Xuất khẩu 2012 sẽ gặp khó

07/12/2011 00:00

Xuất khẩu 2012 sẽ gặp khó; Sản lượng tôm thẻ chân trắng ĐBSCL vượt 57%; Doanh nghiệp phản đối tăng giá vé tham quan vịnh Hạ Long; EVN sẽ lỗ thêm 18.000 tỷ đồng do thiếu khí; Tháng 12, giá cả có xu hướng tăng trở lại...

Xuất khẩu 2012 sẽ gặp khó

Xuất khẩu 2012 sẽ gặp khó

Xuất khẩu 11 tháng qua của Việt Nam đạt trên 87 tỷ USD, tăng gần 35% so với cùng kỳ với 23 nhóm/mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 nhóm/mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, gồm: dệt may đạt 12,8 tỷ USD; dầu thô 6,7 tỷ USD; điện thoại, linh kiện các loại 6,2 tỷ USD; giày dép 5,7 tỷ USD; thủy sản 5,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, dù chưa kết thúc năm 2011 nhưng những khó khăn của năm 2012 đã bắt đầu lộ diện.

Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, ngành dệt may hiện đang đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi như giá nhân công, chi phí đầu vào tăng cao do không chủ động được nguồn nguyên liệu; xuất khẩu chịu tác động mạnh từ chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ, tiết kiệm tiêu dùng của Nhật Bản và khủng hoảng nợ công tại nhiều nước châu Âu.

Vì vậy, nhiều doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất áo sơ mi, quần âu bị hủy hợp đồng, thậm chí không ký được đơn hàng cho quý I/2012.

Bên cạnh đó, ngành da giày tuy có khả quan hơn các ngành khác, nhưng do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, sản lượng trong từng đơn hàng xuất khẩu vào EU cũng bắt đầu giảm sút từ 20 - 30%.

Trong khi đó, EU vẫn áp đặt một năm giám sát xuất khẩu hàng da giày của Việt Nam là bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là khi ngành này vẫn phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp của Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka khi các doanh nghiệp này vẫn được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan.

Đặc biệt, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện nay là lúa gạo đang đối mặt với việc thiếu đơn hàng trầm trọng cũng như sự cạnh tranh gay gắt về giá cả từ các nước xuất khẩu gạo khác.

D. HẢI

Sản lượng tôm thẻ chân trắng ĐBSCL vượt 57%

Theo ngành thủy sản các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong tháng 11, toàn vùng đã thu hoạch thêm trên 5.000 tấn tôm thẻ chân trắng, nâng tổng lượng tôm thẻ chân trắng thu hoạch từ đầu năm đến nay được 51.137 tấn, vượt kế hoạch 32%, cao hơn sản lượng thu hoạch năm 2010 tới 57%.

Trong đó, có 27.000 tấn đã được xuất khẩu sang các nước EU, châu Á, Bắc Mỹ, châu Đại Dương. Có 4 tỉnh trúng mùa nhất là Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng thu hoạch được 36.244 tấn, chiếm 70,8% sản lượng toàn vùng.

Năm nay, 7 tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Long An) đưa 12.257 ha mặt nước vào nuôi tôm thẻ chân trắng.

K. THANH

Doanh nghiệp phản đối tăng giá vé tham quan vịnh Hạ Long

Hiệp hội du lịch TP.HCM vừa có công văn kiến nghị đến các cơ quan liên quan về việc tạm ngưng nâng giá vé tham quan vịnh Hạ Long.

Kiến nghị trên được đưa ra sau 4 ngày kể từ lúc tỉnh Quảng Ninh tăng mức phí tham quan vịnh Hạ Long 50 - 100% so với giá cũ.

Hiệp hội cho rằng, quyết định tăng giá đột ngột làm khó doanh nghiệp vì tất cả các tour cuối năm đã được bán theo mức giá cũ từ trước đó rất lâu. Việc tăng giá cần có lộ trình thích hợp để tránh ảnh hưởng không tốt đến hoạt động du lịch.

Trong trường hợp cần tăng giá thì phải có mức tăng hợp lý và đi kèm với việc nâng cao chất lượng dịch vụ.

Sau khi có quyết định tăng giá, một số công ty kinh doanh tàu du lịch ở Hạ Long đã báo giá tăng đến doanh nghiệp lữ hành, số khác thì tạm thời chịu phần chênh lệch vì đã ký hợp đồng với đối tác.

Hiện tại, khi khách đến Hạ Long thì công ty du lịch thường mua chương trình tham quan hoặc chương trình tham quan kết hợp nghỉ đêm của các công ty kinh doanh tàu du lịch ở Hạ Long, trong đó có kèm theo chi phí tham quan các tuyến du lịch trong vịnh.

Trả lời về vấn đề này, ông Ngô Hùng, Trưởng ban quản lý vịnh Hạ Long, cho rằng, không thể ngưng việc tăng giá vì chủ trương này đã được Bộ Tài chính thông qua, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã họp và thống nhất ý kiến, UBND tỉnh mới ra quyết định.

Hơn nữa, mức phí cũ là quá thấp. Theo ông Hùng, trong nửa đầu năm 2012, có thể tỉnh sẽ tiếp tục lấy ý kiến để nâng phí tham quan lên một lần nữa.

D. LOAN

EVN sẽ lỗ thêm 18.000 tỷ đồng do thiếu khí

Theo dự báo của Bộ Công Thương, năm 2012 tăng trưởng điện sản xuất là 11,7% và điện thương phẩm là 13,6%, cao hơn năm 2011 khoảng 3 %.

Trong khi đó, theo báo cáo Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) gửi Bộ Công Thương mới đây, năm 2012 khả năng sẽ thiếu gần 1 tỷ m3 khí, buộc các nhà máy nhiệt điện phải chuyển sang chạy dầu.

Với mức thiếu hụt khí này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng tỏ ra lo ngại khi chi phí của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) sẽ bị đội lên gần 18 ngàn tỷ đồng nữa.

Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN làm việc với các chủ mỏ khí để có thể đáp ứng từ 6,5 - 6,6 tỷ m3 khí trong năm 2012 và khả năng này đã được thực hiện trong các năm 2009 và 2010.

Bởi hầu như EVN chỉ huy động khí từ nhà máy Nam Côn Sơn - Bạch Hổ, trong khi nguồn ở PM3 Cà Mau lại nhiều hơn nhưng lại ít huy động nên chưa đạt được yêu cầu đề ra.

Lãnh đạo PVN cũng đề nghị Bộ Công Thương có kế hoạch để cân đối được hai nguồn cung cấp khí này, tránh để tình trạng khai thác quá nhiều ở một nơi vì việc cung cấp khí còn phục vụ chung cho các công trình khác như đạm, khí thắp áp và việc cân đối chung của cả tập đoàn.

B. KHIÊM

Tháng 12, giá cả có xu hướng tăng trở lại

Đó là nhận định của tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công Thương).

Giá cả hàng hóa tháng 12 này sẽ chịu tác động của nhiều yếu tố gây tăng giá như dịp lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch, cận tháng Tết Âm lịch.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, một số mặt hàng lương thực, thực phẩm do ảnh hưởng của mưa lũ, do nhu cầu tăng vào dịp cuối năm trong khi nguồn cung chưa dồi dào nên giá có xu hướng tăng trở lại.

Một số mặt hàng sẽ có điều chỉnh tăng giá do biến động các yếu tố đầu vào. Với các yếu tố này, CPI tháng 12 này có thể tăng 0,5 - 0,6%.

B. MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu 2012 sẽ gặp khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO