Nhái và lấy cảm hứng: Ranh giới mong manh?

Minh Nguyễn| 27/06/2019 06:00

Tương tự như các ngành nghệ thuật, trong thời trang, việc lấy cảm hứng từ một cá nhân hay trường phái để sáng tạo là điều không hiếm gặp. Tuy nhiên, ranh giới giữa việc lấy cảm hứng và sao chép ý tưởng của người khác lại khá mong manh. Không ít nhà thiết kế Việt Nam thường vin vào việc mượn ý tưởng để biện hộ mỗi khi bị phát hiện đạo nhái.

Nhái và lấy cảm hứng: Ranh giới mong manh?

Những con sâu làm rầu nồi canh

Đạo nhái thiết kế trong làng thời trang Việt thi thoảng vẫn ầm ĩ trên truyền thông. Song việc tố cáo chỉ dừng lại trên góc độ “ông nói qua bà nói lại”. Một phần vì sự nể nang trong nghề, phần còn lại vì chính bản thân nhà thiết kế (NTK) cũng không tự tin về chính thiết kế của họ. Việc NTK này tố NTK kia đạo nhái sản phẩm rồi bị công chúng phanh phui đạo nhái ngược lại không còn là chuyện hiếm.

Tuy nhiên, trường hợp nhà mốt người Pháp Alexis Mabille chỉ đích danh NTK L.T. H vì ăn cắp ý tưởng từ một trang phục trong bộ sưu tập Haute Couture Thu - Đông 2015 của ông qua mạng xã hội Facebook và Instagram là điều hy hữu. Rõ ràng, khi thế giới ngày càng phẳng hơn, việc sao chép ý tưởng dễ dàng diễn ra hơn và cũng dễ bị phát hiện hơn. “Thật xấu hổ cho bạn” có lẽ là lời nhận xét đáng buồn nhất cho người làm công việc sáng tạo, đủ sức làm lung lay những giá trị NTK đã từng dựng xây trước đó.

dao-nhai-01-3612-1561524352.jpg

Trang phục của L.T.H có thiết kế giống với trang phục của Alexis Mabille đến 98%

Cũng từ scandal này, công chúng quan tâm đến thời trang Việt khám phá ra trang Instagram có tên Fashion Police, tập hợp và đối sánh khá nhiều thiết kế nguyên bản và thiết kế bị sao chép để người xem tự đánh giá. Bất ngờ thay khi rất nhiều cái tên được cho là uy tín, đình đám của làng thời trang Việt xuất hiện trong danh sách này như: Đ.L, T.T.C, L.S… với các mẫu thiết kế được nhiều người nổi tiếng Việt Nam như: H’Hen Niê, Tóc Tiên, Phạm Quỳnh Anh… khoác lên người giống đến 99% thiết kế từ các nhà mốt danh tiếng. Lý do người nổi tiếng vì quá yêu thích thiết kế nước ngoài mà đặt hàng được đưa ra, nhưng nhìn vào những người nổi tiếng vừa liệt kê ở trên e là khó thuyết phục!

Chia sẻ về thực trạng chung này, ông Dzũng Yoko, Giám đốc sáng tạo của tạp chí Elle Việt Nam nhận định: “Tôi thực sự thất vọng vì điều này, bởi ở đó, tôi thấy sự thiếu trung thực trong sáng tạo của các NTK. Thời trang thiết kế khác với thời trang nhanh (fast fashion) ở nét độc đáo, sự riêng biệt và yêu cầu cao về chất xám lẫn giá trị trong từng bộ trang phục. Khách hàng tìm đến các sản phẩm thiết kế riêng, rất quan tâm đến điều này”.

Ranh giới nào giữa sao chép và lấy cảm hứng?

Theo ông Dzũng Yoko, có hai khía cạnh chính để xét đến việc đạo nhái và lấy cảm hứng trong thời trang là phom dáng và xử lý chất liệu, cách đính kết. NTK có thể mượn phom dáng nhưng nguồn cảm hứng, xử lý chất liệu, cách đính kết phải khác đi. Và ngược lại. Style Coaching Bùi Việt Hà làm rõ thêm: “Hầu như hiện nay rất khó tìm được một thiết kế nguyên bản hoàn toàn mà không chịu ảnh hưởng từ một thiết kế nào đó trong quá khứ, bởi thời trang là sự xoay vòng và kế thừa. Nhưng việc lấy cảm hứng thường chỉ dừng lại ở phom dáng. Chẳng hạn thiết kế lưng cao, ôm eo, chân váy xòe của Dior đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều NTK trên thế giới, tạo ra những trang phục mới phù hợp với hoàn cảnh hiện tại và ngôn ngữ của chính NTK đó mà không ai gọi đó là đạo nhái cả”.

dao-nhai-03-1413-1561524353.jpg

Thiết kế do H'Hen Niê mặc từ NTK Linh San bị tố đạo từ mẫu váy cưới của Lior Charchy

“Ranh giới này là một sự vi tế mà bạn chỉ có thể đo bằng lòng tự trọng và danh dự nghề nghiệp” - NTK Sĩ Hoàng khẳng định. Anh cho biết, việc NTK tham khảo, theo dõi các xu hướng thời trang đang diễn ra trên thế giới là điều hoàn toàn bình thường và cần thiết để không lạc hậu. “Bạn xem người ta làm gì, đến đâu rồi sau đó hãy quên nó đi và sáng tạo ra cái của riêng mình. Tôi nghĩ điều tệ hại nhất với một người làm công việc sáng tạo là khi nhìn vào thiết kế của mình, công chúng lại nghĩ đến người khác”.

Đáng nói hơn là ứng xử của các NTK khi bị phát hiện đạo nhái, không một lời xin lỗi nào được đưa ra. Nếu không biện hộ, giải thích được, họ chọn cách im lặng. Im lặng đồng nghĩa với việc phủ nhận gián tiếp và tránh “bão”. Khi “bão tan”, NTK vẫn tiếp tục bán được hàng, giá sản phẩm thậm chí có phần nhỉnh hơn, NTK vẫn ung dung xuất hiện trên truyền thông và nói về những thiết kế mới như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Sự thiếu tự trọng của NTK, sự dễ dãi của truyền thông và công chúng, phải chăng đã tạo nên lớp vỏ bọc ỷ lại cho chính NTK?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhái và lấy cảm hứng: Ranh giới mong manh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO