TP.HCM kêu gọi đầu tư hơn 12 tỷ USD vào Củ Chi và Hóc Môn

S. Viên| 30/05/2022 06:00

TP.HCM kêu gọi đầu tư 55 dự án vào huyện Củ Chi, Hóc Môn với tổng số vốn khoảng 12,4 tỷ USD, tương đương hơn 285.500 tỷ đồng, chủ yếu là lĩnh vực giao thông.

Theo Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) Nguyễn Thanh Nhã, quy hoạch chung TP.HCM hiện hành đã xác định mô hình phát triển thành phố là mô hình tập trung - đa cực; phát triển theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực nội thành cũ và các trung tâm cấp thành phố tại 4 hướng phát triển: hướng Đông, hướng Nam, hướng Tây - Bắc và hướng Tây - Tây Nam.

Hiện nay, quy hoạch chung TP.HCM đang được nghiên cứu điều chỉnh tổng thể. Trong đó, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi là hai huyện ngoại thành có tổng diện tích khoảng 544ha, chiếm gần trọn phần phía Bắc - Tây Bắc của TP.HCM. Hai huyện cũng là cửa ngõ kết nối TP.HCM với các đô thị Đức Hòa (Long An), Trảng Bàng (Tây Ninh), Thủ Dầu Một (Bình Dương), là vùng kết nối, chuyển tiếp giữa miền Tây và Đông Nam Bộ.

Xét từ góc độ quy hoạch, Giám đốc Sở QH-KT đánh giá, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi có những đặc điểm thuận lợi quan trọng. Hai huyện có một khu vực rộng lớn dọc theo hành lang sông Sài Gòn, thuận lợi phát triển các khu du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử và các cụm dân cư mật độ thấp theo hướng nghỉ dưỡng... Một khu vực phát triển trọng điểm của vùng này là khu đô thị Tây Bắc với diện tích ban đầu dự kiến khoảng 6.000ha, được định hướng là một cực tăng trưởng quan trọng phía Bắc TP.HCM.

cu-chi-hoc-mon-3985-1653623942.jpg

Theo định hướng điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 là phát triển khu đô thị Tây Bắc, hình thành khu đô thị hiện đại với các thuộc tính đặc trưng của đô thị thông minh; hình thành một đô thị đa chức năng có môi trường sống chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Ngoài ra, điều chỉnh quy hoạch chung cũng đặt ra các nguyên tắc, định hướng: cần dành diện tích đất thỏa đáng cho nông nghiệp và du lịch sinh thái, phát triển Củ Chi thành vành đai xanh của TP.HCM; giữ hành lang ven sông, đặc biệt là hành lang ven sông Sài Gòn. 

Đồng thời, xây dựng Củ Chi và Hóc Môn là nơi có không gian văn hóa đặc trưng, nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, tiến đến có những bước đô thị hóa mạnh mẽ, trở thành thành phố, quận mới thuộc TP.HCM theo lộ trình hợp lý.

Cùng với đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị; phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và sạch, thân thiện môi trường, các ngành công nghiệp chế biến cao cấp. Đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống giao thông, tuyến đường bộ (trong tuyến đường xuyên Á), tuyến cao tốc TP.HCM - Tây Ninh và các tuyến đường sông, các tuyến xe buýt kết nối các địa điểm tham quan, du lịch.

Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, thành phố đã có đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020-2030 và kế hoạch triển khai thực hiện đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020-2030.

Việc đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư từ nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước (khu vực tư nhân, tập đoàn, doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm trong và ngoài nước, các nguồn lực phù hợp khác) theo quy định pháp luật là rất cần thiết và cần được tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới.

Sở GTVT TP.HCM cũng đã rà soát, lập danh mục dự án ngành giao thông vận tải dự kiến kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 và đề xuất UBND TP.HCM các cơ chế, chính sách và kế hoạch huy động các nguồn lực để đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách thuộc lĩnh vực giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030, trong đó có các dự án trên địa bàn huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi như Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đường song hành Phan Văn Hớn, mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa và xây dựng cầu Lớn, đường trên cao số 5, cảng cạn Củ Chi...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM kêu gọi đầu tư hơn 12 tỷ USD vào Củ Chi và Hóc Môn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO