Xuất khẩu cao su gặp khó

TRUNG HIẾU| 04/10/2011 06:21

Bị “móc ruột”, thị trường nhập khẩu tiểu ngạch Trung Quốc ngưng trệ... đang khiến cao su xuất khẩu chựng lại sau 9 tháng tăng trưởng mạnh.

Xuất khẩu cao su gặp khó

Bị “móc ruột”, thị trường nhập khẩu tiểu ngạch Trung Quốc ngưng trệ... đang khiến cao su xuất khẩu chựng lại sau 9 tháng tăng trưởng mạnh.

Khai thác mủ cao su - Ảnh: Quý Hòa

Theo nguồn tin từ Bộ Công Thương, doanh nghiệp và thương gia Trung Quốc hoạt động tại thị trường xuất nhập khẩu cao su thiên nhiên ở cặp cửa khẩu tiểu ngạch La Phù – Lục Lầm lại bị hạn chế trở lại.

Giao dịch mặt hàng này rất thưa thớt, giá vì thế lún sâu xuống còn 26.000 nhân dân tệ (NDT) NDT/tấn trong tuần cuối tháng 9, mất gần 3.000 NDT so với tuần trước nữa. Đây là mức giá thấp nhất kể từ giữa tháng 3 năm nay và đã giảm 10.000 NDT so với giữa tháng 1.

Trong khi tiểu ngạch phía Bắc gặp sự cố, thì tại phía Nam, theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), liên tục từ tháng 7/2011 đến nay, đặc biệt tháng 9 này, VRA liên tục nhận được kêu cứu bức xúc của các doanh nghiệp (DN) bởi nạn rút ruột cao su trong container.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, sau khi kiểm định niêm phong container tại cảng xuất (Tân Cảng – TP.HCM) và kiểm định trước khi mở container tại cảng nhập (Thanh Đảo - Trung Quốc, Penang-Malaysia...), cao su đã bị “rút ruột” trong khi vẫn còn nguyên dấu niêm phong chì.

Mới nhất, trong tháng 9, có 2 DN xuất khẩu sang Nga đã bị rút ruột tới gần 40 tấn cao su, trị giá khoảng 4 tỷ đồng dù container của họ sang bên cảng nhập vẫn nguyên vẹn niêm phong kẹp chì. Trước đó, có 3 doanh nghiệp cũng báo mất.

Để phòng ngừa mọi rủi do, nhiều DN cao su đã thuê giám định độc lập kiểm định ở hai đầu cảng, mua bảo hiểm 2 chiều xuất - nhập. Thậm chí có DN còn thuê người áp tải container từ nhà máy ra đến cảng, chụp ảnh, quay phim liên tục trong quá trình đóng hàng; ký hợp đồng vận chuyển với các đơn vị uy tín.

Tuy nhiên, cao su trong container khi mở ra, vẫn mất đến hàng chục tấn, dù niêm phong kẹp chì nguyên vẹn, nên đơn vị bảo hiểm không chịu đền bù thiệt hại, khiến DN lĩnh đủ hậu quả không chỉ kinh tế mà cả uy tín.

Trong khi nạn “móc ruột” phía Nam chưa có hướng giải quyết triệt để, tại phía Bắc, đối phó với chuyện sụt giá, một số DN và thương gia Việt Nam đã kịp thời ngưng xuất kho các sản phẩm cao su để tìm phương án kinh doanh khác.

Trong tình hình này, việc chuyển hướng tìm thị trường là khả thi và có hiệu quả cao, bởi thị trường khu vực Đông Á hiện nay, tuy giá có phần giảm, nhưng nhu cầu vẫn cao và vẫn có lợi nhuận cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Một số DN đã thông qua các pháp nhân trung gian môi giới ở Hồng Kông để chuyển xuất vào thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, giải tỏa được hàng ngàn tấn cao su phải nằm chờ xuất khẩu ở Móng Cái.

Theo dự báo của các cơ quan quản lý xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Móng Cái, từ khoảng thượng tuần tháng 10 trở đi, thị trường xuất nhập khẩu tại cửa khẩu tiểu ngạch Lục Lầm – La Phù mới có thể “tan băng” và hồi phục trở lại. Quý IV là giai đoạn cầu về nguyên liệu ở Trung Quốc tăng mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu cao su gặp khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO