Doanh nghiệp vận tải, cảng biển thắng lớn
Dù đang chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, nhưng hàng hóa container qua cảng biển Việt Nam vẫn giữ đà tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2021. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đạt gần 320 tỷ USD, tăng hơn 32% so với cùng kỳ. Lượng hàng hóa thông qua các cảng biển cũng tăng mạnh, sản lượng container tăng 24%. Hưởng lợi từ sự khởi sắc của hoạt động xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp cảng biển niêm yết trên sàn chứng khoán đều báo lãi tăng ấn tượng.
Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam 4,5 triệu USD để phòng, chống dịch Covid-19
Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cho biết, Chính phủ nước này đã đồng ý viện trợ cho Việt Nam 4,5 triệu USD để hỗ trợ tiêm chủng và nâng cao năng lực phòng, chống dịch Covid-19. Ghi nhận các đề nghị từ phía Việt Nam, USAID sẽ tổng hợp nhu cầu, xem xét viện trợ trong thời gian sớm nhất. Đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ cho biết sẵn sàng phối hợp với các cơ quan của Bộ Y tế Việt Nam trong trao đổi kỹ thuật, chia sẻ thông tin kinh nghiệm trong phòng chống đại dịch. Ngoài ra, cơ quan này sẽ thúc đẩy, vận động các tổ chức khác hỗ trợ Việt Nam chống dịch.
Đề xuất tăng mua dự trữ lúa vào kho quốc gia
Tổ công tác phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị Chính phủ tăng thu mua dự trữ lúa Hè Thu để nông dân yên tâm cũng như kích cầu sản xuất vụ Thu Đông. Vụ lúa Hè Thu đang thu hoạch rộ, sản lượng nhiều, trong khi do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhân công để thu hoạch bị hạn chế, dễ dẫn đến tình trạng thương lái ép giá nông dân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Chính phủ cho thu mua tạm trữ lúa quốc gia để kích cầu sản xuất, động viên nông dân tiếp tục sản xuất cũng như để đảm bảo kế hoạch sản xuất. Một số nơi đã bắt đầu gieo sạ vụ Thu Đông nhưng nông dân đang lưỡng lự sản xuất.
Trung Quốc thay đổi xu hướng sản xuất, tác động lớn tới xuất nhập khẩu Việt Nam
Bộ Công Thương đánh giá, việc Trung Quốc cắt giảm sản xuất của một số ngành công nghiệp như sắt thép, hàng dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ… do các yếu tố liên quan đến sự chuyển dịch nhu cầu của thị trường Mỹ sau căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và cam kết cắt giảm lượng khí thải, sẽ mang đến nhiều lợi thế cho hoạt động đầu tư, sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam. Thời gian qua, Việt Nam được xem là lựa chọn hàng đầu của các công ty Mỹ để thay thế một phần nguồn hàng từ Trung Quốc. Nguyên nhân là sản xuất tại Việt Nam có chi phí thấp hơn Trung Quốc và Ấn Độ, trong khi có hiệu quả cao hơn Bangladesh.
Hậu Giang tồn đọng hàng trăm tấn nhãn, chôm chôm và dưa lê
UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp tại TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam. Việc đi lại, giao thương gặp nhiều khó khăn do đang trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu thụ các sản phẩm nông sản của nông dân Hậu Giang. Hiện tỉnh có khoảng 52 tấn chôm chôm, 55 tấn dưa lê, 73 tấn nhãn… đang tới vụ thu hoạch. Để kịp thời hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản cho nông dân, tỉnh Hậu Giang phối hợp với các địa phương thống kê số lượng mặt hàng tồn đọng, bố trí điểm tập kết, thu gom để cùng các đơn vị có liên quan thuận tiện tổ chức thu mua.