TP.HCM triển khai chương trình "Cấp cứu trầm cảm"

C.M.T| 23/07/2022 06:00

Khi phát hiện một người có các biểu hiện và dấu hiệu của chứng trầm cảm nặng, người dân có thể gọi ngay đến số 115, số trực cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115 hoặc số 19001267 của Bệnh viện Tâm thần TP.HCM.

Theo “Báo cáo sức khỏe tâm thần thế giới” về vấn đề sức khỏe tâm thần của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong hai thập kỷ qua, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thế giới có gần 1 tỷ người bị rối loạn tinh thần, con số này đã tăng lên 1/4 sau năm đầu tiên của đại dịch (năm 2020). Cũng theo Báo cáo, ở các nước có thu nhập cao, 70% số người gặp vấn đề về tâm thần được tiếp cận các biện pháp điều trị. Trong khi đó, ở các nước có thu nhập thấp, chỉ 12% số người bị rối loạn tâm thần được điều trị.

069ea7fa83df418118ce.jpg

Số liệu từ “Báo cáo sức khỏe tâm thần thế giới” của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã rà soát vấn đề sức khỏe tâm thần quy mô lớn nhất trong hai thập kỷ qua. Infographic: Vietnam Plus

Nhằm kịp thời tiếp cận để chăm sóc và điều trị chuyên khoa những trường hợp có biểu hiện trầm cảm thể nặng, Sở Y tế TP.HCM đã triển khai chương trình “Cấp cứu trầm cảm". Đây được xem là hoạt động khởi đầu trong chuỗi hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân thành phố liên quan đến Covid-19. 

Theo đó, khi phát hiện một người có các biểu hiện và dấu hiệu của chứng trầm cảm nặng, người dân có thể gọi ngay đến số 115, số trực cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115 hoặc số 19001267 của Bệnh viện Tâm thần TP.HCM.

Sau khi tiếp nhận cuộc gọi, nhân viên y tế trực tổng đài sẽ hỏi một số câu hỏi sàng lọc và sẽ báo tin khẩn cấp đến Đội cấp cứu 115. Nhận được tin, Đội cấp cứu ngoại viện 115 sẽ tiếp cận hiện trường, thuyết phục và đưa người bệnh đến Bệnh viện Tâm thần để được chăm sóc và điều trị.

Khi tình trạng rối loạn tâm thần thuyên giảm, người bệnh sẽ được chuyển về địa phương chăm sóc ngoại trú thông qua mạng lưới chăm sóc rối loạn tâm thần dựa vào cộng đồng. Song song đó, Sở Y tế TP.HCM cũng xây dựng mạng lưới chăm sóc, quản lý từ bệnh viện chuyên khoa đầu ngành đến trạm y tế phường, xã, thị trấn.

Cụ thể, các bệnh viện chuyên tiếp nhận và điều trị cho người bệnh có triệu chứng tâm thần gồm Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, 4 bệnh viện đa khoa, 3 bệnh viện chuyên khoa Nhi với khoảng 90 bác sĩ có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa tâm thần. Các phòng khám tâm thần thuộc các trung tâm y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức tiếp nhận, chăm sóc, quản lý người bệnh tâm thần đã điều trị ổn định từ các bệnh viện có chuyên khoa tâm thần. Các trạm y tế phường, xã, thị trấn tham gia chăm sóc người bệnh tâm thần ổn định và vãng gia cấp phát thuốc cho một số trường hợp đặc biệt.

Theo PGS-TS- BS. Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, với nền tảng sẵn có của mạng lưới các cơ sở y tế chăm sóc người bệnh tâm thần của thành phố, việc triển khai hoạt động “Cấp cứu trầm cảm” và hỗ trợ chăm sóc, điều trị sức khỏe tâm thần cũng như các di chứng hậu Covid-19 cho người dân là hoàn toàn khả thi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM triển khai chương trình "Cấp cứu trầm cảm"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO