Trong đó, 4 chợ chuyên kinh doanh hoa gồm Hồ Thị Kỷ, Đầm Sen và 2 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức cung ứng khoảng 80% thị phần hoa cắt cành. Đặc biệt với hoa mai, từ hơn tháng nay, các nhà vườn ở Thủ Đức đã tất bật vào mùa chăm sóc để cung ứng cho dịp Tết 2020.
Chị Trương Thị Hạnh - chủ một vườn mai ở phường Linh Xuân (Thủ Đức) chia sẻ, từ giữa năm đến nay thời tiết khá thuận lợi nên mai phát triển tốt hơn mọi năm. Chị vui vẻ cho biết: "Tết năm 2018, tôi trồng và chăm sóc 1.000 cây, chỉ 60% đạt chuẩn, thì năm nay 90% cây phát triển đạt yêu cầu. Giờ chủ vườn chỉ chờ tới ngày hái lá và mong không mưa bất thường để cây ra nụ đều và nở đúng dịp Tết”.
Vườn mai của ông Nguyễn Hữu Thành ở phường Hiệp Bình Phước (Thủ Đức) có khoảng hơn 2.000 cây, trong đó có hơn 500 cây mai cổ thụ và hơn 200 cây bonsai. Ông cho biết, dù còn gần hai tháng nữa mới đến Tết nhưng lượng hàng đặt đã đạt 50% so với nguồn hàng ông sẽ mang bán Tết. Mai cổ thụ có giá khoảng 300 triệu đến 1 tỷ đồng/cây, giá thuê 70-90 triệu đồng. Mai bonsai có giá 100-300 triệu đồng/cây, giá thuê 5-50 triệu đồng.
Về giá chăm sóc mai, anh Trần Minh Quang, chủ vườn chuyên chăm sóc mai ở phường Bình Chiểu (Thủ Đức) cho biết, năm nay thời tiết thuận hòa, lượng mai tươi tốt và đạt chuẩn cao, nhưng chi phí chăm sóc tăng khoảng 2-5%. Chi phí tăng do giá nhiều mặt hàng sinh hoạt và thực phẩm trước đó đều tăng.
Để tránh tình trạng hoa Tết dội chợ, ngay từ bây giờ, Sở Công Thương TP.HCM đã liên kết với sở công thương các tỉnh bạn như Lâm Đồng, Đồng Tháp... và các chủ vựa hoa lớn ở các tỉnh để yêu cầu chuẩn bị sản lượng tiêu thụ đúng kế hoạch dự kiến. Đồng thời, Sở cũng đã làm việc với các chợ đầu mối để thu mua hàng đúng nhu cầu tiêu thụ, tránh hoa dội chợ, gây tình trạng bán tháo bán đổ, lãng phí công người trồng hoa.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương TP.HCM cũng đã đề nghị các quận huyện xem xét lại giá cho thuê địa điểm kinh doanh hoa Tết trên tinh thần cho thuê “chính chủ”, tránh trường hợp để “đầu nậu” thuê gom đẩy giá lên cao, thiệt hại cho người trồng hoa.