Tin kinh tế ngày 12/10: Việt Nam có thể trở thành "công xưởng thế giới" thứ hai

HT| 12/10/2021 07:00

Cùng với đó là loạt tin kinh tế nổi bật khác gồm Khánh Hòa đề xuất thí điểm đón khách quốc tế có 'hộ chiếu vaccine" từ tháng 11; ngành công nghiệp cao su Việt Nam tiến tới đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu; huy động vốn cho điện than sẽ ngày càng khó...

Việt Nam có thể trở thành "công xưởng thế giới" thứ hai

1-9135-1634021296.jpg

Các nhà kinh tế của AXA Investment Managers Asia đã đưa ra phân tích và lý giải nguyên nhân Việt Nam có thể trở thành cường quốc xuất khẩu trong khu vực, đồng thời đánh giá triển vọng trở thành "công xưởng thế giới" thứ hai sau Trung Quốc của nền kinh tế Đông Nam Á này.

Theo đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, ấn tượng nhất trong số các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, hội nhập sâu rộng vào thương mại toàn cầu nhiều thập kỷ gần đây. Theo đánh giá, việc Việt Nam hội nhập thành công trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chính là "chìa khóa" để hoạt động thương mại tăng trưởng mạnh mẽ. Trong khu vực, Việt Nam được xếp hạng cao về hiệu quả kinh tế, được thúc đẩy nhờ lợi nhuận mạnh mẽ của phát triển sản xuất và tiềm năng xuất khẩu.

Khánh Hòa đề xuất thí điểm đón khách quốc tế có "hộ chiếu vaccine" từ tháng 11

2-4457-1634021296.jpg

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có tờ trình gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất được thí điểm đón khách quốc tế có “hộ chiếu vaccine”. Cụ thể, Khánh Hòa đề xuất được thí điểm đón khách du lịch quốc tế có "hộ chiếu vaccine" theo hai giai đoạn.

Giai đoạn 1 (từ giữa tháng 11 đến hết ngày 31/12/2021), Khánh Hòa sẽ sử dụng các khu nghỉ dưỡng ở khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh để đón khách. Giai đoạn 2 (từ ngày 1/1/2022 đến 31/3/2022), việc đón khách sẽ mở rộng dần ra khu nghỉ dưỡng của Vinpearl ở đảo Hòn Tre, khu nghỉ dưỡng Merperle Hòn Tằm, Champa Island… và các khu du lịch có tính biệt lập khác.

Hạt điều Việt Nam chiếm khoảng 90% thị phần tại Mỹ

3-2262-1634021297.jpg

Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế (Mỹ), nhập khẩu hạt điều của Mỹ từ Việt Nam trong 7 tháng năm 2021 đạt 87.000 tấn, trị giá 545 triệu USD, tăng 0,7% về lượng, nhưng giảm 6,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt trên diện rộng và kéo dài, bên cạnh đó, giá cước phí vận chuyển ở mức cao đã tác động tiêu cực lên hoạt động xuất khẩu hạt điều Việt Nam sang Mỹ.

Ngoài ra, hạt điều Việt Nam còn chịu sự canh tranh từ thị trường Bờ Biển Ngà và Nigieria, nhưng thị phần hạt điều Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ vẫn tăng nhẹ từ 89,08% trong 7 tháng năm 2020 lên 89,26% trong 7 tháng 2021. Điều này cho thấy, ngành điều Việt Nam vẫn khẳng định được vị trí nhà cung cấp số một tại Mỹ nhờ nguồn cung ổn định, chất lượng đảm bảo.

Ngành công nghiệp cao su Việt Nam tiến tới đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu

4-2563-1634021297.jpg

Theo báo cáo của Forest Trends vào năm ngoái, Việt Nam là nước trồng cao su lớn thứ năm thế giới, với khoảng 926.000 hecta vào năm 2020, nhưng đứng thứ ba thế giới về sản lượng với số lượng khoảng 1,22 triệu tấn vào năm 2020. Cũng theo báo cáo này, xuất khẩu nguyên liệu cao su tự nhiên như cao su khối, mủ cô đặc, và các sản phẩm cao su như săm lốp, dược phẩm và đế giày tăng từ 2,9 tỷ USD năm 2015 lên gần 5,5 tỷ USD năm 2020. Ngày càng nhiều các công ty lớn như Nike và Adidas đang ưu tiên mua cao su từ các nhà sản xuất được chứng nhận bởi Hội đồng Quản lý Rừng (FSC), tiêu chuẩn vàng của ngành để tuân thủ các yêu cầu pháp lý và môi trường.

Huy động vốn cho điện than sẽ ngày càng khó

5-5430-1634021297.jpg

Điện than có tính ổn định, giá rẻ, nhưng tới đây Việc Nam sẽ khó huy động vốn khi nhiều quốc gia đưa ra các cam kết về môi trường, cắt giảm khí thải. Việc huy động nguồn vốn tài chính để đầu tư dự án điện than sẽ khó khăn do phần lớn vốn các nhà máy điện than tại Việt Nam giai đoạn 2015-2021 đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Hiện ba quốc gia này đều đã cam kết dừng đầu tư vào các dự án điện than mới. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc cũng là bài học về chuyện cần đa dạng hóa nguồn điện. Việt Nam nên đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi thì "cửa" tiếp cận nguồn vốn dồi dào từ các tập đoàn tài chính lớn trên thế giới sẽ càng "mở" hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tin kinh tế ngày 12/10: Việt Nam có thể trở thành "công xưởng thế giới" thứ hai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO