Xây dựng nhà vệ sinh công cộng trên tuyến phố- Bài 2: Một số giải pháp

Lữ Ý Nhi| 02/04/2023 09:20

Đưa ra giải pháp cho các nhà vệ sinh (NVS) công cộng trên các tuyến phố tại TPHCM hiệu quả, không chỉ giải quyết vấn đề "cấp bách" cho người dân Thành phố, khách du lịch trong nước và quốc tế, mà còn góp phần xây dựng TP.HCM thành một Thành phố văn minh hiện đại, xanh và sạch.

Xây dựng nhà vệ sinh công cộng trên tuyến phố- Bài 2: Một số giải pháp

Hoa hậu Môi trường thế giới 2023 Nguyễn Thanh Hà đề xuất: “Để Thành phố có thể triển khai mô hình NVS công cộng hiệu quả, cần một khảo sát cơ bản để tính toán rõ những khu vực nào hiện còn thiếu NVS  công cộng, và các vị trí nào sẽ là giao điểm phù hợp để xây dựng, đặt NVS và tối ưu hóa cho đa số người sử dụng, cho du khách, người dân địa phương, người đi tập thể dục.

Ví dụ như ở nhiều công viên lớn hiện nay vẫn chưa có NVS, trong khi công viên là nơi hàng ngàn lượt người qua lại, tập thể dục, vui chơi mỗi ngày. Hoặc các con đường trên bờ kè Hoàng Sa, Trường Sa, vẫn chưa có mật độ NVS đủ nhiều, khiến nhiều người "bí" quá đi luôn ra kênh. Ở đó, không hẳn là nơi có nhiều du khách, nhưng là một vẻ đẹp quan trọng của Thành phố, mà nếu du khách đi đến đó thấy cảnh phóng uế bên ngoài, sẽ không dám đến nữa. Vig thế, đây là những nơi đầu tiên cần ưu tiên đặt NVS công cộng.

Ngoài ra, Thành phố có thể thương thảo trực tiếp với các nhà hàng, khách sạn hoặc trung tâm mua sắm lớn, để tạo thêm cổng phụ tiện lợi vào nhà vệ sinh, không ảnh hưởng đến khách, và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư chi phí vận hành nhà vệ sinh, thay vì buộc họ phải "gánh". Vậy là cả nhà nước và doanh nghiệp cùng chung tay tạo không gian sạch đẹp, cũng là không gian đó du khách sẽ thoải mái hơn khi đi chơi, người dân thấy tiện nghi hơn khi đến sử dụng dịch vụ và Thành phố cũng sạch đẹp hơn.

-3190-1680437352.jpg

Hiện nay, tại Công viên 23/9 và nhiều nơi khác nữa đã có một số NVS khá sạch sẽ do Ngân hàng Sacombank đầu tư. Những đóng góp này đang tạo ra thay đổi quan trọng cho bộ mặt Thành phố. Vì thế, các NVS di động này đang hiệu quả và có ưu thế, đó là có thể đặt ở nhiều nơi, linh hoạt, tuy rằng phải vận chuyển đi và đổ bỏ chất thải, nhưng đó cũng là giải pháp tức thời nếu Thành phố đang đối mặt với vấn đề không có đất, mặt bằng, kinh phí xây quá nặng, vướng thủ tục...

Thanh Hà cũng đề xuất, Thành phố cũng nên có cuộc thi sáng kiến NVS công cộng sạch, đẹp, hiệu quả hàng quý hoặc hàng năm, trao cho những đơn vị có sáng kiến tạo dựng không gian và cách vận hành NVS sạch sẽ, hiện đại, tiết kiệm điện, nước và đảm bảo an toàn. Nếu có cuộc thi đó, các đơn vị sẽ cảm thấy nỗ lực của họ được công nhận và Thành phố dành sự quan tâm và cổ vũ xứng đáng cho những cá nhân, tập thể đang giữ gìn và xây dựng một thành tố thường xuyên bị xem nhẹ trong không gian đô thị.

Được đi nhiều nơi trên thế giới, nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch cũng góp ý kiến từ góc nhìn và quan sát NVS mà các nước đã làm. Cụ thể là Singapore và Thái Lan vì đây là hai quốc gia có hệ thống nhà vệ sinh công cộng vừa hiệu quả, vận hành tốt, sạch sẽ, lại không quá hào nhoáng ồn ào, nhưng có mặt ở khắp nơi.

Ví dụ tại Thái Lan, tất cả các công viên lớn đều đi kèm với NVS công cộng. Có những công viên quá rộng, NVS xuất hiện ở các cổng và vị trí khác nhau rải khắp chứ không tập trung vào một chỗ.

Khác với nhiều thương xá ở Việt Nam, nơi chỉ có vài ba nhà vệ sinh nhỏ, chật hẹp dùng chung, thì một tòa nhà mua sắm cao cấp của Thái Lan, khi du khách đến mua sắm, đi vào khu vệ sinh có khoảng 30 phòng vệ sinh luôn được giữ sạch. Số lượng NVS này còn để phục vụ cho người dân đi tàu điện ở ga ngay sát thương xá, cho người dân đi bộ gần đó, không có rào cản hay cách "ngăn chặn" bất tiện nào khiến mọi người ngại vào đi vệ sinh, biển hiệu chỉ dẫn cũng xuất hiện khắp nơi. Đó có thể là hình mẫu gần gũi nhất mà Việt Nam có thể học hỏi.

Tại các khu hội chợ, chợ đồ tươi, chợ nhỏ... ở Bangkok đều có nhà vệ sinh, một số nơi có thu chút tiền giấy và duy trì, nhưng được giữ gìn rất sạch. Du khách sẽ cảm thấy an tâm hơn khi khám phá đời sống địa phương.

Chia sẻ góc nhòn khi đến Singapore, Hoa hậu Thanh Hà cho biết: "Các tòa nhà lớn ở đây người dân đều có cổng riêng và dùng khóa an toàn, đảm bảo riêng tư cho cư dân hoặc nhân viên tòa nhà, nhưng ở tầng trệt luôn có NVS công cộng và cổng vào cho người ngoài có thể dễ dàng sử dụng. Cách làm này cũng có thể áp dụng cho Việt Nam. Thử tưởng tượng nếu mỗi tòa nhà, thương xá, khách sạn, các chung cư quy mô lớn... đều có phần "công cộng" đó thì chắc Nhà nước và Thành phố không lo thiếu nhà vệ sinh. Nên chăng, Thành phố cũng nên  quy định, mọi doanh nghiệp ở quy mô nhất định nào đó cũng phải thực hiện trách nhiệm xã hội này".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xây dựng nhà vệ sinh công cộng trên tuyến phố- Bài 2: Một số giải pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO