TP.HCM định hướng phát triển đô thị sáng tạo phía Đông

GIA THẮNG| 31/07/2018 01:13

UBND TP.HCM vừa tổ chức Hội thảo Tầm nhìn cho đô thị sáng tạo tại TP.HCM nhằm xác định các tiêu chí của khu đô thị sáng tạo, những giải pháp thực hiện các tiêu chí, bao gồm hạ tầng giao thông hiện đại, hạ tầng thông minh, khu đô thị phục vụ đầu tư nước ngoài.

TP.HCM định hướng phát triển đô thị sáng tạo phía Đông

Ảnh minh họa

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong một thập kỷ tới, Thành phố có kế hoạch tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, tiếp tục tăng năng suất lao động, duy trì mức đóng góp 30% vào ngân sách quốc gia.

Đồng thời, TP.HCM muốn trở thành hạt nhân của cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam cũng như triển khai đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, quan tâm đến mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Thành phố.

Link bài viết

TP.HCM muốn hỗ trợ các tỉnh xung quanh như Đồng Nai và Bình Dương để tạo nên cụm động lực phát triển kinh tế khu vực phía Nam. Vì vậy, Thành phố định hướng gộp 3 quận gồm quận 2, 9 và Thủ Đức thành đô thị sáng tạo phía Đông.

Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM thông tin thêm, quận Thủ Đức tập trung nhiều viện nghiên cứu, 4 trường đại học lớn, có hơn 1.000 giáo sư, tiến sĩ, có 100.000 sinh viên. Do đó, quận Thủ Đức sẽ là nơi tập trung năng lực về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Quận 2 có khu đô thị mới Thủ Thiêm, là nơi cung cấp cơ sở hạ tầng chính cho trung tâm tài chính quốc tế. Quận 9 sẽ là quận nghiên cứu và phát triển vì có khu công nghệ cao thành công nhất ở Việt Nam.

Cùng với quận 9 và Thủ Đức, quận 2 nằm trong định hướng phát triển đô thị sáng tạo phía Đông TP.HCM - Ảnh: Hoàng Dũng

Cùng với quận 9 và Thủ Đức, quận 2 nằm trong định hướng phát triển đô thị sáng tạo phía Đông TP.HCM. Ảnh: Hoàng Dũng

Trong tham luận tại Hội thảo, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, có 3 trụ cột để phát triển thành công đề án đô thị sáng tạo là khu vực công, khu vực đại học và tư nhân. Trong khu vực công, chính quyền giữ vai trò "bà đỡ", định hướng phát triển khu đô thị sáng tạo thông qua quy hoạch phát triển đô thị, cấu trúc đô thị, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, trước hết là hạ tầng giao thông. Đồng thời thực hiện quy trình, thủ tục hành chính theo nguyên tắc một cửa, thực hiện chế độ ủy quyền đầy đủ cho cán bộ, công chức giải quyết các yêu cầu của doanh nghiệp nhanh nhất.

HoREA cũng đề xuất ý tưởng hợp nhất các quận 2, 9 và Thủ Đức trở thành một không gian đô thị thống nhất theo mô hình thành phố trong TP.HCM. Khu vực đại học gồm Đại học Quốc gia TP.HCM cùng với các trường đại học trên địa bàn Thành phố là hạt nhân tri thức sáng tạo.

Cần phải có chương trình, kế hoạch, đề tài để hợp tác, gắn kết với khu vực tư nhân, trước hết là với các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp để kết nối giữa khu vực tri thức sáng tạo với nhu cầu của khu vực sản xuất. Khu vực tư nhân là một trụ cột, là động lực của khu đô thị sáng tạo và cũng là đối tượng thụ hưởng các thành quả. Doanh nghiệp tư nhân, trong đó có doanh nghiệp bất động sản là nhà đầu tư các công trình đáp ứng tiêu chuẩn của khu đô thị sáng tạo.

Theo HoREA, phát triển bất động sản trong khu đô thị sáng tạo không chỉ là phát triển bất động sản kiểu truyền thống, mà còn phải là phát triển bất động sản xanh, xây dựng khu đô thị thông minh, khu dân cư thông minh. Khu đô thị sáng tạo sẽ là nơi ươm mầm hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới, cung cấp những tiện ích và dịch vụ mới phục vụ người dân, giải phóng năng lượng sáng tạo của con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM định hướng phát triển đô thị sáng tạo phía Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO