Đây là tín hiệu đáng mừng cho khu đô thị mới này vì hiện nay quỹ đất dành cho phát triển không còn nhiều, cần phải tính đến việc khai thác nguồn tài nguyên không gian ngầm.
Không chỉ tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhận thức được tầm quan trọng của không gian ngầm, từ năm 2012, UBND TP.HCM phê duyệt Quy hoạch Chi tiết xây dựng đô thị khu trung tâm hiện hữu Thành phố có diện tích 930ha (vùng lõi), trong đó đã quy hoạch không gian ngầm chủ yếu là ở quận 1, bao gồm không gian ngầm dưới đường Lê Lợi, giữa ga Bến Thành và ga Nhà hát Thành phố (không gian bên trên tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, đường bộ ngầm và trung tâm mua sắm ngầm).
Không gian ngầm bên dưới ga Bến Thành làm quảng trường ga và trung tâm mua sắm. Không gian bên dưới công viên 23/9 làm đường bộ ngầm, bãi đậu xe, bến xe buýt và trung tâm mua sắm. Không gian bên dưới công viên dọc bờ sông Sài Gòn (dọc đường Tôn Đức Thắng) và Công trường Mê Linh làm bãi đậu xe và trung tâm mua sắm. Các bãi xe ngầm dưới công viên Lê Văn Tám, Sân khấu Trống Đồng, Sân thể thao Hoa Lư cũng đã được quy hoạch.
Các chuyên gia đô thị đề xuất đối với vùng lõi 930ha, những dạng công trình ngầm TP.HCM có thể triển khai trước là công trình công cộng, thương mại, dịch vụ ngầm, hệ thống đường sắt đô thị, hầm vượt sông, hầm đường bộ, bãi giữ xe ngầm, hành lang đi bộ ngầm đi kèm với không gian ngầm chung dành cho các công trình kỹ thuật ngầm như hệ thống điện, thông tin liên lạc, cấp nước, thoát nước và cả những công trình phục vụ an ninh quốc phòng. Tất cả các dạng công trình ngầm này đều phải đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường và nguồn nước ngầm, đảm bảo tính hiện đại trong định hướng phát triển đô thị và công trình ngầm, đảm bảo kết nối không gian công trình ngầm với các công trình trên mặt đất, tránh việc thiếu tính kết nối, “ngầm” một bên và “nổi” một bên.
Hiện nay, tại khu vực trung tâm TP.HCM đã có nhiều nhà cao tầng xây dựng tầng hầm sử dụng cho việc để xe và cả mục đích thương mại, với tổng diện tích hơn 11ha. Tuy nhiên, việc tận dụng các không gian ngầm nói trên vẫn mang tính riêng lẻ, chưa kết nối hài hòa và trên diện tích rộng. Nhiều chuyên gia cho rằng việc quy hoạch xây dựng không gian ngầm đô thị cần được nghiên cứu cẩn thận dựa trên các phân tích khoa học, kinh tế, môi trường, xã hội để đảm bảo tính khả thi và ổn định lâu dài.
“Khai thác không gian ngầm chính là một phần quan trọng trong quy hoạch chung phát triển TP.HCM nhằm giải quyết các vấn đề ùn tắc giao thông, gia tăng diện tích cho giao thông ngầm, kết nối với các không gian tiện ích khác như đi bộ, thương mại”, ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc chia sẻ. Cũng theo lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến Trúc thì dự kiến trong năm 2019, Sở này sẽ hoàn chỉnh quy hoạch phát triển không gian ngầm thành phố với ưu tiên tập trung phát triển không gian ngầm khu trung tâm thành phố (vùng lõi 930ha) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đây là mô hình mẫu sau đó sẽ nhân rộng ra các khu vực khác của Thành phố.