Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị mở rộng các quy định về hợp tác công - tư lĩnh vực văn hóa; đồng thời bỏ hạn mức 100 tỷ đồng, hướng tới mục tiêu đẩy mạnh xã hội hóa văn hóa. Ông Vinh cũng đề nghị giao thẩm quyền cho UBND TP.HCM quyết định số tầng cao trong các trường học để phù hợp với điều kiện thực tế của một đô thị lớn.
Ủng hộ mạnh mẽ việc sớm ban hành nghị quyết, tạo điều kiện cho TP.HCM phát triển đúng tiềm năng, bứt phá tiếp tục đi lên, cùng các nội dung của báo cáo thẩm tra góp phần thực hiện mục tiêu tạo động lực mới cho TP.HCM thực hiện nhiệm vụ đầu tàu kinh tế của cả nước. Nhưng, bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng Ban công tác đại biểu băn khoăn về tổ chức bộ máy của HĐND TP.HCM và HĐND TP.Thủ Đức. Dự thảo trao thêm nhiều thẩm quyền cho HĐND TP.HCM và HĐND TP.Thủ Đức, nhưng với tổ chức bộ máy như hiện nay, theo bà, là không đủ đáp ứng yêu cầu công việc.
Cũng theo bà Thanh cần làm rõ các loại hình hợp đầu đầu tư xây dựng của thành phố; có báo cáo đánh giá tác động trong việc thành lập các đơn vị sự nghiệp mới như Sở An toàn thực phẩm, Ban Đô thị trong đó lưu ý vấn đề phân cấp, phân quyền, cơ chế vận hành…
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu |
Đánh giá cao công tác chuẩn bị của Bộ KH-ĐT và TP.HCM cùng các bộ và cơ quan có liên quan trong việc hoàn thiện dự thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đối với chính sách kế thừa từ Nghị quyết số 54/2017/QH14 cơ bản đã có đầy đủ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và cả điều kiện thực tiễn áp dụng cho TP.HCM.
Với những chính sách mới, chưa có trong Nghị quyết số 54/2017/QH14, Quốc hội đã cho phép áp dụng ở một số địa phương, cơ bản nhận được sự thống nhất cao. Bên cạnh đó, còn khoảng 6 chính sách dự kiến sẽ quy định trong các luật sửa đổi tới đây thì đề xuất cho TP.HCM áp dụng trước. Về các nội dung cụ thể trong đề án, Chủ tịch Quốc hội tán thành mở rộng áp dụng hình thức đầu tư công - tư kết hợp (PPP), không nhất thiết quy định “cứng” mức sàn 100 tỷ đồng.
Tán thành cho phép TP.HCM áp dụng hình thức đầu tư BOT trên đường hiện hữu, nhưng Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần có chính sách phù hợp để hài hòa lợi ích nhà nước - người dân - chủ đầu tư. Về hợp đồng BT, Chủ tịch Quốc hội đồng tình, đề nghị tính toán thêm về phương thức chi trả phần chênh lệch giá trị cho nhà đầu tư (bằng đất hoặc bằng tiền)...
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu |
Về mô hình Sở An toàn thực phẩm, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đảng đoàn Quốc hội sẽ báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị để tiết kiệm thời gian.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc chi thu nhập tăng thêm thực hiện như Nghị quyết 54, nhưng cần tính toán cân đối để không vượt tổng mức quy định tại Nghị quyết 27 của Trung ương. “Nghĩa là TP.HCM có thể chi tổng mức đến 1,8 lần quỹ lương”, Chủ tịch Quốc hội giải thích. Riêng về Trung tâm tài chính quốc tế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu thêm.
Phát biểu cuối phiên họp, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM bày tỏ cảm ơn Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH đã quan tâm, chỉ đạo quá trình xây dựng nghị quyết này, góp ý nhiều điểm rất quan trọng.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu |
Ông Mãi nêu rõ, TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp để tiếp thu các ý kiến góp ý, hoàn thiện hồ sơ trong thời gian sớm nhất. Nếu nghị quyết này được thông qua, thành phố phải chuẩn bị rất nhiều để đáp ứng và triển khai trên thực tế. HĐND TP.HCM và HĐND TP.Thủ Đức phải có chương trình hành động và kế hoạch củng cố tổ chức bộ máy, nhân lực và kế hoạch giám sát.
Ông Mãi cho biết, thành phố đã phân công các cơ quan chuẩn bị thể chế hoá hơn 40 nội dung chính sách mới, sẽ trình HĐND thông qua tại 3 kỳ họp HĐND sắp tới.