TP.HCM muốn vay thêm hơn 2.000 tỉ đồng cho dự án môi trường nước

Băng Tâm| 10/11/2020 01:03

Đây là một trong sáu tờ trình được thảo luận tại kỳ họp thứ 22  HĐND TP.HCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 khai mạc sáng nay, 10/11.

TP.HCM muốn vay thêm hơn 2.000 tỉ đồng cho dự án môi trường nước

Để giảm tình trạng ngập nước, TP.HCM cần vay thêm hàng ngàn tỷ đồng.

Cụ thể, UBND TP kiến nghị HĐND TP cho phép huy động vốn để đầu tư Dự án cải thiện môi trường nước, gồm lưu vực Tàu Hũ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ giai đoạn 2 theo phương án vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, khoảng 10.813 triệu yen, tương đương 2.378,860 tỉ đồng. Thời gian vay là 30 năm. UBND TP sẽ bố trí ngân sách TP hoặc các nguồn vốn hợp pháp để trả nợ đầy đủ, đúng hạn.

Dự án môi trường nước được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư năm 2005 và phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi năm 2000, UBND TP phê duyệt đầu tư vào năm 2006, phê duyệt điều chỉnh năm 2008. Mục tiêu của dự án là tiếp tục hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa nhằm chống ngập úng và giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường cho các khu vực trũng của TP và vùng lân cận thuộc lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ; đồng thời cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường thông qua việc xây dựng và phát triển hệ thống thu gom, xử lý nước thải.

Dự án gồm 6 gói thầu xây lắp chính với tổng mức đầu tư được duyệt là hơn 11.281 tỉ đồng, trong đó vốn ODA là gần 9.831 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng hơn 1.450 tỉ đồng.

Tính đến 31/12/2020, mức dư nợ ngân sách của TP.HCM khoảng 26.011 tỉ đồng, gồm dư nợ vay trong nước và dư nợ vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ. Theo tính toán, dư nợ vay tối đa cho phép của TP.HCM trong năm 2020 vào khoảng 67.939 tỉ đồng, tương đương 90% thu ngân sách được hưởng theo Nghị quyết 54 của Quốc hội.

Mỗi người dân gánh nợ hơn 40 triệu đồng

Liên quan tới vấn đề nợ công của Việt Nam, ngày 2/11 khi thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội, ngân sách năm 2020, kế hoạch năm 2021 (Kỳ họp thứ X, Quốc hội khóa XIV), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội Bùi Đặng Dũng cho biết, với dự toán nợ công năm 2021 lên đến 4 triệu tỉ đồng, thì từ trẻ sơ sinh cho tới người già sẽ phải gánh hơn 40 triệu đồng nợ công. Ông Dũng kể lại vào thời điểm đầu nhiệm kỳ, có cử tri chất vấn ông rằng, tại sao họ không làm gì mà con họ phải gánh 30 triệu đồng nợ công? “Tới cuối nhiệm kỳ thì từ 30 triệu mỗi người nay đã tăng lên 40 triệu đồng”, ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, năm 2020, số tiền trả nợ trực tiếp của Việt Nam là hơn 318.000 tỉ đồng, chiếm hơn 27% thu ngân sách. Theo dự toán, năm 2021, số dùng trả nợ trực tiếp là hơn 368.000 tỉ đồng, chiếm 27,4% thu ngân sách.

“Chúng ta hình dung thu 100 đồng mà phải trả nợ 27 đồng thì an ninh, an toàn tài chính quốc gia là rất khó khăn”, ông Dũng lo ngại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM muốn vay thêm hơn 2.000 tỉ đồng cho dự án môi trường nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO