Tinh thần người lính trên mặt trận kinh tế

Dương Nguyễn| 25/07/2020 09:00

Thắng không kiêu, bại không nản" - tinh thần người lính năm xưa cũng chính là kim chỉ nam cho các doanh nhân cựu chiến binh trong mặt trận kinh tế, vững vàng dẫn dắt công ty vượt khủng hoảng.

Tinh thần người lính trên mặt trận kinh tế

Đối mặt khủng hoảng

Tại Talkshow "Covid-19, qua góc nhìn của doanh nhân cựu chiến binh" do Báo Doanh Nhân Sài Gòn và Hội Doanh nhân Cựu chiến binh tổ chức nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7, ông Nguyễn Đình Trường - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh, khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 rất khác với những cuộc khủng hoảng những năm trước. Khủng hoảng do đại dịch tác động toàn diện, buộc phải giãn cách xã hội, gãy nguồn cung, ảnh hưởng tâm lý người lao động rất lớn. Khi hết giãn cách xã hội, có thể nhiều thị trường không cần nhập sản phẩm của Việt Nam nữa. Do đó, việc khôi phục kinh tế sau dịch sẽ rất khó khăn. Theo ông Trường, đến hết tháng 9/2020, nếu chúng ta không khắc phục được tác động của dịch, nhiều doanh nghiệp sẽ phải phá sản.

Ông Nguyễn Hoàng Hà - Chủ tịch Công ty CP Phát triển nhà An Cư Thành Phố cũng cho rằng, khủng hoảng vì đại dịch lần này rất trầm trọng, có ảnh hưởng toàn diện. Do khủng hoảng có thể kéo dài sang năm sau, ông Hà cho rằng để vượt qua khó khăn, doanh nghiệp nên chú ý đến yếu tố lưu thông dòng tiền bằng cách tận dụng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Ngoài ra, cần cắt giảm các chi phí không cần thiết và bán tất cả hàng tồn kho có thể bán.

Trong đại dịch, ngành hàng thực phẩm có lẽ ít bị ảnh hưởng nhất. Ông Trần Long Trình - Chủ tịch Công ty TNHH MTV Tam Nông Việt Nam chia sẻ, các doanh nghiệp cung cấp nông sản của ông hoạt động xuyên suốt, bán hàng không kịp nghỉ.

Các diễn giả đang chia sẻ tại Talkshow: ông Nguyễn Đình Trường (ở giữa); ông Trần Văn Tắc (thứ 2 từ trái sang); ông Nguyễn Hoàng Hà (ngoài cùng bên trái; ông Trần Long Trình (thứ 2 từ bên phải); Đại tá Khương Văn Thuấn - Phó chủ tịch Hội Doanh nhân Cựu chiến binh TP.HCM (ngoài cùng bên phải)

Các diễn giả đang chia sẻ tại Talkshow: ông Nguyễn Đình Trường (ở giữa); ông Trần Văn Tắc (thứ 2 từ trái sang); ông Nguyễn Hoàng Hà (ngoài cùng bên trái; ông Trần Long Trình (thứ 2 từ bên phải); Đại tá Khương Văn Thuấn - Phó chủ tịch Hội Doanh nhân Cựu chiến binh TP.HCM (ngoài cùng bên phải)

Tuy nhiên, không phải không có khó khăn. Thứ nhất là về nguồn cung, nhiều đối tác sẵn sàng hủy hợp đồng để bán cho người khác với giá cao hơn. Thứ hai là công nhân lo sợ bị dịch ảnh hưởng nên nghỉ việc về quê. Khi tuyển công nhân mới, công nhân cũ lo sợ bị lây dịch nên không đồng ý tuyển thêm. Lúc này, ông Trình lại dùng tinh thần người lính "khó khăn nào cũng vượt qua" và động viên công nhân cùng cố gắng để vượt qua khủng hoảng.

Ông Trần Văn Tắc - Chủ tịch Công ty TNHH Giày Tuấn Việt cho rằng, ngành giày dép cũng giống dệt may, đều cần rất nhiều công nhân và nguồn nguyên liệu phải nhập rất nhiều từ nước ngoài. Dịch Covid-19 ập đến bất ngờ khiến nguồn cung ứng bị gãy, nhiều đối tác yêu cầu ông Tắc tạm ngừng sản xuất hoặc giảm một nửa đơn hàng.

Sức mạnh vượt qua đại dịch?

Ông Trình chia sẻ, đối với khách hàng cũng như nhân viên, ông luôn vận dụng những yếu tố của người lính để đối đãi. Lúc nào ông cũng tâm niệm "nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng phải vượt qua".

Ông Hà thì luôn lấy yếu tố đoàn kết làm tiêu chí điều hành, với khẩu hiệu "Đoàn kết là sức mạnh". Chính vì thế, trong đại dịch, ngoài việc tăng các khoản thưởng để khuyến khích nhân viên, ông cũng ưu tiên mua hàng của đối tác trong nước để ủng hộ người Việt Nam.

Đối với nhiều người, quản lý nhiều doanh nghiệp với vài chục nghìn công nhân không phải chuyện dễ . Theo kinh nghiệm của mình, ông Trường nói: "Để quản lý doanh nghiệp có quy mô lớn, cần thiết phải quản trị theo hệ thống. "Doanh nghiệp nhỏ sợ lãng phí nên một phòng chức năng có thể làm nhiều việc. Nhưng doanh nghiệp quy mô lớn thì không thể để một phòng làm 2-3 việc được. Đây là điều ông học được trong quân đội, tổ chức nào cũng phải có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn riêng. Sau khi xây dựng được bộ máy quản trị ổn định, phải xếp đúng người vào thì doanh nghiệp mới hoạt động hiệu quả được.

Đồng thời, để phát triển vững mạnh, doanh nghiệp phải xây dựng được niềm tin và sự khác biệt. Chính điều này đã giúp ông Trường giữ các doanh nghiệp ông quản lý hoạt động ổn định hàng chục năm qua.

Ngoài yếu tố quản trị, ông Trường cho rằng, doanh nhân phải liên kết chặt chẽ với nhau để cùng phát triển. "Nếu chúng ta biết liên kết và chia sẻ với nhau sẽ có được sức mạnh rất lớn. Đây là bài học từ quân đội mà tôi rất thấm thía", ông Trường nói.

Ông Trần Văn Tắc cho biết, quản trị công ty trong thời điểm đại dịch này quả thật rất khó. Công ty Giày Tuấn Việt hiện có hơn 1.500 công nhân. Giải pháp giãn cách xã hội để chống dịch buộc ông phải làm. Đặc biệt, ông chú trọng kiểm soát khâu đầu vào, ngoài việc kiểm tra thân nhiệt, ông Tắc trang bị đầy đủ khẩu trang và nước rửa tay cho công nhân. Thậm chí giữa ca cũng có đợt kiểm tra thân nhiệt bổ sung.

Dù đơn hàng bị giảm, vẫn duy trì sản xuất, trả lương công nhân và chịu tăng tồn kho. "Nếu không hỗ trợ công nhân thì sau này dù có đơn hàng cũng không có ai làm cho mình. Ăn một mình được chứ không thể làm một mình được", ông Tắc tâm niệm.

Linh hoạt xoay chuyển tình thế

Dù Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ trong đại dịch, nhưng ông Trường xác định trước hết mình phải tự cứu mình, giữ công nhân là yếu tố quan trọng hàng đầu, hơn cả chuyện thị trường và củng cố tài chính. Theo đó, ông xây dựng các kịch bản cụ thể để giữ chân công nhân, cách lôi kéo công nhân trở về sau khi hết dịch, chuyện ăn uống của công nhân trong điều kiện giãn cách...

35325-2363-1595574971.jpg

Đặc biệt là tự thay đổi tình thế, theo đó ông Trường chuyển hướng sang may khẩu trang thay vì may quần áo như trước. "Tổ kỹ thuật sau khi đi khảo sát mô hình về báo là khó làm. Vì mô hình may khẩu trang cần 8 người trong khi may quần áo là 40 người. Tôi chia một tổ may quần áo thành 5 tổ nhỏ để may khẩu trang. Đơn hàng đầu tiên là 10 triệu chiếc chúng tôi chỉ may trong 10 ngày là xong", ông Trường kể.

Tại Công ty Giày Tuấn Việt, nhờ rút kinh nghiệm từ những lần khủng hoảng trước, từ lâu ông Tắc đã ưu tiên tuyển lao động địa phương. Bởi vì lao động ở xa rất dễ bỏ việc khi kinh tế khủng hoảng hay ảnh hưởng vì dịch. Ngoài ra, nhờ đa dạng hóa thị trường nên hoạt động sản xuất dù có giảm nhưng vẫn duy trì được. Đối với khách hàng và đối tác, để chia sẻ trong lúc khó khăn, ông Tắc cũng chủ trương giảm giá sản phẩm. "Và có lẽ cũng bởi vì nhờ tinh thần người lính "thắng không kiêu, bại không nản" đã giúp tôi vững vàng dẫn dắt công ty vượt khủng hoảng thành công", ông Tắc kết luận.

Kinh doanh khai thác gỗ và khoáng sản tại châu Phi, ông Hà chia sẻ, một mặt vẫn cho khai thác nhưng không vận chuyển hàng về Việt Nam, vì nếu vận chuyển về Việt Nam lúc này sẽ tốn khoảng 5 triệu USD/tháng. Nhưng lưu kho tại châu Phi chỉ tốn khoảng 2,5 triệu USD/tháng, giảm được một nửa chi phí, ngược lại tăng phí hoa hồng cho nhân viên bán hàng. Đồng thời, rà soát và cắt giảm hết các hoạt động không cấp thiết để tiết giảm chi phí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tinh thần người lính trên mặt trận kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO