Xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa “thời 4.0”: 3 vấn đề và những nhân tố đột phá

Hồng Nga| 29/07/2022 06:00

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn lực chất lượng cao là những nhân tố đột phá chiến lược trong thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn mới.

Ba vấn đề của công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Chia sẻ tại hội thảo quốc gia "Chủ trương và chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy TP.HCM và Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức ngày 28/7/2022, GS-TS. Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) là quá trình tất yếu, là nhiệm vụ trọng tâm có tính chiến lược và quan trọng, quyết định đến kết quả thực hiện các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước.

Có 3 vấn đề đặt ra cho CNH, HĐH trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thứ nhất là tốc độ thay đổi diễn ra nhanh hơn so với 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước. Thứ hai là xuất hiện hình thức giao tiếp mới với sự trợ giúp của các công nghệ tiên tiến. Không chỉ giao tiếp bằng lời nói và chữ viết như trướcgiờ đây, chúng ta dành nhiều thời gian hơn cho hình thức giao tiếp với mạng xã hội, với nhiều loại thiết bị, robot khác. Thứ ba là xuất hiện những vấn đề mới chưa có trong cả 3 cuộc cách mạnh công nghiệp trước. Một trong số đó là khả năng bị thay đổi của con người về hành vi, về cảm xúc, về nhân cách... trước sự gia tăng ứng dụng của trí tuệ nhân tạo, của robot, của tiến trình tự động hoá.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhìn nhận trong hơn 35 năm lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, Đảng luôn xác định nhiệm vụ CNH, HĐH là động lực, nhiệm vụ then chốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cũng là chìa khoá phát triển đất nước theo hướng hiện đại, rút ngắn khoảng cách với các quốc gia.

Riêng tại TP.HCM, ngay từ những năm đầu đổi mới, Thành phố đã chuẩn bị nguồn lực cơ sở vật chất, kỹ thuật đầu tư phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ then chốt, đưa Thành phố trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá giáo dục đào tạo trên cả nước. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Thành phố đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, có những thách thức rất lớn về đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển đô thị trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng khả năng cạnh tranh giữa các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và trên thế giới.

-2866-1659027102.jpg

Mô hình CNH, HĐH cần phát triển trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn lực chất lượng cao

Xác định cực tăng trưởng mới 

Các chuyên gia cho rằng, trí tuệ nhân tạo, robot, tiến trình tự động hóa đặt ra những yêu cầu mới cho quá trình CNH, HĐH đất nước trong giai đoạn mới. Để phát triển, TP.HCM và các địa phương cần có cực tăng trưởng để xác định động lực và tập trung đầu tư thay vì đầu tư dàn trải. Đây là cơ hội để phát triển kinh tế trong nước và xây dựng quan hệ với các nền kinh tế trên thế giới. Với TP.HCM, công nghiệp - dịch vụ, tài chính, nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là cực tăng trưởng mới trong quá trình CNH, HĐH. 

Theo PGS-TS. Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, cực tăng trưởng mới được xác định là một tập hợp các ngành, công nghiệp - dịch vụ, tài chính, nguồn nhân lực chất lượng cao. Những ngành này sẽ tạo ra động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là “bệ đỡ” cho phát triển vùng Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả Đồng bằng sông Cửu Long.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn lực chất lượng cao là những nhân tố đột phá chiến lược trong thực hiện mô hình CNH, HĐH trong giai đoạn mới. Đây được coi là chìa khóa để Việt Nam nắm bắt các cơ hội và vượt qua các thách thức thời đại, tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để có sự bứt phá, vượt lên trong một số ngành và lĩnh vực.

Vì thế, CNH, HĐH cần dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, đặt con người vào vị trí trung tâm, lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm tiêu chuẩn cơ bản để xác định phương án phát triển, lựa chọn dự án đầu tư và công nghệ. 

Tuy nhiên, phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ tiến trình CNH, HĐH với đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi số quốc gia và đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Phải tiếp tục kiên trì với các giải pháp phát triển những động lực tăng trưởng hiện có về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và tạo động lực tăng trưởng mới như phát triển vùng, liên vùng, đô thị, kinh tế biển, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Song song đó, phát huy tối đa nguồn lực con người - nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của quá trình CNH, HĐH đất nước. Trong đó, đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, các ngành công nghiệp mới có tính chiến lược. 

Đặc biệt, “phải chuyển đổi tư duy phát triển, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài sang chủ động phát triển nội lực, đẩy mạnh sáng tạo, vươn lên làm chủ công nghệ”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa “thời 4.0”: 3 vấn đề và những nhân tố đột phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO