Thị trường đang thay đổi

PHẠM HOA LÀI thực hiện| 30/07/2009 08:15

Đã bắt đầu nhìn thấy những chuyển động mới của giới kinh doanh để đón đầu cơ hội khi kinh tế hồi phục.

Thị trường đang thay đổi

Đã bắt đầu nhìn thấy những chuyển động mới của giới kinh doanh để đón đầu cơ hội khi kinh tế hồi phục. Cụ thể và rõ nhất là những chuyển động trong hoạt động marketing. Nhưng, thị trường trước, trong và sau khủng hoảng có rất nhiều khác biệt. Hoạt động marketing sẽ thích ứng như thế nào? Ông Nguyễn Trung Thẳng, Viện trưởng Viện Marketing và Quản trị Việt Nam (VMI), Chủ tịch của Masso Group, chia sẻ những quan sát của giới chuyên gia về vấn đề này.

- Kinh tế suy thoái tác động đến DN trên nhiều mặt, nhưng trực tiếp nhất đến hoạt động marketing là thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng, bao gồm giảm lượng cầu và cả cách thức tiêu dùng, ví dụ người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các sản phẩm cùng loại hoặc thay thế nhưng có giá cả rẻ hơn để tương thích với thời kỳ suy thoái.

Thứ hai là tâm lý bảo vệ quyền lợi cổ đông, lãnh đạo DN thường chọn giải pháp phòng thủ nhằm đáp ứng đòi hỏi của cổ đông. Cụ thể là HĐQT có khuynh hướng cắt giảm ngân sách marketing để giữ lợi tức trong ngắn hạn, tạm thời quên đi các mục tiêu trong dài hạn. Điều này tác động trực tiếp đến các chiến lược xây dựng thương hiệu vốn thường gắn với những kết quả trong lâu dài.

* Trong giai đoạn suy thoái như vừa qua, với tư cách là một chuyên gia, ông đánh giá như thế nào về cách thức ứng xử với thị trường ở lĩnh vực marketing của các nhãn hiệu lớn tại VN?

- Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, đặc biệt ở các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, các tập đoàn đa quốc gia nhanh chóng cắt giảm ngân sách marketing. Hiển nhiên thị trường VN cũng sẽ bị tác động chung. Đúng hay không đúng đối với các tập đoàn này? Tùy thuộc vào cách nhìn vấn đề. Thường các tập đoàn trong thời kỳ khủng hoảng sẽ phải tập trung vào các thị trường trọng điểm, do đó, việc cắt giảm ngân sách marketing tại thị trường nhỏ bé và non trẻ như VN trong ngắn hạn âu cũng là điều dễ hiểu.

Riêng các DN VN, ngoại trừ các DN xuất khẩu, phần lớn chỉ có một thị trường duy nhất là thị trường nội địa, cũng tiến hành cắt giảm ngân sách marketing theo trào lưu chung thì cần phải xem lại. “Khôn ngoan” hay không phải nhìn trong từng bối cảnh cụ thể của từng DN, không có câu trả lời chung cho tất cả. Nhưng về logic mà nói, việc “tấn công” thị trường nội địa trong thời gian khủng hoảng kinh tế hiện nay của các DN trong nước là lựa chọn linh hoạt và chủ động.

Chẳng hạn, với cùng một mức chi phí cho truyền thông, hiệu quả marketing của thương hiệu nội sẽ tăng lên rất nhiều vì các nhãn hiệu nước ngoài đang giảm mật độ truyền thông...

* Theo quan sát và dự đoán của ông, sau cuộc khủng hoảng này, thị trường VN sẽ có những đặc điểm nào đáng lưu ý nhất? Qua đó, lĩnh vực marketing sẽ phải thay đổi như thế nào để thích ứng?

- Thay đổi lớn nhất sau cuộc khủng hoảng chính là việc các cổ đông, nhà đầu tư sẽ đòi hỏi việc chi tiêu hiệu quả hơn, trong đó bao gồm ngân sách marketing. Cụ thể, chi phí và ngân sách marketing phải chứng minh được hiệu quả đầu tư và toàn bộ chiến lược, hoạt động marketing phải được xây dựng trên nguyên tắc này. Đó cũng là một trong những lý do mà VMI vừa chọn lọc và xuất bản quyển sách “Marketing dựa trên giá trị” (Value-based marketing) - một xu hướng lớn trong ngành marketing thế giới hiện nay.

* Ông có cho rằng, trong khủng hoảng và sau khủng hoảng, thị trường nội địa là mục tiêu lý tưởng cho các nhãn hiệu trong nước? Theo quan sát lâu nay của ông, DN VN có những quan điểm sai lầm lớn nào về khách hàng và thị trường nội địa?

- “Chùa nhà không thiêng”! Điều này cũng đúng tại các DN trong việc nhìn nhận vai trò của thị trường nội địa. Thật ấn tượng khi tôi mới nghe một báo cáo về kinh tế VN 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP phần lớn là do đóng góp của thị trường nội địa! Một khi “không còn lựa chọn”, thị trường nước ngoài bị giảm, các DN mới nhận ra sự hữu ích của thị trường trong nước. Sau thời gian này, chắc chắn DN sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về chiến lược thị trường trong nước và ngoài nước.

* Ông có dự đoán gì về tương lai của một số DN, nhãn hiệu lớn ở VN hiện nay? Xin chia sẻ cơ sở nhận định và dự đoán của ông với họ?

- Nhiều cơ hội cho các thương hiệu VN tại thị trường VN. Không ai hiểu VN bằng chính DN trong nước. Tuy nhiên, tư duy marketing và khả năng thuyết phục cổ đông của CEO sẽ là những nhân tố quyết định thắng - thua trên thị trường nội địa. VN đã và đang có những thương hiệu hàng đầu trong từng ngành, như Co.opMart trong ngành bán lẻ, 333/Sài Gòn trong ngành bia, Vinamilk trong ngành sữa..., điều này đủ để dự đoán cho khả năng thành công của các thương hiệu lớn VN trên thị trường nội địa. Nhưng câu hỏi bây giờ không phải là làm gì mà là làm thế nào?

Diễn đàn Marketing VN

Để nhìn lại những diễn biến đã qua và nhận diện những khuynh hướng mới của thị trường VN nhằm phục vụ cho chiến lược marketing phù hợp với bối cảnh kinh tế mới, ngày 31/7, diễn đàn marketing với chủ đề “Marketing thời khủng hoảng - Cơ hội cho thị trường mới nổi” được tổ chức tại khách sạn New World.

Chương trình do VMI tổ chức, diễn ra cả ngày với nhiều chủ đề thực tế, mang tính dự báo, phân tích sâu về thị trường VN, có sự tham gia thuyết trình, báo cáo của các chuyên gia trong và ngoài nước. Thông tin chi tiết tại website:

www.vietnammarketingforum.com, hoặc gọi đến số 35265247 (104) - 35265248 (111) - 5265280 (105).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường đang thay đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO