TP.HCM: Nhiều nhân tố mới để tăng tốc phát triển
Đầu năm 2024, TP.HCM vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Các đại án xẩy ra trên địa bàn đã làm thất thoát hàng trăm ngàn tỷ đồng, gián tiếp giáng vào nền kinh tế Thành phố một đòn nặng nề. Cùng với đó, đơn hàng giảm, hàng hóa tồn kho tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm (kim ngạch xuất khẩu giảm 1,2%, nhập khẩu giảm 13%), thu ngân sách chưa đạt dự toán (chỉ đạt 93,53%) thu hút vốn FDI giảm 23,8%.
Động lực trong năm 2024
Đối mặt với những khó khăn từ năm 2023 để lại, nhưng trước mắt đang có những nhân tố mới, cả chủ quan lẫn khách quan để tạo động lực cho kinh tế TP.HCM. Theo TS. Đỗ Phú Trần Tình - Viện trưởng Viện Phát triển chính sách Đại học Quốc gia TP.HCM, có bốn nhân tố sau:
Thứ nhất là sự phục hồi của kinh tế thế giới, đặc biệt là những tháng cuối năm 2023, cho thấy dấu hiệu khả quan ở những thị trường lớn như Mỹ, các nước EU, Nhật Bản…
Thứ hai là sự phục hồi và gia tăng của tổng cầu nội địa từ khu vực tư nhân. Các chỉ số kinh tế vĩ mô của nước và TP.HCM trong quý IV/2023 cho thấy tín hiệu phục hồi của sức cầu nội địa; đến quý I/2024, cầu nội địa tăng mạnh do chi tiêu liên quan đến Tết Nguyên đán gia tăng.
Thứ ba là sự gia tăng của chi tiêu công, đặc biệt là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM. Đây là tín hiệu lạc quan cho kỳ vọng năm 2024 khi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công sẽ cao hơn năm 2023.
Thứ tư là sự phục hồi của khu vực doanh nghiệp. Trong năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp của TP.HCM (IIP) tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù mức tăng này thấp hơn so với năm 2022 nhưng xét theo từng tháng thì có xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước.
Xin nói thêm, về vốn đầu tư công. Cùng với các nguồn lực trên địa bàn, năm 2024, TP.HCM có thêm nhiều nguồn lực từ ngân sách Trung ương. Đặc biệt là vốn đầu tư cho đường Vành đai 3 với tổng mức đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng, là công trình có mức đầu tư lớn nhất trong các công trình giao thông phía Nam từ trước đến nay.
Liên quan đến việc phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, lãnh đạo TP.HCM khẳng định sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện chương trình chống ngập do triều cường gây nên trong năm 2024. Về giao thông, TP.HCM sẽ trình Bộ Chính trị cho chủ trương phát triển hệ thống Metro để hoàn thành 220km vào năm 2035.
TP.HCM đang trình phương án đầu tư khép kín đường Vành đai 2 phía đông và tập trung triển khai các công trình trọng điểm khác như làm thủ tục xây dựng đường Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trong năm 2024 sẽ khởi công một số công trình như cải tạo rạch Xuyên Tâm, cải tạo xây dựng bờ bắc kênh Đôi, nâng cấp cầu đường Nguyễn Khoái, đường Hoàng Hoa Thám, đường Nguyễn Thị Định, tỉnh lộ 8, nâng tĩnh không cầu Bình Triệu.
Về nhóm giải pháp phát triển kinh tế, TP.HCM sẽ hoàn thiện đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế để trình Bộ Chính trị trong quý I/2026, sau đó trình Quốc hội vào giữa năm 2027. TP.HCM cũng tập trung vào các đề án, chiến lược phát triển các ngành logistics, du lịch, đề án kinh tế số, chính sách phát triển xanh, chuyển đổi khu công nghiệp hiện hữu, xây dựng các khu công nghiệp mới như: Phạm Văn Hai, Lê Minh Xuân, khu công nghiệp dược…
Cơ sở của mục tiêu tăng trưởng 7-8%
Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 24 cơ bản thống nhất chủ đề năm 2024 là “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng vững mạnh, đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội”.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên thống nhất các chỉ tiêu và nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cho năm sau, trong đó đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP từ 7-8%.
Ông Nên cho biết, năm 2024, dẫu kinh tế Thành phố vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức khó lường, nhưng vẫn có nhiều thuận lợi khi vừa được Trung ương ban hành Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98 của Quốc hội với nhiều cơ chế đặc thù, vượt trội để xây dựng và phát triển Thành phố. Đây là một động lực quan trọng để TP.HCM vừa tăng tốc, vừa vượt chướng ngại vật để về đích.
Đường Vành đai 3 được các chuyên gia đánh giá là một trong các tuyến đường huyết mạch, có ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Dự kiến sau khi hoàn thành vào năm 2026, tuyến đường này sẽ có ảnh hưởng lớn tới giá bất động sản, giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông.
Đường Vành đai 3 được thi công theo tiêu chuẩn cao tốc đô thị, bao gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp, tốc độ tối đa của các phương tiện 100km/giờ. Với nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và địa phương, tổng vốn đầu tư xây dựng Vành đai 3 là 75.378 tỷ đồng. Đường Vành đai 3 khởi công từ tháng 6 năm 2023, dự kiến thông xe vào giữa năm 2025 và chính thức hoàn thành vào 2026.
Việc giải ngân vốn đầu tư công cho nhiều công trình lớn trên địa bàn TP.HCM sẽ tạo thêm cơ hội việc làm cho doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà thầu. Việc hoàn thiện hạ tầng kết nối với các tỉnh lân cận như Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho Thành phố và cả vùng động lực kinh tế phía Nam.
Năm Rồng, TP.HCM đang tràn đầy sinh lực để tăng tốc và tạo động lực cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hóa rồng.