Tồn tại hay là sống?

Thái Thảo| 27/03/2021 08:39

Vốn là một nhân vật của bộ tiểu thuyết mô tả thân phận người phụ nữ thế kỷ XX do một nhà văn nữ chấp bút, bà Yến sống đến tuổi 90 thì mất. Câu chuyện đời bà trở thành bài học sống cho bao nhiêu thế hệ sau này. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là một lần tôi được tiếp chuyện, nghe bà kể về nỗi buồn.

Tồn tại hay là sống?

“Lần đó, tôi làm một chuyện gây lỗi, bị bạn bè nghỉ chơi nên ở nhà một mình, buồn bã quá, đi ra đi vào mà không hết buồn nên xin mẹ ít tiền đi coi xi-nê. Tôi vô coi Sạc-lô để cười cho đã đời. Cười nghiêng ngả trong rạp, đến khi ra ngoài trên đường về nhà, nỗi buồn lại hiện ra. Tôi khóc quá trời. Về nhà mẹ hỏi sao đi coi phim mà mắt sưng vậy, coi phim buồn hả. Tôi nói coi phim hài nhưng hết phim rồi vẫn buồn. Mẹ tôi nói: “Vậy con đi với mẹ tới chỗ này là hết buồn liền”. Mẹ dẫn tôi đến nhà dưỡng lão, mẹ đưa tôi một cuốn sách và nói tôi đọc truyện cho một ông cụ ngồi xe lăn đang nhìn ra cửa sổ. Tôi đọc một hồi thì ông cụ quay qua nhìn tôi nói: “Ông cảm ơn con, con thật tốt bụng đã đến đây đọc sách cho ông nghe”.

“Nhưng ông ơi, con vừa làm một việc rất tồi tệ và bạn con nghỉ chơi với con rồi, con là người xấu nên không ai chơi với con hết”, bỗng dưng tôi kể chuyện cho ông cụ nghe, vừa nói vừa khóc. Ông cụ nghe xong, nói: “Con đã nhận ra lỗi của mình, đã biết vì sao bạn không chơi với mình nữa. Vậy thì con đừng lặp lại lỗi lầm đó lần nữa. Thay vào đó, con nên mừng vì từ nay con biết phân biệt phải trái, đúng sai để hành động mà không phạm lỗi. Con nên xin lỗi các bạn rồi quyết tâm sửa chữa, con sẽ hết buồn thôi”. Tôi làm theo lời ông cụ và quả nhiên, tôi đã không phải đi xem phim hài để rồi vẫn cứ... khóc nữa. Các em thấy đó, lỗi lầm ai cũng phạm phải, nên nếu thực sự nhận ra và thay đổi, thì các em sẽ không còn ưu phiền nữa.

Phiền não trược, một trong năm ngũ trược, theo Phật Pháp, là cái trược của tham sân si, luyến ái. Mọi người bị phiền não trược nhiều nhất trong đời sống mình, vì vậy, ý thức về điều này càng sớm thì tranh được hoặc loại bỏ để đi đến với hạnh phúc mà không phải trả giá bằng khổ đau.

Nỗi phiền não trược này, các chuyên gia tâm lý cho rằng có thể bạn đã bắt đầu sớm nguyên nhân của trầm cảm nếu cứ để nó dày vò mãi. Cách thoát ra là đối mặt với nó, làm lành với nó, sòng phẳng, thẳng thắn với nó. Nó ở đây là chính mình. Và sau khi đã qua các bước ấy sẽ là các phương pháp để tâm mình tĩnh tại, thay vì dùng các loại “thức ăn” giải trí đắp lên. Và như ông lão trong câu chuyện của bà Yến đã khuyên nhủ, việc nhận ra, tự xin lỗi mình và những người khác sẽ giúp mình thoát khỏi nó nhanh nhất. 

Ở một góc nhìn khác, khi chúng ta chỉ nhận thức về bản thân, tìm cách thoát nỗi phiền muộn của mình bằng cách lấp chúng đi thì chúng ta sẽ gặp lại chúng. Nhưng nếu chúng ta chuộc lỗi bản thân bằng cách chấp nhận và quyết tâm thay đổi, chúng ta sẽ dễ dàng ý thức về những hành động của mình, đặc biệt là trong việc giúp đỡ người khác để biết cách giúp cho chính mình.

Anh Trần Tài vốn là một doanh nhân thành đạt, anh rất tự hào vì công việc của mình ngày càng phát triển... nhưng một ngày, hàng loạt thất bại khiến anh gục ngã, gia đình và bạn bè rời xa. Tất cả trở về con số 0 - anh sẽ phải làm lại như thế nào?

Lần này, để xây dựng mối quan hệ có ý nghĩa hơn, anh ý thức được những việc mình đang làm bằng cách biến nó thành những công việc mang ý nghĩa, dù là nhỏ nhất, anh cũng làm và tìm cách ban cho nó một ý nghĩa để hành động đúng đắn. Từ đó, anh bắt đầu kết nối lại với cộng đồng bằng những việc làm thiện nguyện chung tay. Anh mở rộng các câu chuyện bằng cách làm thế nào để khi mình làm một việc, mình thấy không chỉ mình có lợi mà người khác cũng có lợi hoặc nếu có lợi hơn cả mình, thì đó cũng là một niềm vui. Anh đã tìm thấy ở công việc - đời sống của anh một niềm vui đích thực chứ không phải những hào nhoáng bên ngoài vốn chỉ là cảm giác chốc lát.

“Tuy nhiên, việc đầu tiên vẫn là phải tự lo được bản thân, sau đó mới có sức đi tìm ý nghĩa cuộc sống, vì thế với tôi, kiếm miếng ăn cho no đủ là tồn tại, nhưng khi chia sẻ với những người chung quanh bằng thực tâm chứ không đặt vấn đề hơn thua, lợi ích cá nhân vào công việc thì chính là mình đã chọn cách thức sống có ý nghĩa”, anh Trần Tài tâm sự. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tồn tại hay là sống?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO