Xuất khẩu gỗ sang EU: Cần kiểm soát chặt chất lượng gỗ

27/02/2016 00:26

Một trong những quan ngại lớn nhất của EU là việc kiểm soát chất lượng sản phẩm gỗ từ Việt Nam. Đây cũng là rào cản khi đồ gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường lớn khi mà nguồn nguyên liệu bắt buộc là gỗ hợp pháp.

Xuất khẩu gỗ sang EU: Cần kiểm soát chặt chất lượng gỗ

Một trong những quan ngại lớn nhất của EU là việc kiểm soát chất lượng sản phẩm gỗ từ Việt Nam. Đây cũng là rào cản khi đồ gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường lớn trên thế giới khi mà nguồn nguyên liệu bắt buộc phải là gỗ hợp pháp. 

Với 500 triệu dân và kinh tế phát triển, EU chiếm khoảng 1/4 thị trường tiêu thụ đồ gỗ thế giới. Về các mặt hàng gỗ, hiện EU là thị trường lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc). Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng các mặt hàng đồ gỗ (HS 94), EU là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Mỹ).

Hiện, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sang EU khoảng 700-800 triệu USD, trong khi nhu cầu tiêu dùng mặt hàng gỗ của EU lên tới 85 tỷ USD/năm. Việc ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU cũng như Hiệp định Đối tác Tự nguyện (VPA/FLEGT) với EU đang đến hồi đàm phán cuối cùng, có thể sẽ ký kết vào tháng 6 năm nay. Hiệp định này dự kiến sẽ giúp cho việc xuất khẩu gỗ sang EU tăng lên khoảng 1 tỷ USD/năm.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Tổng thư kí Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) về những khó khăn mà doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang gặp phải khi xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường EU cũng như các thị trường khác.

* Việc xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang các thị trường hiện đang gặp những khó khăn gì, thưa ông?

- Đồ gỗ đang là một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam, đem lại thu nhập cho gần 300.000 lao động ngành chế biến gỗ và hàng nghìn hộ gia đình tại các làng nghề, khu vực trồng rừng.

Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Tổng thư kí Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Ngành công nghiệp chế biến và thương mại gỗ có đặc điểm là chịu một số hàng rào kĩ thuật đặc biệt liên quan đến nguyên liệu rừng, ảnh hưởng đến môi trường và phát thải khí nhà kính.

Vì thế, khu vực EU hay Mỹ đều có những hàng rào kĩ thuật rất chặt chẽ để tăng cường quản lý rừng bền vững. Điều này gây ra không ít khó khăn cho DN Việt Nam.

Tuy nhiên, cho đến nay, việc xuất khẩu đồ gỗ đang trong bức tranh tương đối sáng sủa vì chúng ta chưa bị vụ kiện cáo nào, tốc độ tăng trưởng đều đặn hàng năm.

Nhưng không vì lẽ đó mà chúng ta chủ quan, Hiệp hội cũng luôn cảnh báo các DN phải thận trọng làm sao để giữ được hình ảnh của đồ gỗ Việt Nam trên thế giới vì hiện ta đang là một trong những quốc gia hàng đầu trong việc xuất khẩu đồ gỗ.

* Ông đánh giá thế nào về lượng hàng của Việt Nam sang EU và đồ gỗ Việt Nam sẽ chịu tác động của Hiệp định VPA như thế nào khi có hiệu lực?

- Chính phủ Việt Nam cũng như phía EU đang hối thúc các bộ, ngành liên quan sớm hoàn tất đàm phán kí kết Hiệp định Đối tác Tự nguyện (VPA) tiến tới việc chúng ta sẽ tự quản trị trong việc cấp phép xuất khẩu đồ gỗ sang EU. Đây là câu chuyện nghiêm túc khi cả hai bên đều thận trọng trong quá trình đàm phán đã diễn ra trong 3-4 năm qua.

Tôi cho rằng đây là cơ hội để ta tăng cường công tác quản lý gỗ, tăng cường việc theo dõi giám sát hành trình của sản phẩm từ gỗ.

Vì như chúng ta đều biết, nguồn nguyên liệu làm đồ gỗ hiện nay Việt Nam đang nhập khẩu từ nhiều nước (khoảng 3-4 nước khác nhau) đôi khi rất khó khăn trong việc giám sát hành trình gỗ, đòi hỏi chúng ta phải làm thế nào để đảm bảo gỗ mà ta đưa vào chế biến, tái xuất khẩu đồ gỗ sang các thị trường lớn phải là gỗ hợp pháp, không gây hại đến rừng và môi trường.

Tuy nhiên, việc kí kết VPA trong thời gian tới vừa là cơ hội vừa là thách thức với ngành xuất khẩu gỗ. Bởi một mặt ta sẽ chủ động trong việc cấp phép, tạo điều kiện thuận lợi để đồ mộc của Việt Nam đi vào vào thị trường EU nhưng mặt khác VPA cũng đặt ra rất nhiều vấn đề trong quản lý Nhà nước và bản thân các DN cũng còn nhiều bỡ ngỡ.

Trên thực tế chưa có nhiều nước thực hiện Hiệp định VPA này, một số nước kí kết cách đây vài năm nhưng đến nay chưa làm được nên đối với Việt Nam trong vài năm đầu sẽ còn nhiều khó khăn.

Quan điểm của tôi vẫn cho rằng,VPA sẽ góp phần cho đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu và tiêu thụ dễ dàng hơn tại các thị trường của EU và làm cho người tiêu dùng của thị trường này yên tâm hơn khi mua đồ gỗ của Việt Nam.

* Một trong những quan ngại lớn nhất của EU là việc kiểm soát chất lượng sản phẩm gỗ từ Việt Nam. Dưới góc độ đại diện Hiệp hội ông nói gì về điều này?

- Dĩ nhiên cơ quan quản lý của ta rất quan ngại việc này vì khối lượng công việc sẽ rất lớn, rất nhiều DN sẽ cần giấy phép, rất nhiều lô hàng cần đến việc kiểm tra, giám sát trước khi được cấp phép xuất khẩu vào EU.

Nhưng tôi lại không lo lắng lắm về việc này vì thực sự các cơ quan quản lý của ta cũng như DN Việt Nam rất quyết tâm trong việc giữ được hình ảnh, thương hiệu đồ gỗ cũng như thị trường.

Thực tế, kể cả với Mỹ, đây là thị trường rất khó khăn với đạo luật Lacey (quy định pháp luật đầu tiên nhằm nghiêm cấm việc nhập khẩu gỗ khai thác trái phép vào một thị trường gỗ chính của thế giới) nhưng sau 5-6 năm thực hiện đạo luật này đồ gỗ của Việt Nam chưa gặp vấn đề gì, sản phẩm gỗ Việt Nam vẫn xuất khẩu vào thị trường Mỹ và tăng trưởng đều đặn.

* Hiện nay Việt Nam chưa có hàng rào kĩ thuật cũng như chưa có hệ thống kiểm định về chất lượng đồ gỗ mà ta sẽ lại tiếp tục phụ thuộc vào hải quan. Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc đưa sản phẩm gỗ của Việt Nam ra thị trường thế giới?

- Cùng với việc kí kết Hiệp định VPA, chúng ta sẽ phải có chuẩn bị bước đệm bằng việc hình thành hệ thống theo dõi xuất xứ đồ gỗ nguyên liệu, hoàn thành định nghĩa “đồ gỗ hợp pháp”, hình thành các cơ quan có sự tham gia của Chính phủ, hiệp hội, đại diện DN để đảm bảo việc cấp phép hoàn toàn hợp pháp. Tôi tin rằng thời gian tới ta sẽ làm được việc này.

* Trở lại những khó khăn vướng mắc khi xuất khẩu đồ gỗ ra thế giới, theo ông năm 2016 DN Việt sẽ phải làm gì để thúc đẩy việc xuất khẩu gỗ sang các thị trường khác, không chỉ thị trường EU?

- Chúng ta đang sử dụng nguyên liệu từ 2 nguồn chính là nhập khẩu từ nước ngoài và nguồn trong nước.

Đối với nguồn nhập khẩu, chúng ta sẽ phải siết chặt hơn việc theo dõi đường đi của gỗ, bên cạnh đó cũng phải yêu cầu các nhà cung cấp gỗ nguyên liệu phải đảm bảo gỗ bán cho Việt Nam phải là gỗ hợp pháp.

Với nguồn gỗ khai thác trong nước thì hiện nay Chính phủ, Bộ NN&PTNT và DN cũng đang xúc tiến mạnh về việc đảm bảo rừng sản xuất gỗ khai thác phải là rừng đã được cấp Chứng chỉ rừng bền vững. Việc này tuy tốn kém nhưng các DN đang làm và có sự hợp tác, hỗ trợ của các cơ quan quản lý. Tôi tin rằng, với cách làm này, chúng ta sẽ tránh được rủi ro sử dụng gỗ bất hợp pháp.

* Ông nhìn nhận thế nào về chất lượng gỗ của Việt Nam trong mắt người tiêu dùng thế giới?

- Thực tế là tổng giá trị xuất khẩu đồ gỗ đang gia tăng rất mạnh, điều này chứng tỏ đồ gỗ của Việt Nam đã lấy được lòng tin của các thị trường, kể cả các thị trường khó tính như EU, Mỹ hay Nhật Bản.

Tất nhiên vẫn còn xảy ra tình trạng buôn bán gỗ bất hợp pháp nhưng chúng tôi vẫn cảnh báo các DN, đặc biệt là các DN chế biến đồ gỗ để xuất khẩu tuyệt đối không sử dụng gỗ có xuất xứ không rõ ràng.

Có thể đâu đó có tình trạng buôn bán gỗ “lậu” để làm đồ tiêu thụ trong nước nhưng đối với việc xuất khẩu tôi có thể đảm bảo DN không “dại gì” mà vướng vào lao lý đó trong khi chúng ta đều đang rất quyết tâm giữ hình ảnh đồ gỗ Việt Nam trên thế giới.

* Xin cảm ơn ông!

>Xuất khẩu gỗ và một số vấn đề cần lưu ý

>Tín hiệu khả quan từ xuất khẩu gỗ đầu năm 2015

>Doanh nghiệp ngành gỗ: Muốn phát triển, phải hợp tác 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu gỗ sang EU: Cần kiểm soát chặt chất lượng gỗ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO