UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành cao su - nhựa TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Theo đó, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành cao su - nhựa TP.HCM được duy trì ở mức 8-9%/năm. Tỷ trọng giá trị gia tăng ngành cao su - nhựa (không tính phân ngành sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu) trong toàn ngành công nghiệp đạt khoảng 6-7%. Tỷ trọng giá trị công nghiệp công nghệ cao trong ngành đạt tối thiểu 27%. Tốc độ tăng năng suất lao động của ngành đạt bình quân 7-7,5%/năm.
Số doanh nghiệp có thể trở thành nhà cung ứng cấp 1 trong chuỗi cung ứng cho các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đạt từ 3 doanh nghiệp trở lên. Số doanh nghiệp có thể làm nhà cung ứng cấp 2 trong cuỗi cung ứng cho các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đạt từ 10 trở lên. Ngành cao su - nhựa hoàn thiện hệ thống phân loại và tái chế rác thải cao su, nhựa theo hướng tái chế, tái sử dụng được 50% các loại rác thải cao su, nhựa trên địa bàn Thành phố.
Đến năm 2050, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành được duy trì ở mức 9-10%/năm. Tỷ trọng giá trị gia tăng ngành cao su - nhựa (không tính phân ngành sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu) trong toàn ngành công nghiệp đạt khoảng 7-8%. Tỷ trọng giá trị công nghiệp công nghệ cao trong ngành đạt tối thiểu 60-70%. Tốc độ tăng năng suất lao động của ngành đạt bình quân 8-9%/năm.
Số doanh nghiệp có thể trở thành nhà cung ứng cấp 1 trong chuỗi cung ứng cho các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đạt từ 8 doanh nghiệp trở lên. Số doanh nghiệp có thể làm nhà cung ứng cấp 2 trong cuỗi cung ứng cho các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đạt từ 20 trở lên. Ngành cao su - nhựa hoàn thiện hệ thống phân loại và tái chế rác thải cao su, nhựa theo hướng tái chế, tái sử dụng được trên 80% các loại rác thải cao su nhựa trên địa bàn Thành phố.
Về các loại sản phẩm định hướng ưu tiên phát triển của ngành cao su - nhựa bao gồm: Vật tư y tế; các loại cao su - nhựa tái chế đáp ứng xu thế kinh tế tuần hoàn và giảm thiểu rác thải nhựa; bao bì đa lớp, bao bì mềm, màng mỏng được sử dụng cho khâu đóng gói cho các ngành công nghiệp khác, bao bì có khả năng tái chế. Nhựa phân hủy sinh học và nhựa có nguồn gốc sinh học; các loại nguyên liệu cao su - nhựa dạng hạt compound; các loại cao su - nhựa kỹ thuật phục vụ ngành điện - điện tử, cơ khí - phương tiện giao thông và các ngành khác; nhựa giao thông, xây dựng.
Ngoài ra, còn có các loại mực in, sơn; các loại phụ gia, phụ liệu cho ngành cao su - nhựa; các loại sản phẩm cung cấp cho ngành da giày, may mặc theo tiêu chí phát triển bền vững. Các sản phẩm từ vật liệu composite; các loại nệm mút từ nguyên liệu cao su; cao su tự nhiên sản xuất theo tiêu chuẩn xanh, bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cao su - nhựa, đặc biệt là khuôn mẫu.
Ngành cao su - nhựa là một trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm của TP.HCM (cùng với cơ khí - tự động hóa, chế biến lương thực thực phẩm, điện tử - công nghệ thông tin). Đến năm 2022, so toàn ngành công nghiệp, ngành cao su - nhựa có giá trị gia tăng chiếm 7,78%, số lượng doanh nghiệp chiếm 7,25%, lao động chiếm 6,45%, tài sản cố định chiếm 5,3%, doanh thu chiếm 6,09%. Đồng thời, ngành cao su - nhựa trên địa bàn TP.HCM có quy mô lớn nhất so với các địa phương trong cả nước.
Tuy nhiên, trong năm 2023, ngành cao su - nhựa đã trải qua một năm đầy khó khăn. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,7% so với năm 2022. Nguyên liệu nhựa nhập khẩu năm 2023 đạt 6,8 triệu tấn, giảm 4,2% so với 2022.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp ngành cao su - nhựa tại TP.HCM còn gặp nhiều khó khăn do thiếu tự chủ về nguyên vật liệu, về công nghệ và thiết bị; đa số là gia công sản xuất; mức độ tự động hóa chưa cao (còn sử dụng nhân công nhiều); thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; nguy cơ mất lợi thế cạnh tranh nguyên liệu cao su thiên nhiên; ít doanh nghiệp có khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, xu hướng di dời các doanh nghiệp về các tỉnh, mức độ liên kết trong và ngoài ngành chưa cao...
Do đó, TP.HCM đang nghiên cứu phát triển ngành công nghiệp cao su - nhựa trở thành ngành công nghiệp ứng dụng các công nghệ cao, hiện đại, có trình độ tự động hoá sản xuất cao trong tương lai.