Mặc dù tiêu đề có chữ “hạnh phúc”, nhưng tác giả - nhà tâm lý học xã hội người Mỹ Daniel Gilbert cho biết, Tình cờ gặp hạnh phúc (tựa gốc: Stumbling on happiness) không phải là một cuốn sách hướng dẫn con người ta biết bất cứ điều gì để có thể có được hạnh phúc. Thay vào đó, nó miêu tả những điều khoa học phải nói cho độc giả biết trí não con người có thể tưởng tượng về tương lai của chính nó như thế nào và tưởng tượng một cách phong phú hay ho ra làm sao. Và cuốn sách cũng cho họ biết trí não có thể dự đoán được nó thích thú với phiên bản tương lai nào nhất trong số đó và mức độ dự đoán ấy đúng ra sao.
Nói cách khác, Tình cờ gặp hạnh phúc viết về một bài toán bí ẩn mà nhiều triết gia đã đau đầu nhức óc trong suốt 2 thiên niên kỷ qua để giải thích tại sao chúng ta dường như biết rất ít về trái tim và trí não của những con người mà chúng ta sẽ trở thành.
Tác giả Daniel Gilbert là giáo sư Tâm lý học tại Đại học Harvard, người từng nhận nhiều giải thưởng trong nghiên cứu và giảng dạy, như giải Phi Beta Kappa cho giáo dục, giải Khoa học lỗi lạc của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ.
Cuốn Tình cờ gặp hạnh phúc của ông được xuất bản ở Mỹ và Canada vào năm 2006, và đoạt được giải thưởng The Royal Society Science Books năm 2007, dành cho sách phổ biến khoa học xuất sắc theo dạng thường thức. Được dịch sang hơn 30 thứ tiếng và lọt vào danh sách sách bán chạy của New York Times (New York Times bestseller), Tình cờ gặp hạnh phúc xứng đáng được xếp trong danh sách những cuốn sách nên đọc trong đời, dành cho những ai muốn hiểu rõ hơn về sự cảm nhận và đánh giá hạnh phúc cá nhân, đồng thời coi trọng sự cảm nhận, đánh giá của người khác về hạnh phúc hiện tại của họ.
Trong cuốn sách, tác giả cho biết, những lầm lẫn mọi người thường phạm phải khi cố tưởng tượng về các tương lai của mình có tính quy luật, thường xuyên và hệ thống. Đan xen, vo tròn nhiều sự kiện và lý thuyết từ tâm lý học, khoa học nhận thức, triết học và kinh tế học hành vi, cuốn sách Tình cờ gặp hạnh phúc bàn luận về sức mạnh và giới hạn của việc hình dung trước.
Daniel Gilbert nói về Những kiến thức khoa học bất ngờ về hạnh phúc (The surprising science of happiness) tại Diễn đàn TED vào năm 2004. Theo đó, ông cho rằng "hệ thống miễn dịch tâm lý" cho phép chúng ta cảm thấy thực sự hạnh phúc thậm chí khi mọi thứ không diễn ra theo đúng kế hoạch. |
Với văn phong lôi cuốn, Daniel Gilbert đã miêu tả một cách sinh động và thu hút về cảm nhận hạnh phúc của con người dưới góc độ khoa học về mọi thứ diễn ra trong cuộc sống hằng ngày.
Chẳng hạn, ông ví von rằng, chúng ta thường đối xử với bản thân ở thì tương lai như thể "chúng" là con cái chúng ta. Chúng ta dành hầu hết thời gian trong ngày để vun đắp cho ngày mai mà hy vọng rằng sẽ khiến "chúng" hạnh phúc. Thay vì đam mê đeo đuổi bất cứ thứ gì bùng lên ý muốn nhất thời, chúng ta lại lãnh lấy trách nhiệm chăm sóc cho lợi ích của tương lai. Thực tế, ở chính thời điểm muốn cái gì đó – một sự thăng chức, một cuộc hôn nhân, một chiếc xe hơi, một cái bánh kẹp bơ, chúng ta đều đang trông đợi rằng mình sẽ có nó, rồi chúng ta ở thời điểm một giây, một phút, một ngày hoặc một thập kỷ tới sẽ hài lòng hưởng thụ thế giới mà "họ" đã kế thừa từ chúng ta, vinh danh sự hy sinh của chúng ta khi họ gặt hái những gì mà chúng ta đã khôn ngoan quyết định đầu tư và kiên nhẫn chịu đựng chế độ kiêng khem.
"Không có một công thức đơn giản nào để tìm ra hạnh phúc. Nhưng nếu não bộ cực lớn của chúng ta không cho phép ta đi những bước chắc chắn vào trong tương lai của mình thì ít nhất nó cũng cho phép chúng ta hiểu được cái gì khiến chúng ta tình cờ gặp hạnh phúc".
- Daniel Gilbert -
Tuy nhiên, giống như con cái thực, “đứa con” này của chúng ta thường rất… vô ơn. Chúng ta đổ mồ hôi, sôi nước mắt để dành cho "chúng" chính những thứ mà chúng ta nghĩ là "chúng" sẽ thích, còn "chúng" thì băn khoăn là liệu chúng ta có đủ ngu ngốc đến độ nghĩ rằng chúng sẽ thích điều đó. Chúng ta thất bại khi cố đạt được các danh hiệu và phần thưởng vì sự săn sóc cho sự no ấm thịnh vượng của "chúng", để rồi cuối cùng "chúng" lại đi cảm ơn Chúa rằng mọi việc đã không đi theo kế hoạch vì tầm nhìn nông cạn và không có đường lối rõ ràng của chúng ta.
Làm sao lại có chuyện đó? Chẳng lẽ chúng ta không biết được khẩu vị, thị hiếu, nhu cầu và khát khao của những con người mà chúng ta sẽ trở thành vào năm tới, hay ít nhất là vào chiều nay hay sao? Chẳng lẽ chúng ta không hiểu bản thân mình trong tương lai đủ để tạo lập cuộc sống cho họ, để tìm ra công việc họ thích, nhân tình họ yêu… hay sao? Tại sao họ lại chỉ trích sự lựa chọn bạn tình của chúng ta, chê bai các chiến lược sự nghiệp của chúng ta và tốn một khoản tiền lớn để xóa những hình xăm mà chúng ta đã mất bao tiền mới có được? Tại sao họ lại cảm thấy đáng tiếc và thở phào nhẹ nhõm khi nghĩ về chúng ta chứ không phải cảm thấy tự hào hay cảm kích?
Tình cờ gặp hạnh phúc sẽ giúp độc giả tìm ra đáp án cho những câu hỏi này, và đó là một trong những cuốn sách nên đọc trong đời.
Cuốn sách dày 381 trang, do Nhà xuất bản Lao động và Thái Hà Books ấn hành, giá bìa 110.000đ.