Tìm lời đáp cho vấn đề "thừa thầy, thiếu thợ" ngành du lịch

Quân Đặng| 12/12/2022 00:00

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực du lịch là một trong các giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển du lịch đến năm 2023.

Tìm lời đáp cho vấn đề

Xe buýt hai tầng chở du khách tham quan thành phố ngừng đợi khách ở trung tâm Q.1, TP.HCM. Ảnh: TN

Hội thảo "Đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao" do Báo Tổ Quốc vừa tổ chức là dịp để ngành du lịch bàn về giải pháp tạo dựng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đang là nhu cầu cấp thiết của thị trường lao động. Số liệu tại hội thảo cho biết, trong tháng 11/2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 2,95 triệu lượt người, khách nội địa đạt 96,3 triệu lượt người. Riêng tháng 10/2022, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 12,1% so với tháng trước đó. 

Tuy nhiên, thống kê từ Tổng cục Du lịch chỉ ra đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến 2,5 triệu lao động trong ngành du lịch với 800.000 lao động trực tiếp. Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cảnh báo nguy cơ thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao.  

Tại hội thảo, các chuyên gia và doanh nghiệp nhận định ngành du lịch đang "thừa thầy, thiếu thợ" trong cán cân lao động, đào tạo không đáp ứng nhu cầu thực tiễn, cũng như chưa có hướng đi khác biệt để tạo lợi thế cạnh tranh. Điều này đặt ra yêu cầu cho các đơn vị đào tạo, phải nhanh chóng đổi mới phương thức đào tạo để có thể tạo ra cơ hội nghề nghiệp mới mở rộng hơn trong lĩnh vực du lịch cho lao động Việt Nam.  

Theo Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Lê Trương Hiền Hoà, ngành du lịch thành phố hiện có khoảng 160.000 lao động trực tiếp và 1 triệu lao động gián tiếp. Trong đó, có 7.184 hướng dẫn viên, với 4.280 hướng dẫn viên quốc tế và 2.904 hướng dẫn viên nội địa, nhưng số hướng dẫn viên rành tiếng Hàn Quốc và Nhật Bản - thị trường có du khách đông - chỉ chiếm 15%.

PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Đào tạo nguồn nhân lực ASEAN, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, qua khảo sát, mỗi năm ngành du lịch cần 40.000 lao động, nhưng thực tế chỉ cung cấp được 20.000 lao động, trong đó đa số là lao động phổ thông. Ngành du lịch đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chất lượng cao và tình trạng mất cân đối trong cán cân đào tạo. 

-6019-1670809381.jpg

Khách du lịch đã xuất hiện nhiều trên phố đi bộ Nguyễn Huệ quận 1 vào cuối năm 2022 - Ảnh: TN

Tại buổi tham luận, PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Hà Nội đã phác thảo 11 giải pháp thúc đẩy công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Ông chỉ ra các xu hướng đào tạo tiêu biểu trên thế giới, như đào tạo mở, đào tạo từ xa, trao quyền tự chủ cho người học; xu hướng chuyển nhượng, nhượng quyền thương hiệu trong đào tạo. 

Theo ông Phạm Hồng Long, có rất nhiều giải pháp khác nhau nhằm hướng đến đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, song sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan trong hoạt động đào tạo là quan trọng nhất. Trong khi đào tạo, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa người đào tạo và người học, sự phối hợp chặt chẽ với các bên như chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cộng đồng trong mọi giai đoạn của hoạt động đào tạo.

Từ nội dung này, các đại biểu cùng đưa ra nhiều ý kiến giúp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch ở các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Anh Tuấn, các ý kiến đã khẳng định tầm quan trọng cũng như yêu cầu bức thiết với việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đặc biệt trong tình hình mới hiện nay và thông tin các ý kiến tại hội thảo sẽ được tổng hợp đầy đủ với các giải pháp cụ thể gửi tới lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và các đơn vị liên quan.

Việt Nam hiện có khoảng 200 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có 62 trường đại học có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp, 4 trung tâm về dạy nghề nhưng nguồn cung ứng lao động du lịch chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tìm lời đáp cho vấn đề "thừa thầy, thiếu thợ" ngành du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO