Xuất khẩu năm 2012: Cơ hội từ thị trường mới

02/01/2012 08:39

Kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt hơn 96 tỉ USD, tăng 33,3% và là năm có mức tăng trưởng cao nhất kể từ sau năm 1995. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự báo năm 2012, nhiều mặt hàng xuất khẩu của VN tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.

Xuất khẩu năm 2012: Cơ hội từ thị trường mới

Kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt hơn 96 tỉ USD, tăng 33,3% và là năm có mức tăng trưởng cao nhất kể từ sau năm 1995. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự báo năm 2012, nhiều mặt hàng xuất khẩu của VN tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.

Ảnh & dữ liệu: T.MẠNH - Đồ họa: V.Cường

Năm nay, rất nhiều ngành đóng góp chủ lực cho kim ngạch xuất khẩu như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản... dự báo tiếp tục có tốc độ tăng trưởng tốt.

Dệt may: nâng tỉ lệ nội địa hóa lên 48%

Đạt 14,02 tỉ USD, ngành dệt may đã trở thành đầu tàu “chở” nhiều kim ngạch xuất khẩu nhất về cho VN trong năm 2011, bỏ xa hàng loạt mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực khác.

Theo ông Lê Tiến Trường - Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may VN (Vitas) kiêm Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may VN (Vinatex), điều đáng ghi nhận là năm 2011 ngành dệt may đã cải thiện được tình hình xuất siêu lên 6,5 tỉ USD, tăng hơn 1 tỉ USD so với năm 2010. Đồng thời, tỉ lệ nội địa hóa của ngành cũng nâng từ mức 46% lên 48% trong năm 2011. Vitas cho rằng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tăng trưởng cao là do các doanh nghiệp trong nước đã thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, tổ chức hoạt động đầu tư và sản xuất hiệu quả, tạo dựng được niềm tin và mối quan hệ thân thiết với các đối tác, khách hàng.

Mục tiêu xuất khẩu 15 tỉ USD của ngành dệt may trong năm 2012, theo ông Trường, là “hết sức khó khăn”, đặc biệt các thị trường nhập khẩu chính của VN như Mỹ, EU, Nhật Bản. Chưa kể các doanh nghiệp xuất khẩu còn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn khi chi phí đầu vào như điện, nước, xăng dầu, tiền lương, lãi suất cho vay... tiếp tục tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và tăng trưởng của ngành trong năm nay.

Ông Trường cho rằng để dệt may tiếp tục là đầu tàu trong năm 2012, điều quan trọng là các doanh nghiệp phải kiên định trong việc lựa chọn thị trường ngách, sản phẩm đặc thù, cũng như có kế hoạch trở thành đối tác chiến lược dài hạn với các nhà cung cấp lớn.

Cơ cấu xuất khẩu trong năm 2011
c dòng thuế tại nhiều nước sẽ giảm

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, năm 2012 sẽ chứng kiến sự thúc đẩy nhanh hơn của các chương trình đàm phán về hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa VN với các nước cũng như VN và khu vực, kéo theo đó thuế suất hàng hóa đi vào các nước thấp hơn, nhiều ưu đãi, cam kết bắt đầu có hiệu lực, đồng thời chủ nghĩa bảo hộ tăng lên.

Những tác động đến lĩnh vực xuất nhập khẩu của VN sẽ mạnh mẽ hơn từ những cam kết đã có với ASEAN, hay với các nước Trung Quốc, Nhật Bản... vốn đang được đẩy mạnh để tiến tới hoàn tất trong năm 2015. Trong bối cảnh kinh tế thế giới sẽ còn khó khăn trong năm 2012, đặc biệt thị trường chủ lực như EU, Mỹ..., doanh nghiệp VN muốn tận dụng tốt những ưu đãi từ các hiệp định cần xem lại chiến lược xuất khẩu, nhất là các hiệp định song phương. Hiện nay, Hàn Quốc là một thị trường quan trọng và là thị trường hiếm hoi doanh nghiệp VN tận dụng tốt các ưu đãi. Trong năm 2011, kim ngạch xuất nhập khẩu của VN ở thị trường này đã tăng 70%, phía Hàn Quốc cũng đang muốn mở rộng cam kết FTA với VN. Tương tự, thị trường Nhật Bản cũng rất thiện chí mở cửa hợp tác với VN, ngoài ra VN sẽ khởi động đàm phán về FTA với liên minh thuế quan với Nga, Belarus, Kazakhstan vào giữa năm 2012, tạo tiền đề cho việc đưa hàng hóa VN sang các thị trường này mạnh mẽ hơn.

Da giày: mục tiêu 7 tỉ USD

Dù xếp sau dầu thô nhưng da giày đã trở thành ngành hàng xuất khẩu ấn tượng không kém dệt may khi thu về 6,52 tỉ USD trong năm 2011, xếp thứ ba trong tốp 10 ngành hàng xuất khẩu lớn nhất hiện nay. Theo tính toán của Hiệp hội Da giày VN (Lefaso), trong 6,5 tỉ USD xuất khẩu nói trên, mức giá trị gia tăng mà ngành thu về được ước trên 55%, tăng ít nhất 5% so với năm 2010.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso, cho rằng nỗi lo lớn nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu trong năm 2012 là sự sụt giảm đơn hàng ở thị trường châu Âu, thị trường xuất khẩu chính hiện nay của ngành da giày VN, do e ngại khủng hoảng kinh tế.

Chính vì vậy, Lefaso chỉ đặt mục tiêu xuất khẩu 7 tỉ USD trong năm 2012, đồng thời khuyến nghị các doanh nghiệp không nhận hợp đồng có giá trị thấp để tránh hệ lụy từ việc chống bán phá giá từ các thị trường nhập khẩu chính của VN. “Nếu biết tận dụng tốt các thị trường ngách, chọn sản xuất các sản phẩm khác biệt với giá trị cao, tôi tin các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ vượt qua được khó khăn của năm 2012” - ông Kiệt nói.

Thủy sản: mở rộng thị trường tiềm năng

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho biết 2011 là năm thành công lớn của ngành thủy sản VN khi mọi chỉ tiêu xuất khẩu đều có sự tăng trưởng khá trong bối cảnh doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Ngành thủy sản đã ngược dòng ngoạn mục khi vượt qua cột mốc 6 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu, bỏ khá xa kế hoạch 5,7 tỉ USD đặt ra hồi đầu năm 2011.

Ông Lê Văn Quang - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú, phó chủ tịch VASEP - cho rằng vẫn còn nhiều cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đạt được mục tiêu xuất khẩu 6,3-6,5 tỉ USD như Bộ NN&PTNT đặt ra cho năm 2012. “Nếu các doanh nghiệp cố gắng duy trì số lượng xuất khẩu vào các thị trường chính truyền thống như EU, Mỹ, Nhật..., đồng thời mở thêm các thị trường mới rất tiềm năng như Trung Quốc, Nga... thì mục tiêu đạt được không khó” - ông Quang nhận xét. Theo ông Quang, hiện ngành chế biến thủy sản của VN đã có trình độ khá cao nên dù gặp nhiều bất lợi về nguyên liệu, chi phí, thời gian qua vẫn cạnh tranh được với các nước trong khu vực.

Tập trung hàng công nghiệp chế biến

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, năm 2012 ngành công thương cố gắng điều hành tăng xuất khẩu khoảng 13% so với năm 2011, đạt kim ngạch khoảng 108,8 tỉ USD. ”Đây cũng là thách thức rất lớn đòi hỏi toàn ngành phải phấn đấu” - ông Biên nói. Năm 2012, Bộ Công thương dự báo yêu cầu nhập khẩu sẽ khoảng 121,8 tỉ USD, tăng 15,2% so với năm 2011. Như vậy, nhập siêu năm tới sẽ khoảng 13 tỉ USD, bằng khoảng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định phê duyệt chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa 2011-2020. Theo đó, mục tiêu được đưa ra là đến năm 2020, xuất khẩu của VN phải gấp trên 3 lần năm 2010 và năm 2020 VN cũng phải hết nhập siêu, cân bằng được giữa xuất và nhập khẩu.

Định hướng phát triển, chiến lược nêu rõ với nhóm ngành hàng khoáng sản phải giảm dần xuất thô. Nhóm hàng công nghiệp chế biến được chú trọng nhất, yêu cầu đến năm 2020 tỉ trọng phải chiếm tới 62,9% trong tổng hàng xuất khẩu. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong chiến lược phải tìm ra mặt hàng xuất khẩu mới và đến năm 2020, tỉ trọng mặt hàng mới này phải chiếm tới 19,2% tổng xuất khẩu.

Gạo: không chạy theo số lượng

Với trên 7 triệu tấn gạo đã xuất khẩu trong năm 2011, mức cao nhất từ trước đến nay với kim ngạch trên 3,6 tỉ USD, gạo trở thành mặt hàng xuất khẩu cực kỳ quan trọng trong bối cảnh nguồn cung lương thực thế giới ngày một eo hẹp. Theo đánh giá của Hiệp hội Lương thực VN (VFA), trong năm 2011 người trồng lúa trúng lớn khi được mùa, được giá, nhiều thời điểm người trồng lúa đạt mức lời lên đến 50-80%.

Theo nhận định của VFA, hiện tại xuất khẩu gạo của VN gặp khó khăn do sự cạnh tranh quyết liệt của gạo giá rẻ từ Ấn Độ và Pakistan. Để tăng tính cạnh tranh của gạo VN, ngày 21/12 vừa qua, VFA đã điều chỉnh giá sàn xuất khẩu gạo. Theo đó, mức giá sàn mới này (500 USD/tấn với gạo 5% tấm) đã thấp hơn giá chào bán của đầu tháng 11-2011 gần 100 USD/tấn.

Trước đó, VFA xác định xuất khẩu gạo của VN trong các năm tiếp theo không chạy theo số lượng mà tập trung vào sản xuất lúa gạo chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu. Do đó, các năm tới sản lượng gạo xuất khẩu của VN giữ ở mức 6-7 triệu tấn.

Đồ gỗ: phát huy nội lực

Dù thu về được 3,9 tỉ USD xuất khẩu trong năm 2011, nhưng ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, không giấu được lo lắng khi xuất khẩu vào EU năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn, cũng như nguy cơ đồ gỗ xuất khẩu VN có thể bị kiện phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp) ở thị trường Mỹ rình rập từ hơn hai năm qua.

Dù vậy, theo ông Mạnh, bên cạnh khó khăn tại thị trường EU, ngành gỗ vẫn có tiềm năng phát triển nếu biết tận dụng tốt các thị trường mới nổi như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

Để giảm phụ thuộc vào nguyên liệu gỗ nhập khẩu, các doanh nghiệp cần tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước. Một điểm đáng mừng là xu hướng nhập khẩu nguyên liệu trong ngành chế biến gỗ ngày một ít đi do việc sử dụng nguyên liệu trong nước ngày càng nhiều (chủ yếu là gỗ tràm). “Nếu như Chính phủ có định hướng tốt về trồng rừng khai thác gỗ thì nguyên liệu nhập khẩu sẽ ngày càng giảm” - ông Mạnh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu năm 2012: Cơ hội từ thị trường mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO