Tổng Bí thư Tô Lâm: Tổ chức dạy hai buổi/ngày miễn phí từ năm học 2025 - 2026
Văn phòng Trung ương Đảng vừa công bố kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc ngày 18/4 với Chính phủ và các cơ quan chức năng, liên quan đến việc triển khai các nghị quyết của Trung ương về giáo dục và đào tạo, cũng như công tác chuẩn bị cho một nghị quyết mới của Bộ Chính trị nhằm tạo đột phá trong lĩnh vực này.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định chủ trương tổ chức dạy học hai buổi mỗi ngày cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở trên toàn quốc từ năm học 2025 - 2026.
Việc triển khai sẽ được thực hiện miễn phí và theo lộ trình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và nguồn lực tài chính. Trọng tâm là kết hợp đầu tư từ ngân sách nhà nước với nguồn lực xã hội hóa, bảo đảm giảm áp lực học tập, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt về văn hóa và nghệ thuật.
Tổng Bí thư yêu cầu Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để triển khai hiệu quả mô hình này, với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông ngay từ bậc tiểu học.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng thống nhất chủ trương Nhà nước hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh tiểu học và THCS tại các xã biên giới, ưu tiên khu vực miền núi và các đối tượng là người dân tộc thiểu số cũng như học sinh người Kinh sinh sống tại các khu vực này.
Các địa phương được giao nhiệm vụ xây dựng hệ thống trường liên cấp nội trú và bán trú tại các xã biên giới, đảm bảo đầy đủ điều kiện học tập và sinh hoạt cho học sinh. Trường học phải được quy hoạch đồng bộ với phòng học, phòng thí nghiệm, nhà bếp, khu vệ sinh, sân chơi và chỗ ở cho giáo viên. Đặc biệt, tại các xã biên giới, cần đưa vào giảng dạy ngoại ngữ là tiếng của quốc gia láng giềng để thúc đẩy giao lưu nhân dân trong tương lai.
Chủ trương sẽ được triển khai trước mắt tại các xã biên giới đất liền từ tháng 9/2025. Trên cơ sở đánh giá kết quả, mô hình sẽ được mở rộng toàn quốc. Đồng thời, khuyến khích các địa phương có điều kiện ngân sách phù hợp triển khai sớm chủ trương này.
Tổng Bí thư giao Đảng ủy Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan liên quan, sớm báo cáo Đảng ủy Chính phủ để triển khai, đồng thời báo cáo Bộ Chính trị đối với các vấn đề vượt thẩm quyền.
Việc giám sát, kiểm tra phải được tăng cường trong quá trình thực hiện, đảm bảo minh bạch, hiệu quả và đặc biệt nghiêm cấm tình trạng gian lận, bớt xén trong tiêu chuẩn bữa ăn của học sinh.
Tổng Bí thư Tô Lâm: Phải có các quyết sách mạnh mẽ về thể chế, chính sách
Tổng Bí thư Tô Lâm nhìn nhận, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi giáo dục - đào tạo cùng với khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu và đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng phát triển, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào thành tựu chung của đất nước.
Tuy nhiên, hệ thống giáo dục, đào tạo vẫn chưa có được bước phát triển bứt phá, đáp ứng kỳ vọng của xã hội, nhất là yêu cầu phát triển toàn diện con người Việt Nam và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh đất nước, thế giới đứng trước nhiều cơ hội, thách thức phát triển mới.
Mặc dù có nhiều chương trình mục tiêu quốc gia nhưng điều kiện học tập và sinh hoạt của học sinh ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn rất khó khăn, số trẻ tới lớp còn thấp.
Nguyên nhân chính là do còn nhiều điểm nghẽn, hạn chế trong tư duy, nhận thức, thể chế, chính sách, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, cơ chế quản lý, phân bổ và sử dụng nguồn lực cho phát triển giáo dục và đào tạo.
Bối cảnh mới của đất nước đang đặt ra yêu cầu đào tạo lớp người mới phát triển toàn diện, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, sức khỏe (cả thể chất và tinh thần) tương xứng với việc thực hiện hai mục tiêu 100 năm của đất nước, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng cao, yếu tố then chốt cho thực hiện đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đồng thời, cùng với tăng trưởng kinh tế phải bảo đảm thúc đẩy tiến bộ xã hội, mở rộng cơ hội cho mọi người dân tiếp cận giáo dục có chất lượng, học tập suốt đời và phát huy tối đa tiềm năng cá nhân.
Trước các yêu cầu cấp bách này, cần phải có các quyết sách mạnh mẽ về thể chế, chính sách để tháo gỡ những điểm nghẽn, tập trung nguồn lực đầu tư nhanh chóng hiện đại hóa, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nhằm mục tiêu phát triển toàn diện người học và tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước bứt phá trong giai đoạn mới.