Thời sự

Thương mại điện tử làm nóng nghị trường Quốc hội

Phan Thế Hải 10/06/2024 - 14:11

Với lợi thế dân số trẻ, trình độ học vấn khá cao, Việt Nam đang rất hấp dẫn đối với nhiều DN thương mại điện tử. Hơn chục năm về trước, khái niệm thương mại điện tử còn khá xa lạ với người tiêu dùng, song giờ đây, lĩnh vực này ở Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc từ 16-30%/năm và dự kiến quy mô thị trường sẽ đạt 22,5 tỷ USD trong năm 2024.

tmbd.jpg

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 4/6 tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XV, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đặt câu hỏi: Có những livetream bán hàng chốt đơn hàng chục tỷ đồng, vậy công tác quản lý nhà nước thế nào, vấn đề thu thuế ra sao?

Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company công bố ngày 1/11/2023, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong hai năm liên tiếp (2022 và 2023) và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2025. Tổng giá trị hàng hóa qua thương mại điện tử (GMV- Gross Merchandise Value) của Việt Nam dự kiến tăng 20%, từ 30 tỷ USD năm 2023 lên gần 45 tỷ USD vào năm 2025. Đặc biệt, tăng trưởng GMV trong hai năm tới của kinh tế số tại Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi lĩnh vực thương mại điện tử.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, thương mại điện tử Việt Nam giữ tốc độ tăng trưởng 20% trong năm 2022 và 25% trong năm 2023. Có thể thấy, trong suốt những năm qua, thương mại điện tử luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16-30%, dự kiến đạt 22,5 tỷ USD trong năm 2024.

Tốc độ tăng trưởng cao nhưng quản lý nhà nước thì chưa theo kịp nên vẫn xảy ra tình trạng lộn xộn, bất cập, như hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn khiến người tiêu dùng mất niềm tin. Nhà nước thất thu thuế, đặc biệt là với các đơn hàng nhỏ lẻ. Vấn đề bảo mật và an toàn thông tin cá nhân là mối quan tâm lớn trong thương mại điện tử. Các trường hợp vi phạm dữ liệu và gian lận làm giảm lòng tin của người dùng nên phải do dự khi thanh toán trực tuyến.

Vấn đề đặt ra là quản lý nhà nước cần phải có công cụ mới để thương mại điện tử phát triển lành mạnh, bền vững.

Trở lại câu hỏi của đại biểu Nguyễn Chí Nghĩa, thương mại điện tử giờ đây không còn là “trò chơi” của người trẻ tuổi mà đã trở thành những thương vụ lớn trên không gian ảo, nhưng trên đó còn thiếu vắng sự quản lý của Nhà nước.

Với tư cách là cơ quan quản lý chuyên môn về công nghệ, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông có cách giải thích khá hay: Thương mại điện tử được sinh ra từ công nghệ số. Mỗi ngày có hàng triệu sản phẩm được chào bán với hàng triệu cuộc livestream, không thể dùng sức người để quản lý được, phải dùng công nghệ. Chỉ có thể dùng công nghệ để quản lý công nghệ. Đây là lúc mà trí tuệ nhân tạo (AI) phải vào cuộc. Trên không gian mạng, công nghệ số là lực lượng cơ bản.

Công cuộc chuyển đổi số quốc gia gắn với ba trụ cột chính là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Kinh tế số đang kết nối toàn cầu. Doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể tương tác và giao dịch trên phạm vi quốc tế thông qua nền tảng trực tuyến, thị trường điện tử và các ứng dụng di động. Việc phát triển của kinh tế số tạo ra rất nhiều việc làm trên thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và quản lý dữ liệu. Điều này giải thích vì sao thương mại điện tử tăng trưởng với tốc độ 20, 25, 30%/năm. Với thị trường ấy, cơ hội ấy không thể dùng sức người để quản lý mà phải dùng công nghệ số để quản lý. Theo ông Hùng - Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cùng với doanh nghiệp phát triển công cụ số để người dân nhận diện được sản phẩm trên không gian mạng.

Cùng với việc tăng đầu tư cho việc viết phần mềm chương trình công nghệ số để quản lý thương mại điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai hệ số tín nhiệm mạng, xếp hạng các website rồi gắn mã cho các website được tín nhiệm cao.

Điều rất quan trọng nữa là việc nâng cao trình độ công dân số. Công dân số là người sử dụng được công nghệ thông tin, truyền thông thông minh vào hầu hết tất cả mọi lĩnh vực của đời sống, từ cấp địa phương cho đến cấp quốc gia, và toàn cầu. Công dân số còn gắn liền với sự hiểu biết nhất định về công nghệ thông tin, đặc biệt là hiểu được tình trạng thực tế của thế giới ảo và nền văn hóa số. Công dân số là người nhận ra rằng thế giới ảo mà trong đó tồn tại thế giới thực đang được mô phỏng, xây dựng, phát triển, và sau đó được triển khai, mở rộng trên môi trường số. Công dân số phải là những người tiêu dùng thông thái trên môi trường thương mại điện tử. Đó cũng là nhân tố quan trọng để đẩy lùi tệ bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Công dân số là nhân tố quan trọng để thương mại điện tử phát triển nhanh và lành mạnh, nhưng để có lực lượng này, Nhà nước cần phải có chính sách phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử. Thương mại điện tử ngày càng phát triển nhanh chóng nên rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản.

Để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực công nghệ số, năm 2025 có 50% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo thương mại điện tử, một triệu lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử”.

Với việc thương mại điện tử được đưa ra thảo luận ở nghị trường Quốc hội cũng là cách để thu hút đông đảo người dân quan tâm đến một ngành “nóng” trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thương mại điện tử làm nóng nghị trường Quốc hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO