Tài chính, chứng khoán, ngân hàng

TP.HCM cần nhiều công trình văn hóa xứng tầm

Minh Minh - Hà Kiều 07/02/2024 08:00

TP.HCM cần phát triển các công trình văn hóa xứng tầm nhằm phục vụ đời sống tinh thần của người dân. Nên chăng là những công trình kiến trúc đương đại, khai thác cả không gian trên không và không gian ngầm tại trung tâm Thành phố. Việc khai thác, sử dụng đất công cho mục đích văn hóa cần được xem xét một cách thấu đáo.

Cách đây hơn 200 năm, cái tên Sài Gòn đã được người Pháp nhắc đến như tên một vùng đất mới ở phương Đông. Qua thời gian, Sài Gòn được định hình không chỉ là tên một địa danh, một cảng thị bậc nhất xứ Đàng Trong mà trong thời gian dài còn là niềm kiêu hãnh về một “Hòn ngọc Viễn Đông”. Và chính quá trình giao lưu tiếp biến Đông - Tây đã kiến tạo nên “chất” Sài Gòn - TP.HCM là thành phố năng động, hiện đại, cởi mở.

bao-tang-singgapore.jpg
Bảo tàng Khoa học Nghệ thuật - ArtScience Museum (Singagpore) thu hút nhiều du khách

Hơn 300 năm, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử của một thương cảng hàng đầu cả nước, đô thị Sài Gòn đã được người Pháp tái kiến tạo với cơ sở hạ tầng kinh tế và thượng tầng xã hội đậm nét phương Tây như: nhà thờ, bưu điện, nhà hát, bảo tàng, bến cảng, sân bay, nhà ga, dù có tuổi đời hơn trăm năm, đến nay vẫn còn nguyên giá trị lịch sử. Kế thừa và tiếp nối giá trị văn hiến của một thành phố được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”,

TP.HCM cần phát triển các công trình văn hóa xứng tầm nhằm phục vụ đời sống tinh thần của người dân. Nên chăng là những công trình kiến trúc đương đại, khai thác cả không gian trên không và không gian ngầm tại trung tâm Thành phố. Việc khai thác, sử dụng đất công cho mục đích văn hóa cần được xem xét một cách thấu đáo.

Thực trạng lãng phí đất công ở TP.HCM là một trong những vấn đề nổi cộm trong những năm gần đây. Thành phố hiện có 26 khu đất công bỏ hoang vì những sai phạm về quản lý, đấu thầu, đấu giá, gây thất thoát nguồn thu rất lớn cho ngân sách Nhà nước. Thiết nghĩ, việc sử dụng một vài khu đất công để xây dựng các khu văn hoá không chỉ mang lại giá trị tinh thần cho cộng đồng mà còn góp phần vào sự đa dạng và giàu có của Thành phố. Một vị trí xứng đáng cho một công trình được thiết kế với lối kiến trúc hiện đại, tạo điểm nhấn về cảnh quan đô thị cho Thành phố như Nhà hát Con sò ở Sydney (Úc), Nhà hát Trái sầu riêng ở Singapore.

Mỗi mét vuông đất ở trung tâm TP.HCM có giá thị trường không dưới 500 triệu đồng , liệu có phù hợp để xây dựng công trình như vậy và có mang lại lợi ích kinh tế? Có thể tham khảo về mô hình kinh doanh du lịch văn hoá của Singapore. Chẳng hạn, xem một đêm biểu diễn nghệ thuật với mức vé từ 10 đến 50 đô la Singapore cho một lượt khách, với tổng mức thu về hơn 270 triệu đô la Singapore trong năm 2018, tương đương hơn 5.000 tỷ đồng Việt Nam mỗi năm thì lợi ích kinh tế từ ngành công nghiệp không khói là rất lớn.

Hay show xiếc tre “Làng tôi” đầy sáng tạo tái hiện đời sống của người Việt ở làng quê trên nền nghệ thuật xiếc đương đại của Công ty CP Lune Production đã được website du lịch Tripadvisor bình chọn là một trong những vở diễn đáng xem (Must-see) bởi tính giáo dục và thẩm mỹ. Show diễn đã đạt hơn 1.300 suất tại Việt Nam và các nhà hát lớn tại châu Âu, Úc, New Zealand và trở thành một thương hiệu văn hóa quốc gia.

Một tụ điểm văn hóa thành công của TP.HCM là Đường Sách TP.HCM. Đường Sách đạt giải thưởng cảnh quan về kiến trúc của IFLA AAPME Awards 2022, hạng mục Tiềm năng kinh tế. Vào năm 2016, chính quyền Thành phố đã mạnh dạn giao tuyến Đường Nguyễn Văn Bình, không thu tiền sử dụng đất công cộng cho Hội Xuất bản Việt Nam, một hội chuyên môn về xuất bản sách và văn hóa phẩm để thực hiện đề án xây dựng văn hóa đọc cho người dân. Đường Sách đã giúp phát triển kinh tế của ngành xuất bản và tạo một không gian văn hóa đặc sắc.

Rõ ràng, nếu làm đúng cách, biết khai thác đúng tiềm năng của vị thế đất vàng lõi trung tâm của Thành phố thì có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với đấu giá, giao đất thu tiền.

Cốt cách của con người vùng sông nước Nam bộ là sự dấn thân, tinh thần phụng sự xã hội. Mỗi một thời kỳ gặp khó thì TP.HCM xuất hiện những sáng kiến, những nhân vật lãnh đạo tiên phong, tạo đột phá. Thăng trầm trên 320 năm, cần những dấu ấn của người lãnh đạo như dấu ấn “đổi mới” của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đề án phát triển Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị Nam Sài Gòn. Có lẽ sự dũng cảm, sáng tạo và mạo hiểm là niềm hạnh phúc của người mở đường trong mỗi thời kỳ.

Chiều dài lịch sử Sài Gòn - TP.HCM ghi dấu sự mở mang bờ cõi của cha ông và bươn chải của người dân đa xứ hội tụ về mảnh đất lắm sông rạch do thiên nhiên ban tặng. Vì vậy, thiết nghĩ, Thành phố cần có nhiều công trình văn hóa xứng tầm và khi xây dựng các cộng trình trong khu trung tâm, cần có sự kế thừa kinh nghiệm về kiến trúc và quy hoạch trước đây của người Pháp. Phải có biện pháp xử phạt, chế tài nghiêm mình với những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cố tình xâm lấn, hay làm biến dạng di sản, xử nặng những người xả rác, vẽ bậy lên di sản. Chỉ khi mọi người dân nhận thức được bảo vệ di sản là giữ cho hồn cốt Sài Gòn - TP.HCM thêm đẹp và phát triển theo hướng hiện đại thì TP. HCM mới trở thành thành phố văn minh và nghĩa tình.

“Để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội thì việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá tốt đẹp của các dân tộc và di sản văn hóa là cần thiết, đòi hỏi phải dành một quỹ đất thỏa đáng cho việc xây dựng các công trình hạ tầng văn hóa, tạo lập không gian cho mọi hoạt động văn hóa của người dân”.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính Lê Hồng Phong
(Nguồn: baokiemtoan.vn)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM cần nhiều công trình văn hóa xứng tầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO