Xoay xở tìm hướng làm giàu

08/01/2010 00:44

Cơ hội đến trong khủng hoảng không phải là câu chuyện lý thuyết mà đã biến thành phương án kinh doanh cụ thể của nhiều DN, từ nhỏ đến lớn, từ nhà đầu tư trong nước đến nhà đầu tư nước ngoài.

Xoay xở tìm hướng làm giàu

Cơ hội đến trong khủng hoảng không phải là câu chuyện lý thuyết mà đã biến thành phương án kinh doanh cụ thể của nhiều doanh nghiệp (DN), từ nhỏ đến lớn, từ nhà đầu tư trong nước đến nhà đầu tư nước ngoài.

Công nhân đóng gói sản phẩm để giao hàng cho đối tác tại xưởng sản xuất Công ty mỹ nghệ Gia Long ở Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: LÊ SƠN

Nói về sự vượt khó ngoạn mục của các DN VN, tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng các DN đã kiên cường đến mức không ngờ để bước qua giai đoạn khó khăn nhất.

Từ than phiền của doanh nghiệp

Lạc quan 2010

Nói về triển vọng đầu tư năm 2010, ông Đặng Thành Tâm, chủ tịch Tập đoàn đầu tư Sài Gòn (SGI), khẳng định sẽ đưa thêm hai khu công nghiệp vào hoạt động và đón 10 nhà đầu tư vệ tinh của Samsung đầu tư vào khu công nghiệp ở Bắc Ninh... Và dự báo các khu công nghiệp của SGI sẽ thu hút 6-7 tỉ USD vốn đầu tư trong năm nay. Ngoài ra, trong năm 2010, SGI sẽ đầu tư gấp đôi năm 2009, tương đương 6.000-8.000 tỉ đồng cho các công trình thủy điện, phong điện, khu công nghiệp và hoạt động sản xuất từ các công ty thành viên.

Câu chuyện kinh doanh của ông Lê Thanh Hùng, giám đốc Công ty ATL (TP.HCM), đến từ những than phiền của đa số chủ DN vận tải: không kiểm soát được việc giao hàng đúng hạn, quản lý tài xế quá khó khăn.

Kinh nghiệm mười năm làm việc cho các công ty đa quốc gia chuyên về giao nhận, vận chuyển, cung ứng dịch vụ bán lẻ..., ông Hùng mạnh dạn cho ra đời ATL. Nhu cầu ứng dụng công nghệ quản lý vào việc vận hành DN trong bối cảnh khủng hoảng lớn đến mức ông Hùng phải bất ngờ. “Với thiết bị định vị, phần mềm quản lý phương tiện vận chuyển cùng với quy trình quản trị của chúng tôi cung cấp, DN có thể biết hàng hóa đang ở vị trí nào trên đường vận chuyển, quản lý được hành trình của tài xế” - ông Hùng tự tin nói.

Từ những hoạt động bán hàng về nông thôn gần đây của nhiều DN, ông Hùng bắt tay vào nghiên cứu nhu cầu cung cấp dịch vụ hậu cần, vận chuyển, chuỗi cung ứng... cho các DN đó. “Nếu không nghĩ xa hơn để có một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh thì thị trường này sẽ tiếp tục bị bỏ ngỏ” - ông nói.

Là một công ty đầu tư, khi thấy các DN xuất khẩu đồ gỗ quay lại thị trường nội địa nhưng kênh phân phối lại quá nghèo nàn, không đủ đáp ứng, Công ty cổ phần đầu tư U&I (Bình Dương) nhanh chóng chớp thời cơ, xây dựng hệ thống siêu thị chuyên về đồ nội thất. Ông Mai Hữu Tín, tổng giám đốc công ty, cho biết ngoài siêu thị đầu tiên đưa vào hoạt động ở Bình Dương từ năm ngoái, công ty còn xây thêm 4-5 siêu thị khác ở những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng trong 1-2 năm tới.

Nhưng dự án đáng kể nhất của U&I là xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 500ha tại Bình Dương. Cơ hội đầu tư của dự án này bắt nguồn từ những cảnh báo gần đây về an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo ông Mai Hữu Tín, công ty đã cử người sang Israel nghiên cứu, khảo sát và quyết định sử dụng công nghệ nhà kính ở nước này về sản xuất rau sạch. “Hệ thống tưới tiêu và bón phân đều được tự động hóa, cây rau sạch sẽ được cung cấp đúng lượng nước và phân do mình lập trình sẵn trên máy tính, được tưới theo lịch, đúng địa chỉ... Nguồn rau an toàn này của chúng tôi sẽ đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn nên hi vọng thị trường sẽ chấp nhận” - ông Tín nói.

Chinh phục thị trường nội địa

Những ngày đầu năm 2010, đến Công ty CP mỹ thuật Gia Long (TP.HCM) mới thấy không khí lao động khẩn trương của hơn 70 công nhân. Hầu hết các khâu từ mài đá, rửa, chạm khắc, vẽ, trang trí... công nhân đều phải tăng ca cho những đơn hàng tới tấp gửi về. “Chúng tôi đang tuyển thêm công nhân vì đơn hàng nhiều quá mà số công nhân hiện có không đủ đáp ứng” - ông Trần Minh Tiến, giám đốc công ty, cho biết. Điều đặc biệt là phần lớn đơn đặt hàng của Gia Long đều đến từ trong nước, khác hẳn một năm về trước.

Theo ông Tiến, trước năm 2009 Gia Long là công ty chuyên gia công các mặt hàng trang trí trong nhà cho khách hàng nước ngoài. Cuộc khủng hoảng tài chính khiến các đơn hàng từ khách hàng nước ngoài giảm hẳn. Gia Long chuyển hướng quay lại sân nhà với quyết tâm chinh phục thị trường nội địa bằng mẫu mã.

Bằng việc lựa chọn nguyên liệu “lạ” là composite, thuê đội ngũ thiết kế được đào tạo từ trường kiến trúc, mỹ thuật, Gia Long lần lượt cho ra đời những sản phẩm trang trí nhà khác biệt so với những sản phẩm cùng loại đang có. Khi đã chủ động được mẫu mã, Gia Long lại tập trung đánh vào thị trường nội địa. “Người Việt mình ngày càng sử dụng nhiều nội thất và vật liệu trang trí đắt tiền, có những người toàn mua hàng ngoại với giá cao thì không có lý do gì hàng trong nước có chất lượng lại chỉ chuyên xuất ngoại” - ông Tiến cho hay.

Để phát triển thị trường nội địa, Gia Long chuyển đổi hẳn phương thức sản xuất và kinh doanh. Từ sản xuất hàng loạt với ít mẫu mã chuyển sang sản xuất ít nhưng mẫu mã đa dạng. Từ làm gia công mua đứt bán đoạn sang phát triển khâu phân phối, đưa sản phẩm từ nhà máy đến tận tay người tiêu dùng.

Chính vì vậy, năm 2009 là thời điểm khó khăn chung nhưng Gia Long lại phát triển khá ấn tượng. Ngoài 10 cửa hàng tại TP.HCM, Gia Long đã mở thêm 12 đại lý tại 10 tỉnh thành. Doanh số bán hàng tại thị trường nội địa tăng từ 15% năm 2008 lên 50% trong năm 2009. “Chúng tôi sẽ tiếp tục mở thêm các đại lý mới tại các tỉnh miền Tây và miền Bắc trong năm 2010” - ông Tiến khẳng định.

Lạc quan trước diễn biến thuận lợi của kinh tế VN, tổng giám đốc Công ty bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Life Việt Nam Takashi Fujii cho rằng không chỉ hoạt động của ngành bảo hiểm nhân thọ năm nay sẽ tốt hơn, mà sẽ có nhiều công ty Nhật Bản đến VN làm ăn hơn. “Qua đầu mối của công ty mẹ chúng tôi ở Nhật Bản, một số công ty lớn trong ngành dược phẩm và chế biến thực phẩm đang nóng lòng sang VN đầu tư” - ông Takashi Fujii tiết lộ.

Lý giải về sự chú ý của các công ty Nhật, theo ông Takashi Fujii, một phần nhờ sự thành công của Dai-ichi tại thị trường VN qua hai chỉ số: năm 2009 tăng trưởng 35%, lợi nhuận gấp 5 lần năm trước, cộng với nhu cầu rộng mở của thị trường 86 triệu dân này.

Nhiều doanh nghiệp sẽ tăng lợi nhuận

Công ty kiểm toán Grant Thornton VN vừa công bố báo cáo kinh doanh quốc tế. Theo đó, VN được dự đoán là quốc gia có tín hiệu khả quan nhất với 95% cho rằng các doanh nghiệp sẽ tăng doanh thu và 91% cho rằng sẽ tăng lợi nhuận trong năm 2010. Báo cáo này được Grant Thornon tiến hành khảo sát hơn 7.400 doanh nghiệp tư nhân toàn cầu xuyên suốt 36 nền kinh tế quốc gia. Báo cáo cũng cho thấy do phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu nên trung bình giá bán ở VN dự đoán sẽ giảm dao động ở mức 13% so với năm 2009.

Theo nhận xét của ông Ken Atkinson - giám đốc điều hành của Grant Thornton VN, khi nền kinh tế toàn cầu trải qua cuộc suy thoái, đã có rất nhiều doanh nghiệp rút ra được bài học cho riêng mình và đây là một trong những lý do giúp các doanh nghiệp này làm ăn hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xoay xở tìm hướng làm giàu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO