơi cũng lắm công phu, nên nói đơn giản vậy mà không phải vậy, những ấm trà đầu tiên thầy uống, thấy không thơm, chỉ có vị đắng ngòn ngọt. Mà nhìn tách trà cũng không đẹp, hoa mai chín rục không xòe nổi cánh. Thế là thầy lại mày mò thử pha trà hoa mai với nhiều cấp độ nóng khác nhau của nước sôi; và cả bình đựng trà, tách uống trà được làm bằng chất liệu gì thì trà hoa mai mới tỏa mùi thơm.
Cho đến bây giờ, khi có được tách trà ngon trong tay, thầy đã rút ra được kinh nghiệm: trà hoa mai chỉ nên được pha với nước sôi 80 độ và phải hãm trà trong bình bằng sứ hoặc thuỷ tinh, tuyệt đối không được hãm trà trong bình nhôm như các quán cà phê bình dân hay làm.
Với độ nóng đúng mực của nước sôi, hoa mai sao khô sẽ bung cánh nhẹ nhàng, những cánh mai vàng xoay xoay trong làn nước vừa nóng sẽ khiến người thưởng lãm thấy món trà ý vị hơn. Với chất liệu bình bằng sứ hoặc thuỷ tinh, nước trà hoa mai sẽ dậy mùi thơm đúng chất. Thầy hiệu trưởng của tôi lúc nào cũng là một nghệ sĩ như ngày xưa khi thầy điều hành, quản lý nhà trường một cách nhẹ nhàng điệu nghệ. Nay ngay đến món trà thầy chế biến cũng phải đạt đạo vừa đẹp lại vừa thơm.