Đại diện Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam, lãnh đạo UBND TP.HCM và một số cơ quan báo chí thực hiện nghi thức khai mạc Tuần lễ sách của người làm báo - Ảnh: Mỹ Anh |
Tuần lễ sách của người làm báo diễn ra từ 17/6-22/6/2023 tại khu vực Đường sách TP.HCM (đường Nguyễn Văn Bình, quận 1).
Lần đầu tiên tại Đường sách TP.HCM nói riêng và TP.HCM nói chung có hoạt động tôn vinh người làm báo gắn liền với công cuộc phát triển văn hóa đọc, giới thiệu các tác phẩm sáng tác bởi lực lượng phóng viên, bởi các cơ quan báo đài trên cả nước, không giới hạn về thời gian, nội dung, thể loại sáng tác.
Ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, nghề báo và nghề văn có những đặc thù riêng. Với người làm báo, phải có những góc nhìn, khía cạnh mới thì mới tạo ra những cuốn sách hay cho người đọc. Vì vậy, thông qua những cuốn sách của người làm báo sẽ giúp người đọc tìm ra được nhiều giá trị, có được những kiến thức, ý tưởng hay.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cũng hy vọng Tuần lễ sách của người làm báo sẽ tiếp tục được duy trì qua hằng năm để giới thiệu đến bạn đọc nhiều tác phẩm có giá trị hơn.
Ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức (hàng trên, giữa) cùng nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn - Tổng biên tập Báo Thanh Niên (hàng trên, bìa trái) và nhà báo Trần Trọng Dũng - Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (hàng trên, phải) và ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tìm hiểu một số tác phẩm được trưng bày trong khuôn khổ chương trình - Ảnh: Mỹ Anh |
Nhà báo Trần Trọng Dũng - Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức chương trình cho biết, trong năm đầu tiên tổ chức, Ban tổ chức hy vọng tạo ra những hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí; cổ vũ phong trào đọc sách trong đội ngũ những người làm báo; khuyến khích nhà báo tham gia viết sách, chuyển tải đến bạn đọc những trang sách mang đậm hơi thở cuộc sống, gắn liền với dòng chảy của thời sự xã hội. Với thế mạnh về bút lực trong thời gian công tác tại các cơ quan báo chí, các nhà báo sẽ tạo nên những tác phẩm mang đậm tính thời đại.
Bà Đinh Thị Thanh Thủy - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM cho biết Tuần lễ sách của người làm báo vừa là dịp để tôn vinh những nhà báo viết sách, và là cơ hội để các nhà xuất bản tìm được những tác giả phù hợp với mình. Bà Thủy khẳng định, sự phong phú trong đề tài của các nhà báo góp phần làm phong phú thêm cho xuất bản phẩm của TP.HCM nói riêng và ngành xuất bản nói chung.
Bạn đọc nhiều thế hệ thích thú với Tuần lễ sách của người làm báo - Ảnh: Tuấn Anh |
Tại chương trình, Ban tổ chức cũng trao kỷ niệm chương cho các nhà báo có tác phẩm sách đạt giải thưởng cao của TP.HCM, Trung ương nhằm khuyến khích các nhà báo tiếp tục đóng góp nhiều tác phẩm cho công cuộc phát triển văn hóa đọc, góp phần làm đa dạng thị trường sách Việt Nam.
Sau gần 1 tháng thông báo, Ban tổ chức đã nhận sách và đang trưng bày tại Đường sách tổng cộng 281 tựa sách (291 cuốn), trong đó có 55 tác phẩm của 7 các cơ quan báo chí, 226 tác phẩm (236 cuốn) của 105 phóng viên, 15 nhóm tác giả đã và đang công tác tại các tờ báo trên cả nước. Trong đợt hoạt động này, Ban tổ chức cũng đã phối hợp với các đơn vị xuất bản tổ chức 4 tọa đàm giao lưu với 11 nhà báo, trong đó có nhiều tác phẩm đạt giải thưởng cao của TP.HCM, trung ương, nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi. Đây là dịp để các cơ quan báo chí giới thiệu những cuốn sách tập hợp từ những bài viết đã đăng trên báo giấy, báo điện tử, các tác phẩm sáng tác từ các cuộc thi của báo mình và sẽ tiếp tục tích cực giới thiệu đến độc giả trong thời gian tới thông qua các chương trình giao lưu, giới thiệu sách của một cơ quan báo chí… Các tác phẩm không chỉ mang giá trị về nội dung mà còn có giá trị lưu trữ theo thời gian. Với mong muốn truyền cảm hứng sáng tác, kinh nghiệm cũng như gieo niềm say mê, sự tử tế làm nghề cho những nhà báo trong tương lai; sau khi kết thúc tuần lễ, Ban tổ chức sẽ trao tặng số sách trưng bày đến Bảo tàng báo chí Việt Nam (Hà Nội) và Khoa báo chí, Đại học KHXH&NV TP.HCM để phục vụ nhu cầu tìm đọc và nghiên cứu của độc giả, giảng viên, sinh viên. |