![]() |
Theo thống kê mới nhất của Grant Thornton International, khả năng sinh lợi trên vốn đầu tư vào Việt Nam cho lợi nhuận cao nhất thế giới với 91 điểm(*), 92% số công ty nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam hy vọng sẽ có được lợi nhuận trong năm 2010. Đây là kết quả cho thấy Việt Nam là điểm đến rất hấp dẫn của các nhà đầu tư trong năm nay.
Các nhà đầu tư nước ngoài rất tin tưởng vào việc đầu tư vào thị trường Việt Nam. Những lý do để tin tưởng đó là trải qua thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng GDP 5,2%, cao nhất trong số các nước tại khu vực Đông Nam Á. Việt Nam là quốc gia đông dân số trẻ với hơn 60% ở độ tuổi dưới 30 trong tổng số 80 triệu người. Việt Nam cũng là một trong bốn điểm đến an toàn, thân thiện hàng đầu Châu Á.
![]() |
Cùng với quyết định hạ giá đồng tiền trong năm 2009, Chính phủ Việt Nam mang lại nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Lợi thế này tiếp tục được khẳng định khi đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam một lần nữa điều chỉnh tỷ giá đồng bản tệ so với đôla Mỹ.
Trong năm 2009, Hoa Kỳ là nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, xếp thứ hai là Cayman Islands, tiếp theo là Samoa và Hàn Quốc với nguồn vốn đầu tư dẫn đầu trong các lĩnh vực như dịch vụ lưu trú ăn uống, kinh doanh bất động sản và lĩnh vực công nghệ chế biến. Trong hai tháng đầu năm 2010, Việt Nam đã thu hút thêm 1,78 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký, bằng 27,3% so với cùng kỳ năm trước.
Có thể thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn luôn xem Việt Nam là điểm đến tiềm năng và có thể đầu tư lâu dài. Ngoài Mỹ là nước đầu tư mạnh nhất tại Việt Nam, cuối tháng Ba, các doanh nghiệp Ý cũng xúc tiến quan hệ đầu tư, hứa hẹn sẽ mang đến một luồng gió mới với nhiều triển vọng khả quan trong đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam vẫn cần phải tiếp tục nâng cao năng lực thu hút đầu tư nước ngoài như tạo ra sức hấp dẫn của thị trường lao động, cải thiện môi trường pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đặc biệt là chú trọng đẩy mạnh các ngành thế mạnh.
Chẳng hạn, Việt Nam có thế mạnh hàng đầu về nông nghiệp, cung cấp phong phú về nhiều loại sản phẩm ở lĩnh vực nông nghiệp như trái cây và rau tươi giúp đẩy mạnh xuất khẩu. Nếu kết hợp thế mạnh này với công nghệ cao trong chế biến thực phẩm thì sẽ đẩy mạnh hàng xuất khẩu chất lượng cao, thu về lợi nhuận cao hơn mức thông thường.
Ông Marco Saladini, đại diện Thương vụ Ý tại Việt Nam, cho biết hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam là một giải pháp trong chiến lược của ngành công nghệ chế biến thực phẩm Ý tại Việt Nam. Do đó, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng của các nhà xuất khẩu máy móc và thiết bị chế biến thực phẩm của Ý. Đây là cơ hội tốt để các nhà đầu tư Ý đầu tư vào thị trường này.
(*) Điểm số do Tạp chí BusinessWeek đưa ra dựa trên số lượng công ty dự báo khả quan về lợi nhuận