Tín dụng tháng 11 của TP.HCM tăng trưởng mạnh
Tính đến cuối tháng 11/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM đạt 3.828 nghìn tỷ đồng, tăng 1,14% so với tháng trước.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, do diễn biến tăng trưởng tín dụng của TP.HCM trong những tháng gần đây phù hợp với xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế nên nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ và tiêu dùng tăng, trở thành yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong tháng cuối cùng của năm.
Do đó, tín dụng đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu, góp phần thúc đẩy hoạt động này tăng trưởng tích cực.
Cụ thể, dư nợ tín dụng ngoại tệ đã tăng trưởng dương trở lại trong tháng 10 và tháng 11/2024. Trong đó tháng 11/2024 tăng 3,14%. Tỷ giá ổn định và nhu cầu ngoại tệ cho hoạt động sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu tăng là yếu tố chính tác động đến tăng trưởng tín dụng ngoại tệ trong những tháng cuối năm trên địa bàn thành phố.
Mặt khác, tín dụng VNĐ vẫn chiếm tỷ trọng cao (chiếm 96,1%) trong tổng dư nợ tín dụng và tăng trưởng cao hơn mức tăng chung trên địa bàn, tăng 8,6% so với cuối năm và 13,4% so với cùng kỳ. Kết quả này, góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố.
Đồng thời, lãi suất cho vay thấp cùng với việc giải ngân các gói tín dụng ưu đãi và các chương trình tín dụng được tổ chức thực hiện thông qua chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp có hiệu quả là yếu tố chính tác động đến tăng trưởng tín dụng trong 11 tháng trên địa bàn.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cuối năm nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh chủ yếu vốn vay ngắn hạn đáp ứng các nhu cầu kinh doanh, mua sắm phục vụ dịp lễ, tết, mang tính quy luật và có yếu tố thời vụ thúc đẩy tín dụng tăng trưởng nhanh.
Bên cạnh đó, yếu tố lãi suất cho vay thấp khuyến khích doanh nghiệp, hộ gia đình vay vốn và thúc đẩy các tổ chức tín dụng giải ngân các gói tín dụng ưu đãi và các chương trình tín dụng gia tăng.
Chính vì vậy, tín dụng 11 tháng trên địa bàn tăng trưởng 12,5% so với cùng kỳ, dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hai con số khi kết thúc cả năm 2025 theo kế hoạch và phù hợp với với mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM dự ước GRDP đạt 7,17% trong năm 2024.