Thực đơn tăng sức đề kháng cho người cao tuổi

HT| 10/01/2021 03:00

Với người cao tuổi, một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp nâng cao sức đề kháng, phòng tránh bệnh tật. Ngược lại, khi chế độ dinh dưỡng thiếu hay thừa các chất đều có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng.

Thực đơn tăng sức đề kháng cho người cao tuổi

Chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi có nhiều khác biệt so với trẻ em hay người trưởng thành và là một trong những yếu tố không thể bỏ qua khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Người cao tuổi thường có bệnh nền, hệ miễn dịch suy yếu; do đó một chế độ dinh dưỡng cân đối, lành mạnh với đầy đủ dưỡng chất thiết yếu có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe phổ biến như tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp, thừa cholesterol, táo bón... và nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Khẩu phần và tần suất các bữa ăn

Người cao tuổi ít hoạt động so với thời trẻ; các chức năng cơ quan suy giảm, nhu cầu năng lượng cũng giảm. Sự bài tiết dịch vị trong dạ dày ở cơ thể người cao tuổi thường giảm, vì thế việc hấp thụ các chất như canxi, sắt cũng trở nên kém hơn và quá trình tiêu hóa thức ăn cũng dài hơn. Chính vì vậy, khẩu phần bữa ăn cho người cao tuổi nên cân đối 4 nhóm thực phẩm: đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất.

Chất đạm: Người già dễ bị thiếu hụt đạm do việc tiêu hóa, hấp thụ đạm kém dẫn đến gầy yếu, trí nhớ kém, suy giảm hệ miễn dịch... Nên bổ sung thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, lạc, vừng, sản phẩm chế biến từ đậu.

Tinh bột và đường: Đối với tinh bột, nên ăn ở mức vừa phải. Mỗi bữa chỉ nên ăn 1-2 lưng bát cơm, ăn nhiều rau xanh, khoai củ để cung cấp chất xơ ngăn ngừa táo bón. Ngoài ra, nên ăn các món luộc, hấp, hạn chế các món xào, rán, chất béo từ mỡ động vật.

Chất béo: Chất béo ưu tiên sử dụng chất béo chưa no như các loại dầu thực vật, hạn chế ăn mỡ động vật, bổ sung thêm omega-3 tốt cho hệ tim mạch.

Vitamin và khoáng chất: Nên bổ sung các loại vitamin nhóm B, C, D... và các khoáng chất quan trọng như sắt, canxi, kẽm... để tăng cường sức đề kháng.

Việc chia nhỏ các bữa ăn trong ngày giúp làm giảm áp lực cho dạ dày và giúp hệ tiêu hóa hoạt động dễ dàng hơn. Vì thế, người cao tuổi nên chia 3 bữa ăn chính xen kẽ 2-3 bữa phụ, đồng thời khoảng cách giữa các bữa ăn nên đều nhau và đúng giờ. Điều này càng có ý nghĩa hơn đối với những người cao tuổi mắc thêm bệnh tiểu đường.

Xây dựng thực đơn hợp lý

Người cao tuổi nên nạp vào cơ thể ít calo hơn vì nhịp chuyển hóa của cơ thể đã chậm. So với lúc trẻ, người cao tuổi thường giảm khối cơ bắp (mỗi năm giảm khoảng 200g) vì ít hoạt động hơn trước. Giảm 200-400 calo/ngày sẽ đáp ứng với hiện tượng chuyển hóa chậm vì bớt hoạt động chân, tay. Một khẩu phần cho người cao tuổi thường chỉ 1.600 calo/ngày là đủ.

Người cao tuổi nên ăn thành nhiều bữa ăn nhỏ xen kẽ các bữa ăn chính, khoảng 3 bữa chính và xen kẽ 2 bữa phụ và nhận đủ dinh dưỡng như sau:

Chất bột đường: Người cao tuổi nên sử dụng ít cơm và ăn nhiều khoai củ để tăng chất xơ, chống táo bón, thải cholesterol thừa, đồng thời hạn chế nguy cơ tăng đường huyết và ung thư đại tràng.

Chất béo: Người cao tuổi cần hạn chế tối đa dung nạp mỡ lợn, da, óc, nội tạng vào cơ thể. Mỗi tuần chỉ ăn 2-3 quả trứng và dùng dầu thực vật như: dầu nành, dầu mè để không mắc bệnh béo phì, huyết áp; mỡ dưới 600g.

Chất đạm: Người cao tuổi vẫn cần cung cấp đủ chất đạm như: cá, đậu hũ, các loại đậu và sữa đậu nành. Tuy nhiên, cần hạn chế thịt lợn mỡ, đồng thời ăn xen kẽ các bữa thịt và cá trong tuần trung bình 1kg thịt, 2kg cá và 3kg đậu hũ/tháng là hợp lý.

Sữa: Không chỉ trẻ nhỏ mới cần bổ sung dinh dưỡng mỗi ngày mà người cao tuổi cũng cần có nguồn thực phẩm này để bổ sung đầy đủ dưỡng chất. Mỗi ngày, người cao tuổi nên uống ít nhất 1 ly sữa ít béo, ít đường để đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể.

Thường xuyên uống nhiều nước trong ngày, đảm bảo đủ lượng nước cơ thể cần. Tránh ăn quá no và nhịn đói lâu, đồng thời giảm lượng đường, muối trong khẩu phần ăn hằng ngày: muối dưới 300g/tháng, đường dưới 500g/tháng. Tăng cường ăn rau xanh và quả chín ít ngọt rất tốt cho sức khỏe. Nguồn thực phẩm này giúp người cao tuổi bổ sung thêm lượng vitamin, chất khoáng đồng thời giúp chống bệnh táo bón, hạn chế tăng đường huyết, kiểm soát cân nặng và chống lão hóa hiệu quả.

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, người cao tuổi cần giữ tâm hồn thanh thản, không nghĩ ngợi nhiều; duy trì chế độ ăn uống hợp lý kết hợp lối sống lành mạnh; tập thể dục vừa sức hằng ngày đều đặn hai buổi sáng, tối; không ngủ muộn hơn 22 giờ nhưng cũng không nên đi ngủ sớm để đảm bảo duy trì được giấc ngủ sâu từ 23 giờ đêm đến 3 giờ sáng, đây là thời gian cho các cơ quan bộ phận nghỉ ngơi, đồng thời cũng là thời gian cơ thể thải độc, tái tạo tế bào sẽ giúp người cao tuổi duy trì sức khỏe ổn định, tăng tuổi thọ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thực đơn tăng sức đề kháng cho người cao tuổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO