Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, qua làm việc với khối cơ quan tài chính, hải quan, thuế nhằm tìm biện pháp thực hiện các nguồn thu theo chỉ tiêu dự toán được Trung ương giao, cho thấy tình hình kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, tính đến ngày 31/7/2020, TPHCM có khoảng 23.000 doanh nghiệp thành lập mới nhưng số doanh nghiệp ngưng hoạt động hoặc giải thể là hơn 21.000. Điều đáng nói là số doanh nghiệp thành lập mới chỉ đăng ký với tổng số vốn là 3.183 tỷ đồng, trong khi số doanh nghiệp giải thể đã kéo giảm số vốn gần 4 lần số vốn đăng ký mới, tương ứng hơn 12.000 tỷ đồng, gây ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động khôi phục kinh tế thành phố.
Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, cùng với nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, các sở ngành, địa phương chuẩn bị phương án tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Trước mắt có phương án thay đổi phương thức kinh doanh gắn với tình hình mới, chuyển đổi số, hình thức trực tuyến. Ông Phong cho biết: "Trước mắt phải giảm thiểu tối đa doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, phá sản bởi vì tình trạng này sẽ dẫn đến người lao động bị mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn và yếu thế trong xã hội".
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 7 tháng đầu năm 2020 đã có gần 63.500 doanh nghiệp trên cả nước rút khỏi thị trường, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính bình quân, mỗi tháng có 9.060 doanh nghiệp đóng cửa, ngừng hoạt động. Do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, gần 33.000 doanh nghiệp trong số này đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là năm có số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh nhiều nhất kể từ năm 2015 đến nay. Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất giải thể trong giai đoạn này lần lượt khoảng 21.800 và 8.940. Các ngành kinh doanh có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là bán buôn, bán lẻ, công nghiệp chế biến, xây dựng, chủ yếu hoạt động tại khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng. Cụ thể, số lượng doanh nghiệp đóng cửa trong lĩnh vực bán buôn và bán lẻ chiếm 37,2% với 8.102 doanh nghiệp. Tiếp theo là hơn 2.500 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo và trên 2.356 doanh nghiệp thuộc ngành xây dựng trong tổng số hơn 21.800 doanh nghiệp trên cả nước tạm ngừng hoạt động chờ giải thể. Không chỉ đóng cửa, ngừng kinh doanh, số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng giảm nhiều so với những năm trước. Tính chung, 7 tháng đầu năm nay, cả nước có thêm 75.000 doanh nghiệp thành lập mới. Đây là giai đoạn 7 tháng duy nhất trong vòng 5 năm qua ghi nhận sự sụt giảm về số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường. |