Thường vụ Quốc hội yêu cầu tính lại thuế với giá xăng

P.V| 25/03/2022 09:30

Chính phủ được yêu cầu rà soát, điều chỉnh các loại thuế, phí và yếu tố cấu thành giá cơ sở, chi phí và lợi nhuận định mức...

Thường vụ Quốc hội yêu cầu tính lại thuế với giá xăng

Nhân viên cây xăng ở quận 3 đổ nhiên liệu cho khách hàng, tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 24/3/2022 đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9. Trong lĩnh vực Công Thương, Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng và các Bộ có kịch bản, phương án rõ ràng và quyết liệt để bảo đảm an ninh năng lượng, cân đối cung cầu xăng dầu trong mọi tình huống.

Cơ quan thường trực của Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát, điều chỉnh các loại thuế, phí và các yếu tố cấu thành giá cơ sở, định mức hao hụt, chi phí, lợi nhuận định mức... phù hợp thực tế, công khai và minh bạch.

Hiện, với mỗi lít xăng, người tiêu dùng phải chịu 38-40% thuế, phí và được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON 95, xăng sinh học E5 RON 92 l là 8%), thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường 4.000đ. Ngoài ra còn các khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển... chiếm 5-8%.

Ví dụ, nếu giá xăng thành phẩm RON 92 là 130 USD/thùng, thì giá cơ sở để tính giá bán lẻ là 30.800đ. Trong đó, giá CIF là 18.855đ, gần 12.000đ tiền thuế và các chi phí định mức, lợi nhuận định mức... Đồng nghĩa, tỷ trọng thuế, các chi phí trong mỗi lít xăng dầu lên tới gần 39%, với riêng thuế là gần 34%.

Trước đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 23/2 đã đồng ý giảm 2.000đ thuế môi trường trên mỗi lít xăng, 1.000đ mỗi lít dầu, từ đầu tháng 4 đến hết năm 2022. Sau giảm thuế này, mỗi lít xăng dự kiến giảm tương ứng 2.200đ (gồm VAT) và giá dầu cũng được điều chỉnh 1.100đ.

Tuy nhiên, ngoài giảm thuế bảo vệ môi trường, Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng nên cân nhắc giảm thuế nhập khẩu với xăng. Đây được xem là biện pháp bổ sung để can thiệp trong trường hợp giá dầu thô thế giới biến động.

Bên cạnh đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng nhấn mạnh, Chính phủ cần bám sát diễn biến giá dầu thế giới; sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu hợp lý và kết hợp với thuế, các công cụ khác để bình ổn thị trường. Trường hợp giá xăng, dầu tăng cao thì hỗ trợ trực tiếp người dân gặp khó khăn, như ngư dân, người nghèo, người có thu nhập thấp...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thường vụ Quốc hội yêu cầu tính lại thuế với giá xăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO