GDP tăng tốc trong quý III với mức tăng trưởng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, nhờ mức tăng từ xuất khẩu giúp bù đắp nhu cầu trong nước đang ở mức thấp. Tuy nhiên, các tín hiệu cải thiện này vẫn chưa đủ mạnh để vực dậy toàn bộ nền kinh tế do nhiều doanh nghiệp hiện vẫn đang đối mặt với khó khăn, tỷ lệ hàng tồn kho cao, khả năng hấp thụ vốn đầu tư của nền kinh tế thấp và nhu cầu trong nước còn yếu.
Sau nửa năm liên tục duy trì ở mức 8,1 điểm, Chỉ số tiêu dùng Purchasing Konfidence đã quay về mức 7,4 điểm, bằng với cùng kỳ năm trước. Niềm tin của người tiêu dùng thành thị đang suy giảm, chủ yếu ở nhóm hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người dưới 3 triệu đồng/tháng.
Chỉ số Purchasing Konfidence là chỉ số do Kantar Worldpanel tổng hợp nhằm đo lường mức độ tự tin của người tiêu dùng khi chi tiêu mua sắm, với 3 thành tố chính: khả năng mua sắm, mức sẵn lòng chi tiêu và tiêu dùng thực.
Mặc dù khả năng mua sắm và mức sẵn lòng chi tiêu đã cải thiện trong quý vừa qua, nhưng chỉ số tiêu dùng thực lại suy yếu dần do người tiêu dùng đang phải thắt chặt chi tiêu các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Theo kết quả nghiên cứu của Kantar Worldpanel, 51% người tiêu dùng thành thị cho biết họ dự đoán tình hình tài chính gia đình sẽ được cải thiện trong 12 tháng tới, và chỉ 3% nghĩ rằng tình hình sẽ tệ đi.
Tuy nhiên, khi được hỏi về tình hình hiện tại, chỉ có 15% tin rằng họ không hề phải lo lắng chuyện tiền nong, trong khi có đến 22% thừa nhận họ đang phải đối mặt với một số áp lực về tài chính. Mặc dù vẫn có tâm lý lạc quan về tương lai, nhưng khi phải đưa ra quyết định chi tiêu, người tiêu dùng Việt Nam lại khá thực tế.
Khi họ phải đối mặt với áp lực làm sao để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng thiết yếu với ngân sách hạn hẹp, tâm lý lạc quan này dường như không đủ mạnh để tạo cú hích cho một đợt phục hồi tiêu dùng, thậm chí là cho lĩnh vực thiết yếu như FMCG. Theo Kantar Worldpanel, 47% hộ gia đình thành thị đã phải cắt giảm đáng kể chi tiêu cho FMCG.
Nhìn chung, mặc dù đã có một số cải thiện trong tâm lý người tiêu dùng đối với tình hình kinh tế, tài chính gia đình cũng như mức độ sẵn lòng chi tiêu, chỉ số Purchasing Konfidence vẫn cho thấy một đợt giảm nhẹ trong quý III vừa qua do người tiêu dùng vẫn thắt chặt ngân sách chi tiêu FMCG.
Cần phải có nhiều tín hiệu hâm nóng hơn nữa từ tình hình kinh tế để có thể tạo ra chất xúc tác kích thích nhu cầu người tiêu dùng trong những tháng tới. Tuy nhiên, ngay cả khi những dấu hiệu này xuất hiện, vẫn sẽ cần một khoảng thời gian nhất định để những cải thiện vĩ mô có thể thực sự đem lại phản ứng tích cực từ phía người tiêu dùng.