Thủ tướng chứng kiến tỉnh Kiên Giang và doanh nghiệp ký bản ghi nhớ đầu tư - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Sau khi chứng kiến tỉnh trao quyết định chủ trương đầu tư, ký kết các thỏa thuận, bản ghi nhớ đầu tư với doanh nghiệp với tổng số vốn hơn 193.000 tỷ đồng, phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết có 5 điểm mà ông thấy ấn tượng về “dòng vốn mới” này.
Trước hết, tỉnh đã chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng trong thẩm định, xem xét các thủ tục, quy trình, tài chính của nhà đầu tư. Thứ hai, số vốn đổ vào nhiều lĩnh vực, từ giáo dục đào tạo, đến nông nghiệp chất lượng cao, đến du lịch, bất động sản, công nghiệp chế biến… Thứ ba, bên cạnh các nhà đầu tư ngoài nước, FDI, có rất nhiều nhà đầu tư trong nước, kể cả nhà đầu tư ở Kiên Giang đến đây làm ăn. Thứ tư, không chỉ đầu tư ở Phú Quốc, các nhà đầu tư đã coi Hà Tiên, Rạch Giá là nơi có nhiều tiềm năng để đầu tư. Thứ năm, có nhiều nhà đầu tư lớn, “sếu đầu đàn” đầu tư vào đây như FLC, Minh Phú, Vietjet… cùng nhiều nhà đầu tư trẻ tuổi khác. “Chúng ta thấy điều rất vui mừng là các nhà đầu tư trong nước đã xắn tay áo vào làm ăn tại Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Trong khuôn khổ sự kiện, tại TP. Rạch Giá, Thủ tướng đã dự lễ khởi động dự án Khu đô thị Phú Cường Hoàng Gia có tổng vốn đầu tư gần 9.000 tỷ đồng.
Để có được sức thu hút này, Kiên Giang - vùng đất được xưng tụng là “trăng cũng đẹp, đất cũng đẹp, sao đâu đâu cũng đẹp”, đang thay da đổi thịt từng ngày, mang trong mình khát vọng trở thành tỉnh giàu mạnh toàn diện, đóng vai trò quan trọng trong tổng thể chiến lược kinh tế biển của cả nước. Ngược dòng lịch sử, từ khoảng 300 năm trước, vùng đất này đã từng là chốn giao thương tấp nập, như câu ca dao đã có từ lâu đời: “Kênh Vĩnh Tế, biển Hà Tiên. Ghe thuyền xuôi ngược bán buôn dập dìu”. Ngày nay, không chỉ có đảo ngọc Phú Quốc, một địa danh nổi bật của ASEAN mà Kiên Giang hoàn toàn có tiềm năng, lợi thế trở thành hòn ngọc tỏa sáng trên Vịnh Thái Lan, có sức hấp dẫn độc đáo với du khách và nhà đầu tư trên toàn thế giới. Những năm qua, kinh tế - xã hội của Kiên Giang phát triển toàn diện. Đặc biệt, thương hiệu du lịch Kiên Giang - Phú Quốc đã mang tầm quốc tế. Phú Quốc được bình chọn là một trong 19 điểm điểm đến tốt nhất châu Á năm 2019, top 5 điểm đến mùa thu hàng đầu tại châu Á- Thái Bình Dương. Cảnh đẹp của Kiên Giang ngày xưa từng được ca ngợi qua “Hà Tiên thập vịnh”. Nhiều danh thắng du lịch nổi tiếng như Hòn Phụ Tử, Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Vườn Quốc gia Phú Quốc… Văn hóa ẩm thực ở Kiên Giang rất nổi tiếng như nước mắm Phú Quốc, cháo môn, sò huyết Hà Tiên, bún cá Kiên Giang… mà “lần đầu ăn tô bún cá, chạy dìa Rạch Giá bỏ má theo em”.
“Kiên Giang có nhiều tài nguyên quý mà nhiều nhà đầu tư, cũng như chính các nhà quản lý cũng chưa biết”, Thủ tướng nói.
Với các tiềm năng sẵn có nêu trên, nền kinh tế Kiên Giang có thể phát triển dựa trên ba trụ cột, gồm nông nghiệp chất lượng cao thích ứng với biến đổi khí hậu; thủy sản sạch gắn với ngành công nghiệp chế biến được định vị ở phân khúc cấp cao; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Kinh tế biển sẽ giữ vai trò động lực tăng trưởng chính cùng với kinh tế cửa khẩu và sự phát triển bứt phá của Phú Quốc.
Về tầm nhìn cho Kiên Giang, Thủ tướng nêu rõ, tỉnh cần trở thành một trong những tỉnh Tây Nam Bộ năng động, đổi mới và giàu có của cả nước dựa trên những lợi thế so sánh tự nhiên, nền kinh tế hướng biển, phát huy tốt nhất mọi tinh hoa của miền đất có nguồn tài nguyên nông nghiệp đặc sắc, một không gian trải nghiệm du lịch nhiệt đới độc đáo đẳng cấp quốc tế hướng tới phát triển du lịch bền vững và bao trùm. “Và đặc biệt quý hơn tất cả là khí chất cần cù, nét hào sảng, tinh thần sẵn sàng chinh phục thử thách của những người con Nam Bộ từ bao đời nay ở nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc ta”.
Với vị thế đặc biệt của Phú Quốc, theo Thủ tướng, cần có tầm nhìn để biến đảo ngọc thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng giải trí độc đáo mang đẳng cấp quốc tế. “Chúng ta tập trung cho Phú Quốc phát triển không phải để cạnh tranh với các địa phương của Việt Nam trong thu hút nguồn lực và cơ hội phát triển, mà để Phú Quốc cạnh tranh hiệu quả và sòng phẳng với các quốc gia khác.
Phú Quốc cũng nên tập trung vào những lợi thế so sánh cốt lõi là tài nguyên biển và tài nguyên sinh thái. Cần phát triển chuỗi giá trị du lịch bao gồm những ngành kinh tế liên quan để các ngành đó không mâu thuẫn với phát triển du lịch, giữ được vẻ đẹp tự nhiên, cảnh quan môi trường và bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương Phú Quốc.
Phát triển Phú Quốc cần lưu ý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai, bảo đảm chất lượng môi trường và quan tâm đến lợi ích của người dân nhất là sinh kế. Thu hút những nhà đầu tư lớn, đúng nghĩa là giàu kinh nghiệm, có thực lực về tài chính, có lợi ích lâu dài ở Phú Quốc. Thủ tướng nhấn mạnh, không đầu tư ở Phú Quốc một cách chộp giật và không nên tập trung quá lớn cho du lịch và bất động sản ở hòn đảo phát triển tốc độ nhanh vừa qua. Cho nên, để du lịch phát triển bền vững, cần giữ môi trường tự nhiên và xã hội an bình nơi đây, phải thực hiện tốt quy hoạch, “không được bê tông hóa Phú Quốc”.
Thủ tướng nêu rõ, với định hướng phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng thì chất lượng môi trường chính là tài nguyên vô giá, do đó, trong quá trình hoạch định, đầu tư phát triển Kiên Giang nói chung, Phú Quốc nói riêng, tuyệt đối cần bảo đảm chất lượng môi trường từ chất lượng nguồn nước cho tới đất đai và không khí phải thực sự tinh khiết và trong sạch. Kiên quyết không phá vỡ môi trường, cảnh quan tự nhiên vì tầm nhìn ngắn hạn.
Kiên Giang cần phải tăng tốc thứ hạng môi trường kinh doanh. Cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh khi mà đây là năm thứ 5 liên tiếp PCI của Kiên Giang tụt thứ hạng.
Là tỉnh có nguồn thu ngân sách đứng thứ ba trong các tỉnh ĐBSCL, Kiên Giang là một trong số ít tỉnh có khả năng nhất của vùng ĐBSCL tiến đến tự chủ ngân sách trong năm 2020.
“Kiên Giang cần có chiến lược, bước đi để trả lời câu hỏi, doanh nghiệp của tỉnh Kiên Giang, các nhà đầu tư vào Kiên Giang và người dân Kinh Giang phải làm gì để Kiên Giang hội nhập sâu rộng với các FTA mà Việt Nam là thành viên”, Thủ tướng đặt vấn đề. Các cấp chính quyền phải thực sự cầu thị, đối thoại, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Với nhà đầu tư, Thủ tướng nhắc lại thông điệp: Lời nói phải đi đôi với việc làm, phải làm đến nơi đến chốn, làm nhanh, không nói thứ không làm được. Chúng ta chỉ cần số ít nhà đầu tư có tiềm lực thực sự chứ không cần nhiều nhà đầu tư nhưng kém năng lực. Doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững ở địa phương để đề cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội và cộng đồng dân cư sở tại. Chính phủ rất cần nhà đầu tư chuẩn mực, hướng đến các giá trị dài hạn, có đóng góp cho nền kinh tế và thực hiện các trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. “Chúng ta kiên quyết không chấp nhận những doanh nghiệp lợi dụng lỗ hổng của luật pháp để trục lợi, làm ăn phi chân chính, trốn thuế, gian lận thương mại, gây ô nhiễm môi trường, làm hư hại các tài nguyên thiên nhiên, làm xói mòn các giá trị xã hội”.
Về phía Chính phủ, Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục tháo gỡ thể chế ở một số lĩnh vực còn chồng chéo, tiếp tục chỉ đạo thực hiện thành công Chính phủ điện tử, nền kinh tế số ở Việt Nam, tạo thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư. Cho biết cùng đồng hành với các địa phương, tháo gỡ các nút thắt mà các địa phương đang gặp phải, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn xem các nút thắt mà địa phương, trong đó có Kiên Giang, đang xử lý cũng là trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành.
(Nguồn VGP News)