Xuất hàng đi Nhật, thị trường khó tính số 1

02/02/2010 08:23

Muốn vào thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp Việt phải chủ động tìm hiểu thay vì để các chuyên gia Nhật sang tận nơi để thuyết trình.

Xuất hàng đi Nhật, thị trường khó tính số 1

45 doanh nghiệp Việt đã đăng ký trước, mỗi doanh nghiệp chỉ có 15 phút để gặp gỡ hai nhà tư vấn Nhật Bản để nghe họ nói ở thị trường Nhật thì bán cái gì và bán như thế nào mới thành công. Điều này có vẻ hơi “ngược”, bởi lẽ ra muốn xuất hàng vào thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt phải tự tìm hiểu điều này thay vì để các chuyên gia Nhật Bản sang tận nơi để thuyết trình. Từ đây để thấy nền tảng hỗ trợ kinh doanh của các doanh nghiệp Việt còn quá thiếu chuyên nghiệp.

Để thâm nhập thị trường Nhật, cần đưa ra sản phẩm có phân khúc rõ ràng. Ảnh: Hồng Thái

Từ xu hướng gia đình ra sản phẩm

Bà Okura Noriko là chuyên gia về thiết kế của tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đồng thời là giám đốc một công ty chuyên về thiết kế một số mặt hàng gia dụng tại Nhật cho biết, để cho ra đời được những sản phẩm thiết kế được khách hàng chấp nhận và bán chạy trên thị trường, bà đã tự mình nghiên cứu vấn đề giới tính, xu hướng của các gia đình Nhật hiện đại, từ đó đưa ra những sản phẩm có phân khúc thị trường rõ ràng.

Ví dụ, ở Nhật, tỷ lệ phụ nữ từ 25 – 29 tuổi còn độc thân chiếm tới gần 60%, tỷ lệ này ở phụ nữ trong độ tuổi 30 – 34 là 33% và có tới 18% phụ nữ độc thân cả đời. Dự báo tới năm 2020 có tới 40% số gia đình ở Nhật là các hộ độc thân, đứng thứ hai là số lượng các hộ gia đình có bốn người. Xu hướng xã hội này đã có tác động lớn tới việc thiết kế các sản phẩm tiêu dùng của bà Okura Noriko.

Cụ thể, với tỷ lệ người còn độc thân lớn như vậy ở Nhật, các sản phẩm bán chạy là những bộ (set) đơn như bộ bao gồm một cái ly, một chén sâu và một đĩa nhỏ. “Nếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn làm theo cách thông thường là bán một bộ có tới sáu cái ly uống nước như mô hình gia đình truyền thống của Việt Nam thì sẽ rất khó bán”, bà Okura Noriko nói. Ngay cả với thảm trải nhà, những nhà thiết kế như Okura Noriko cũng luôn phải chú tâm tìm các hình ảnh thật ngộ nghĩnh như chú thỏ, cây nấm…Theo bà Okura Noriko: “Những hình ảnh này sẽ khiến khách hàng cảm thấy vui khi họ trở về nhà một mình sau một ngày làm việc mệt mỏi”.

Kể cả với thiết kế đồ gỗ, bà Okura Noriko cho biết người dân Nhật chú trọng nhiều tới sự hài hoà về màu sắc và sự phối hợp giữa các đồ đạc trong nhà. Bởi vậy những sản phẩm bán chạy ở Nhật là những sản phẩm kích cỡ vừa phải, màu sắc trang nhã và chúng phải là một bộ hài hoà với nhau.

Có gì bán nấy?

Trong thực tế chưa nhiều doanh nghiệp Việt Nam có được nghiên cứu kỹ lưỡng về xu hướng tiêu dùng trước khi cho ra đời một sản phẩm hoặc sử dụng những nghiên cứu đó để điều chỉnh thiết kế giúp sản phẩm phù hợp hơn với thị trường.

Ngay cả với thị trường khó tính như thị trường Nhật Bản cũng không nhiều doanh nghiệp thực sự chú trọng tới động thái của thị trường vốn vận động, thay đổi liên tục này. “Tôi thấy rất ít doanh nghiệp Việt biết tới tạp chí Sweet của Nhật. Tạp chí này với số lượng phát hành 105 vạn bản có tác động lớn tới xu hướng tiêu dùng của thanh niên Nhật”, bà Okura Noriko nói.

Hiện tại ở nước ta chưa có doanh nghiệp nào thực hiện việc nghiên cứu thị trường và cho ra đời các sản phẩm thiết kế để “bán” mẫu cho doanh nghiệp như cách mà công ty của bà Okura Noriko đang làm. Một số doanh nghiệp tư vấn có thể giúp doanh nghiệp phân khúc thị trường tốt hơn, định hướng chiến lược sản phẩm giúp doanh nghiệp nhưng cũng chỉ là những nghiên cứu mang tính nhỏ lẻ. Bởi vậy các doanh nghiệp sản xuất theo thói quen mang tính truyền thống của mình, chậm thay đổi thích nghi thị trường, thậm chí khó có khả năng dẫn dắt thị trường.

Mười lăm phút để một doanh nghiệp có được lời tư vấn từ chuyên gia Nhật, kể cả thời gian phiên dịch sẽ là không nhiều và khó có thể thay đổi được cách kinh doanh của doanh nghiệp Việt. Nhưng chắc chắn nó sẽ phải mở ra được điều gì đó, ít nhất là gợi mở cho doanh nghiệp cách nhìn nhận thị trường dưới những tác động của các yếu tố dân số, văn hoá và xã hội như các chuyên gia Nhật đang làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất hàng đi Nhật, thị trường khó tính số 1
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO