* Nửa đầu năm 2019, vốn FDI vào Việt Nam nhiều nhưng quy mô các dự án đang ngày càng nhỏ, chỉ quanh mức 1 triệu USD. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
- Môi trường đầu tư của Việt Nam được đánh giá là đang tốt nên không chỉ các nhà đầu tư lớn mà cả nhà đầu tư vừa vào nhỏ cũng tìm vào. Tuy nhiên, quy mô vốn bình quân một dự án FDI được cấp phép trong năm 2018 là 5,9 triệu USD, sụt giảm hơn ba lần so với năm 2008, khi quy mô vốn bình quân của dự án FDI là 19 triệu USD và nửa đầu năm nay thì vốn FDI cho mỗi dự án lại càng thấp, thậm chí chỉ trên 1 triệu USD.
Việt Nam đang là điểm đến đầu tư của 95 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thu hút FDI đang thiên về chất lượng là đảm bảo định hướng vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, chú trọng các dự án công nghệ cao, công nghệ thông minh, không tác động xấu tới môi trường. Sáu tháng đầu năm 2019, Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,3 tỷ USD, chiếm 28,7%, Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,73 tỷ USD, chiếm 14,8%, Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,29 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.Tuy nhiên, quy mô dự án ngày một nhỏ, các dự án quy mô chỉ 1 triệu USD ngày càng nhiều lên và như vậy có thể kéo theo nguy cơ dự án FDI công nghệ lạc hậu tăng, đồng thời cản trở khu vực tư nhân nội địa hòa nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này đặt ra vấn đề Việt Nam phải sàng lọc khi thu hút vốn FDI.
* Nhưng Việt Nam có thể sàng lọc các dự án FDI hiệu quả từ cơ chế, chính sách hiện hành?
- FDI là nguồn bổ sung vốn quan trọng trong tổng nguồn vốn, nhất là trong giai đoạn đầu của nền kinh tế thị trường. Việt Nam mong muốn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới, từ các nước nắm giữ công nghệ nguồn, có năng lực quản trị hiện đại, nhưng đến nay vẫn chưa có những cơ chế, tiêu chí cụ thể cho nguồn vốn này. Hầu hết các tỉnh, thành phố vẫn nhìn nhà đầu tư để chọn dự án. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài thường nhìn vào những tiêu chuẩn do các tỉnh, thành đưa ra để quyết định đầu tư.
* Nhưng một “bộ lọc” như thế nào thì sẽ phù hợp với điều kiện hiện nay?
- Việt Nam không thể sàng lọc FDI bằng ý thức chủ quan mà phải có những văn bản pháp luật, tiêu chí cụ thể về vốn, công nghệ, môi trường và lao động. Nhân tố quyết định chất lượng và hiệu quả của FDI là lựa chọn đúng dự án và nhà đầu tư. Do đó, những tiêu chí thu hút FDI mới cần được xây dựng trên cơ sở khoa học. Nhưng để xây dựng được những tiêu chí này, các nhà hoạch định chính sách phải có năng lực để xác định thế nào là công nghệ cao, công nghệ nguồn và các cơ chế ưu đãi. Đây là bài toán khó nhưng phải làm để thay đổi cách thức thu hút FDI thời gian tới.
Ngày một nhiều tập đoàn toàn cầu đầu tư vào Việt Nam, như Samsung, Intel... nhưng doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ lệ rất thấp trong chuỗi giá trị cũng như hàm lượng công nghiệp hỗ trợ cho các tập đoàn này. Việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu tại chỗ khiến nhiều tập đoàn phải kéo cả doanh nghiệp nước họ vào Việt Nam làm vệ tinh. Vấn đề này cần xem xét trong quá trình thu hút FDI mới, làm sao để các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước tham gia được vào chuỗi giá trị của các tập đoàn toàn cầu. Song, thực tế này cần được nhìn cả hai mặt tích cực và tiêu cực.
* Cảm ơn ông!