“Làm giá” cho cổ phiếu "tân binh"?

TÁ ĐIỀN| 24/09/2009 09:15

Tuần qua, hầu hết các cổ phiếu “tân binh” như ATA, VNI, VPH, HLG đều tăng giá liên tục nhiều phiên sau khi chào sàn.

“Làm giá” cho cổ phiếu

Tuần qua, hầu hết các cổ phiếu “tân binh” như ATA, VNI, VPH, HLG đều tăng giá liên tục nhiều phiên sau khi chào sàn. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, đây là hiện tượng “làm giá” của các “đại gia”. Thực hư thế nào?

Quy luật cũ

Việc cổ phiếu ngay sau khi chào sàn liên tiếp tăng giá không phải là hiện tượng mới. Gần đây, chuyện này tái diễn. Cổ phiếu ATA của Công ty cổ phần NTACO lên sàn có giá tham chiếu 20.000đ/CP, khớp lệnh tại giá 24.000đ/CP, sau đó thẳng tiến đến 30.400đ/CP. Chào sàn cùng thời điểm với ATA còn có VNI của Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Viên Nam cũng tăng trần liên tục 7 phiên, từ 25.000đ/CP lên 40.000đ/CP; VPH của Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng từ 30.000đ/CP lên 47.800đ/CP.

Về khối lượng giao dịch, trong 7 phiên đầu, VPH chỉ được dưới 1.000CP/phiên, đến phiên 17/9 đạt 6.700CP. VNI đến phiên thứ 7 thì lượng giao dịch có cải thiện hơn, đạt 174.490CP. Với cổ phiếu HLG của Hoàng Long, thị giá cũng tăng như trên nhưng lượng giao dịch thì thanh khoản hơn nhiều, phiên 17/9 đạt hơn 200.000CP và khớp lệnh tại giá 47.800đ/CP. Đặc biệt, trong thời gian này có hơn 88.000CP của người nước ngoài được chuyển nhượng.

Cổ phiếu bất động sản dẻo dai hơn

Trong số bốn mã tân binh lên sàn và tăng giá liên tục trong tuần qua, ATA sớm bị điều chỉnh nhất. Sau khi đã tăng từ 20.000đ/CP lên đến 30.400đ/CP, ATA đã giảm 2 phiên, trong khi 3 mã bất động sản vẫn còn tiếp tục tăng. NTACO là công ty chuyên nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản, có trụ sở chính tại thành phố Long Xuyên (An Giang). Vốn điều lệ của Công ty là 100 tỷ đồng, với tài sản gồm nhà máy sản xuất bao bì, nhà máy chế biến thức ăn thủy sản Việt Thái, xuởng chế biến phụ phẩm, nhà máy sản xuất dầu cá, bột cá và 40ha hầm nuôi cá để sản xuất theo mô hình khép kín. Sáu tháng đầu năm 2009, lợi nhuận của Công ty là 9,9 tỷ đồng, dự kiến tỷ lệ cổ tức là 20%. Là một cổ phiếu tiềm năng, nhưng ATA vẫn phải theo “sóng” thị trường, sau khi giá đã tăng hơn 50% so với giá tham chiếu ngày lên sàn.

Có người cho rằng, hiện nay nhà đầu tư đang chuộng các cổ phiếu thuộc nhóm tài chính, địa ốc nên 3 mã bất động sản tăng dài hơi hơn. Thế nhưng, theo TS Lê Vũ Nam, giảng viên Trường Đại học Quốc gia TP.HCM, không hẳn cổ phiếubất động sản nào cũng được nhà đầu tư chiếu cố. Xét trên TTCK, cùng thời gian này có nhiều cổ phiếu ngành bất động sản tụt giá. Chẳng hạn DIC của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại DIC đã có 4 phiên giảm, 3 phiên tăng; NBB của Năm Bảy Bảy có 3 phiên giảm, 3 phiên tăng; SC5 cũng 4 phiên giảm, 3 phiên tăng. Các mã trên đều là các cổ phiếu tốt, nhiều triển vọng trong giới đầu tư xây dựng, song cũng chịu sự phân hóa của thị trường.
Có hiện tượng làm giá?

Nhiều nhà đầu tư nghi ngờ sự tăng giá liên tục của các cổ phiếu mới lên sàn là do các “đại gia” bất động sản nắm giữ nhiều cổ phiếu này đã “làm giá”. Anh Lê Trường - chuyên gia Quỹ đầu tư PV cho rằng, với các mã khác thì không rõ vì giao dịch quá ít, riêng cổ phiếu HLG khó làm giá. Bởi vì theo bản cáo bạch, các cổ đông lớn của HLG chiếm 64% vốn điều lệ, cổ đông nhỏ chiếm 36%, tương đương với 10.356.012CP. Khi còn giao dịch tại OTC, cổ phiếu HLG đã được nhà đầu tư biết đến nhiều vì Hoàng Long sở hữu nhiều đất tại Q.7 (TP.HCM) và tỉnh Long An, đội taxi Hoàng Long đã hoạt động mạnh tại TP.HCM; ngoài ra công ty này còn hoạt động xuất nhập khẩu... Tuy nhiên, cũng đến lúc HLG đạt mức giá hợp lý thì cổ đông của Hoàng Long sẽ sẵn sàng bán để chốt lãi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Làm giá” cho cổ phiếu "tân binh"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO